Những tật xấu đang hủy hoại V-League
Các trọng tài đã rút ra 6 thẻ đỏ, cùng với đó pháo sáng đốt lên rồi tiền "âm phủ" rải xuống đường piste sân Hàng Đẫy. Vòng 7 V-League manh nha những "lỗ rò". Tất cả cho thấy rằng giải đấu đang "nóng" dần lên cả khía cạnh chuyên môn lẫn những chuyện bên lề.
Triệt tiêu bạo lực sân cỏ từ trong ý thức
Thống kê từ trang chủ VPF cho thấy, số thẻ vàng, thẻ đỏ mà các cầu thủ phải nhận ở mỗi trận đấu thường gần gấp đôi số bàn thắng. Sau 7 vòng đấu đã có 16 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra. Sự căng thẳng, độ quyết liệt cùng tính cạnh tranh cao thường khiến các trận đấu có nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ song cũng "nhờ công" của VAR.
Có thể nhận thấy sự xuất hiện của VAR ở 45/49 trận đấu đã qua đã gia tăng số thẻ mà các cầu thủ phải nhận, đặc biệt là thẻ đỏ. Ngoại trừ những tình huống vào bóng thô bạo, triệt hạ nhận thẻ đỏ trực tiếp, VAR đã nhiều lần vào cuộc để xem xét các tình huống đánh nguội, lỗi cố ý và giúp trọng tài đưa ra quyết định rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của cầu thủ.
Có thể những tấm thẻ đỏ ở vòng 7 V-League chưa phải ở mức độ quá nghiêm trọng với những pha bóng mang tính triệt hạ đối phương. Tuy vậy, việc các cầu thủ ở V-League quen lối chơi thô bạo sẽ dẫn đến những hệ lụy cho giải đấu cũng như ĐTQG. Những pha vào bóng thô bạo như thế sẽ gây ra chấn thương cho các đồng nghiệp. Cầu thủ phải biết giữ gìn đôi chân của chính mình cũng như đôi chân của đồng nghiệp.
Cùng với đó, những tuyển thủ quốc gia nếu vẫn giữ thói quen đá rắn khi góp mặt ở các giải quốc tế, thói quen đấy sẽ bị trọng tài quốc tế trừng phạt. Cầu thủ qua mặt được trọng tài sẽ tiếp tục đối diện với công nghệ VAR để không thoát được lỗi khi bị soi kỹ càng. Giải càng lớn càng dễ bị "soi" lỗi.
Đây là "thói quen" cần ngăn chặn, nếu không sẽ lây lan sang và ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh, kết quả thi đấu của các đội tuyển Việt Nam ở sân chơi khu vực và châu lục. Rõ ràng, các trọng tài ở V-League phải mạnh tay, nghiêm khắc với bạo lực sân cỏ, để triệt tiêu được thói quen xấu ở một bộ phận cầu thủ nội từ trong ý thức.
Xây dựng văn hóa cổ vũ bóng đá
Vòng 7 không chỉ bùng phát số lượng thẻ đỏ, các CĐV Hải Phòng một lần nữa để lại hình ảnh không đẹp khi ăn mừng trận hòa 2-2 với Hà Nội FC bằng pháo sáng trên khán đài và rải tiền "âm phủ" xuống đường piste sân Hàng Đẫy.
Dù được coi là mảnh đất cuồng nhiệt bóng đá, nhưng không ít CĐV đất Cảng đã có những hành vi cổ vũ phi bóng đá từ rất nhiều năm. CĐV Hải Phòng đi cổ vũ sân nào đều mang theo nỗi ám ảnh cho công tác an ninh sân đó. Để xảy ra chuyện, phạt BTC sân xem ra chưa đủ. Không thể chờ gây hậu quả rồi mới mạnh tay, như vụ CĐV Nam Định bắn pháo sáng khiến 1 CĐV nữ bị thương nặng ở mùa giải 2019, trong trận Hà Nội FC- Nam Định.
Đã 25 năm bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, để văn hóa cổ vũ bóng đá cũng như sự chấp hành luật chơi của các CLB được cải thiện, trước hết những chủ thể tham gia hoạt động bóng đá phải thể hiện được tính chuyên nghiệp. Mặt khác, các CLB cần tương tác nhiều hơn với CĐV để cùng phát triển hình ảnh chung của đội bóng. Cuối cùng, Ban Kỷ luật cùng pháp luật phải nặng tay hơn với các hành vi vi phạm pháp luật mang danh cổ vũ bóng đá.
Bóng đá cần khán giả, V-League cần phải tựa lưng vào khán đài để tồn tại. Muốn có sức sống đó, trước hết mỗi đội bóng, mỗi cầu thủ biết phải làm gì để không phụ lòng người hâm mộ. Khán giả đến sân ngoài yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu cống hiến, trung thực, chuyên môn cao, còn có nhu cầu để giải trí với hình ảnh đẹp, lối chơi cao thượng. Bóng đá không làm họ vui, thà ở nhà uống bia còn hơn!
Bạo lực sân cỏ, tranh cãi trọng tài, biểu hiện các dạng thức tiêu cực, phải được đoạn tuyệt từ ý thức. Làm sao đừng để các vấn nạn trên trở thành "đặc sản" V-League như điều tiếng trước đây. Bản thân VPF cũng cần chủ động mọi phương án ứng biến và nâng tầm công tác tổ chức, điều hành. VFF, VPF, các CLB, mỗi cầu thủ hẳn đã "thấm" bài học từ nhiều năm qua để biết trọng nghề, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm cho mùa giải về đích an toàn, có chiều sâu.