Những “thanh âm” cảm xúc của nữ bác sĩ IVF “mát tay” 13 năm đồng hành cùng các bà mẹ hiếm muộn hiện thực ước mơ làm mẹ
Trong các câu chuyện về hành trình “tìm con”, chúng ta thường được nghe những tâm sự từ người làm cha, làm mẹ và nỗ lực từng ngày của họ để có được đứa con của riêng mình. Thế nhưng, còn một “người trong cuộc” nữa cũng trải qua từng cung bậc cảm xúc, vui có, buồn có, lo lắng có và nỗi sợ thoáng chốc cũng đã từng, lại ít có cơ hội trải lòng. Đó là các y bác sĩ, những người không chỉ là chuyên gia mà đôi khi còn là người bạn, người đồng hành, người truyền động lực trên hành trình “tìm con” của các cặp đôi hiếm muộn.
Nỗi sợ: Thoáng chốc thuở ban đầu
Là một chuyên gia trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm với 13 năm kinh nghiệm nhưng cũng là một người phụ nữ, một người mẹ, bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc, hiểu hơn ai hết “sức nặng” đến từ trách nhiệm của người làm bác sĩ. Chị hiểu rằng trong số nhiều thiên chức khác nhau, 2 thiên chức quan trọng nhất của người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Nhưng đối với các bà mẹ hiếm muộn, điều giản đơn đó lại trở thành “ước mơ, khát vọng” mà họ phải nỗ lực suốt cả một chặng đường để hiện thực hóa nó. Con đường ấy đôi khi dài đằng đẵng và đầy chông gai, thử thách có thể khiến các cặp đôi hiếm muộn gục ngã bất cứ lúc nào.
Có lẽ thử thách lớn nhất chính là thử thách về tinh thần. Thực tế, hiện nay khó có phương pháp điều trị y học nào đạt tỷ lệ thành công 100%, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, ngay cả những phương pháp điều trị được coi là hiện đại nhất như IVF cũng có một tỷ lệ thành công nhất định. Do đó, mỗi lần làm IVF thất bại có lẽ là những “bức tường rào” cao nhất, làm chùn bước các cặp đôi hiếm muộn trên hành trình tìm con.
“Đôi khi bệnh nhân sau những phương pháp hỗ trợ sinh sản, họ chờ mong một cái gì đó, giống như khi chúng ta chờ mong kết quả thi đại học và đôi khi họ sẽ sụp đổ về mặt tinh thần”, BS. Dương chia sẻ.
Vì thế, trong những ca bệnh đầu tiên tiếp nhận, chị cũng đã từng có một “nỗi sợ” thoáng qua, đó là nỗi sợ đối diện với bệnh nhân khi họ làm IVF thất bại. “Khi ấy, có lẽ do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mình sợ mỗi lần bệnh nhân bảo rằng ‘Chị ơi, em thất bại rồi’, ‘Chị ơi, em làm mà chưa thành công’…”.
Theo thời gian, nỗi sợ thoáng chốc đó đã hoàn toàn biến mất. Chị có nhiều kinh nghiệm hơn khi xử trí trong những tình huống ấy, khi gặp 1 bệnh nhân đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản nhưng thất bại, chị biết mình cần phải làm gì, thăm khám thêm những gì, có hướng xử trí ra sao cũng như cách mình động viên bệnh nhân như thế nào.
“Lúc ấy, mình biết cách ở bên cạnh họ, động viên, đồng hành cùng họ vượt qua những vấn đề đó… cho bệnh nhân biết rằng thành công của mình chỉ là chưa tới thôi bởi vì bất kỳ phương pháp hỗ trợ sinh sản nào cũng có một tỷ lệ thành công nhất định, lần này mình chuyển phôi chưa thành công thì không có nghĩa là mình thất bại hoàn toàn, mình không thể tiếp tục…”, chị bày tỏ.
Nỗi lo: Lo cho bệnh nhân như lo cho người thân
BS. Dương cho biết nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn có thể xuất phát từ vợ hoặc chồng hoặc từ cả vợ và chồng. Tuy nhiên, người phụ nữ là người mang bầu cho nên những can thiệp trên người phụ nữ là chính khiến người phụ nữ thường mất nhiều thời gian hơn, thậm chí họ cũng sẽ phải hy sinh công việc của họ để đi điều trị vô sinh hiếm muộn. Thêm vào đó, tâm lý của người phụ nữ cũng thường yếu đuối hơn, nên quãng đường đi tìm con đối với họ thực sự khó khăn. Vì thế, mỗi sự quan tâm, lo lắng, sẻ chia cho các bà mẹ hiếm muộn đều mang ý nghĩa rất quan trọng.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn thông thường bản thân họ có một bệnh lý nào đó mới gây ra tình trạng này. Vì vậy, ngay cả khi họ đậu thai thì thai kỳ cũng khó khăn hơn so với một thai kỳ bình thường rất nhiều.
Do vậy, BS. Dương xác định mình là “người đồng hành” của bệnh nhân, ngoài việc điều trị, đồng hành cùng họ, chị coi bệnh nhân cũng như người thân của mình.
“Thực ra, đối với mình, việc giúp cho các bệnh nhân hiếm muộn thành công không chỉ là giúp họ mang bầu mà quan trọng là phải mẹ tròn con vuông. Có những thai kỳ của bệnh nhân rất thuận lợi nhưng cũng có những thai kỳ có nguy cơ, mình cũng lo lắng cùng bệnh nhân, giúp họ làm thế nào để tốt nhất. Mình cứ coi bệnh nhân như người thân của mình, cố gắng hết sức vì bệnh nhân thì không có gì là không thể vượt qua được”, BS. Dương giãi bày.
Chị Nguyễn H. (38 tuổi, Hà Nội) sau 12 năm ròng theo đuổi ước mơ làm mẹ, mới đây đã sinh mẹ tròn con vuông 1 bé gái nhờ sự trợ giúp của BS. Dương, tâm sự: "Thời điểm mình tìm đến bác sĩ Dương là lúc mình đã hoàn toàn sụp đổ, không còn một tí hi vọng nào nữa… Nhờ sự động viên, lo lắng của bác, kiên trì suốt 2 năm, mình đã có em bé. Bác rất nhớ bệnh án của bệnh nhân, nhớ từng trường hợp một.
Mình nhớ nhất là lúc mới mang bầu, cảm giác sau bao nhiêu năm, bao cố gắng mình mới có thai lần đầu tiên, có "cơ hội vàng"… nên mình bị rối loạn lo âu. Bác Dương đã nhắc nhở chồng chị phải quan tâm, chăm sóc mình nhiều hơn. Bác biết chồng mình có hút thuốc nên dặn chồng mình về tác hại của thuốc lá, khuyên nên hút ít đi… Lần nào mình đến khám thai, bác cũng quan tâm hỏi han: sao dạo này em gầy thế, em đừng lo lắng nhiều quá…".
Thiết kế: Huyền Trang
Niềm vui: Giản đơn nhưng đong đầy ý nghĩa
Với BS. Dương, mỗi em bé chào đời, mỗi lần bệnh nhân báo tin đậu thai là cảm giác hạnh phúc trong chị lại trào dâng, chị vui cùng bệnh nhân và cũng vui vì nỗ lực của mình đồng hành cùng họ cuối cùng cũng đã gặt hái được thành quả.
“Điều khiến mình vui nhất có lẽ là những lần có bệnh nhân bảo ‘Em cũng lấy tên của bác Dương đặt tên cho em bé…’, khi đó, mình tự nhiên cảm thấy rằng mình thành công rồi, mình được ghi nhận rồi, mình được các bệnh nhân họ trân trọng”, chị chia sẻ.
Tại phòng làm việc của chị, mỗi ngày đều có những tin vui như thế, tuy nhỏ bé, giản đơn nhưng cũng đủ sưởi ấm cả tâm hồn, tràn ra cả không gian và tiếp thêm động lực cho biết bao cặp đôi hiếm muộn đang mong ngóng tìm con…
Niềm trăn trở: Đau đáu vì bệnh nhân
Trong báo cáo công bố ngày 4/4/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó, tương đương cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người vô sinh, hiếm muộn. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vô sinh hiếm muộn, trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ 50%.
Nhìn vào những con số ấy, BS. Dương trăn trở: “Hiện tại, người phụ nữ cũng có nhiều nỗi lo, nỗi lo về kinh tế, nỗi lo về công việc rồi còn phải gánh thêm nỗi lo đi tìm con thì đó là một áp lực rất lớn. Do đó, điều mình muốn nhắn nhủ với những người mong con là hãy tiếp cận với những phương pháp điều trị càng sớm càng tốt, không phải bạn cứ đến các trung tâm điều trị vô sinh, hiếm muộn là bạn phải làm IVF, bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân ngăn cản việc bạn có thai, bạn khám càng sớm thì cơ hội thành công càng cao”.
Chị cũng nhấn mạnh rằng nếu điều trị, bệnh nhân cần kiên trì thực hiện, hôm nay điều trị một chút không được rồi chán nản, bỏ dở nhiều tháng, nhiều năm mới đi điều trị lại sẽ càng khó đạt được thành công. Có những trường hợp như vậy, khi đến điều trị lại thì buồng trứng của bệnh nhân đã không còn hoạt động, không còn cơ hội nữa.
Đặc biệt, BS. Dương cho rằng trên con đường theo đuổi ước mơ làm cha, làm mẹ, các cặp đôi hiếm muộn nên tìm cho mình một người “bạn đồng hành”, người bác sĩ mình tin tưởng để cùng vượt qua và sẻ chia từng cung bậc cảm xúc. Có như vậy, từng chặng đường trên chuyến hành trình ấy mới bớt gập ghềnh, chông gai và “tìm được” đứa con của riêng mình.
Nhân Ngày Quốc tế Gia đình (15/5), xin chúc cho mọi gia đình sẽ luôn là tổ ấm ngập tràn yêu thương, đong đầy hạnh phúc, từng thành viên trong đó luôn có thật nhiều sức khỏe, niềm vui.
Với những gia đình hiếm muộn đang trên hành trình tìm con, cũng xin đừng vội nản lòng, bỏ cuộc sau những khó khăn, gập ghềnh, hãy luôn tin vào chính mình, tin rằng các cố gắng, kiên trì nhất định sẽ được đền đáp. Cầu chúc mọi may mắn sẽ đến với những người “sắp” làm bố, làm mẹ!
Nguồn ảnh: BSCC