Những tấm ảnh về sự tàn khốc của cuộc chiến chống mafia
Khi nước Ý kỉ niệm 23 năm ngày hệ thống Cosa Nostra ám sát Falcone và Borsellino, có một cuốn sách ảnh ra đời, ghi lại 10 năm đẫm máu và chết chóc trong cuộc chiến chống lại mafia. Tác giả của cuốn sách ấy là Tony Gentile, tác giả của nhiều bức ảnh để đời về những cái chết liên quan đến mafia.
Hiện trường vụ giết hại công tố viên Giovanni Falcone ở Capaci, ngày 23/5/1992. Ảnh: Tony Gentile
Nước Ý đã ở trong cuộc chiến tranh ấy, dù chưa bao giờ tuyên bố. Một cuộc xung đột lớn kéo dài nhiều thập kỉ, dai dẳng, nhưng căng thẳng và đầy chết chóc mà mafia đã tiến hành nhằm chống lại tất cả những ai cản đường chúng. Cảnh sát, người dân vô tội, người già, phụ nữ, trẻ em, các quan tòa, công tố viên, các chính trị gia, không chừa một ai cả. Và đến năm 1992, chúng chống lại nhà nước Italy, trong một cuộc cuộc chiến đẫm máu với những vụ ám sát và đánh bom khủng bố dữ dội. Sicily nói riêng và Italy nói chung là một dạng Beyrouth và Lebanon của Châu Âu lúc ấy.
Trong suốt nhiều năm, từ năm 1981, năm mà Palermo chứng kiến các cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các băng đảng Cosa Nostra nổ ra, cho đến năm 1992, năm mà cả Falcone và Borsellino bị giết hại, có một cuốn nhật kí bằng máu được Tony Gentile viết ra bằng những tấm ảnh mà ông đã chụp.
Tấm ảnh biểu tượng cho tình bạn, tình đồng chí của hai công tố viên hàng đầu chống mafia Falcone và Borsellino. Cả hai cùng bị ám sát năm 1992. Ảnh: Tony Gentile
Đấy là những tấm ảnh về Sicily, miền đất dữ, về cuộc chiến chống mafia của những người có lương tri và những cuộc trả thù của chúng, những kẻ muốn bịt miệng những ai chống lại omerta (luật im lặng), về những nỗi đau và sự uất hận của người thân những ai đã nằm xuống. Trên hết, đấy là hình ảnh của Palermo, một thành phố đã sống chung với tội ác trong bao thập kỉ, và rồi cuối cùng phản kháng chống lại chúng, khi đồng loạt xuống đường biểu tình và hô vang những khẩu hiệu chống mafia, giơ lên tên hàng nghìn nạn nhân đã ngã xuống vì chúng trong bao năm.
Đỉnh điểm của chuỗi những sự kiện bi thương ấy là vụ ám sát Paolo Borsellino, một trong những nhà điều tra hàng đầu về mafia vào thời điểm đó, vào ngày 19-7-1992, 57 ngày sau khi người bạn thân, người đồng chí của ông, Giovanni Falcone, bị sát hại ở Capaci, ngoại ô Palermo. Chết cùng với Borsellino là cả đội cận vệ của ông, gồm 5 người, trong đó có 1 người là nữ.
Tony Gentile hiện giờ là một phóng viên ảnh nổi tiếng của hãng tin Reuters ở Italy. Lớn lên và trưởng thành trên những con phố của Palermo, vào thời điểm mà những bố già của băng Corleone khát máu như Riina hay Bagarella và pusca ra lệnh bắn giết hầu như mỗi ngày, Gentile cũng căm thù tội ác. Mục đích của ông là thu vào ống kính tất cả những gì có thể để thế giới hiểu được bản chất của cuộc chiến này là gì.
Phố D'Amelio, sau vụ đánh bom giết hại Borsellino. Ảnh: Tony Gentile
Một trong số những bức ảnh ngày ấy đã trở nên bất tử: Falcone và Borsellino đang nhìn nhau và cười. Tấm ảnh ấy đã đi khắp thế giới kể từ đó đến giờ, vẫn được in lại trong các báo và tạp chí, trở thành một biểu tượng của tình bạn, tình đồng chí giữa hai con người dũng cảm ấy trên một chiến trường mà đôi khi họ cảm thấy cô độc.
Khi Gentile chụp tấm này vào tháng 3-1992, trên một quảng trường ở Palermo, họ chỉ còn vài tháng để sống. Và bức ảnh ấy được ông đưa vào cuốn sách ảnh mang tựa đề "La guerra" (Cuộc chiến) vừa được xuất bản, nhân dịp giỗ 23 năm ngày mất của Falcone và Borsellino.
Trùm mafia Toto Riina, kẻ đã ra lệnh giết Falcone và Borsellino, đang bắt tay các luật sư của hắn trong một phiên tòa ở Palermo năm 1994. Ảnh: Tony Gentile
Rất nhiều những tấm ảnh trong cuốn sách này có thể gợi nên những xúc động mạnh, bởi chúng có thể coi như là hình ảnh của một thời nóng bỏng của nước Ý. Chẳng hạn như bức ảnh Salvo Lima, một chính trị gia có quan hệ với mafia bị chúng giết hại ở Palermo ngày 12-3-1992. Palermo và Sicily chấn động, nước Ý rung chuyển.
Người được cho là "không thể động tới" đã bị giết hại, trong một thông điệp gửi đến Thủ tướng lúc ấy là Giulio Andreotti, người cũng được cho đồng minh của chúng: mafia đòi hỏi nhà nước Italy phải xem xét lại những bản án của Tòa tối cao đã "dành" cho chúng trong cái gọi là "phiên toà khổng lồ" (Maxi Trial), xử 500 tên mafia (cho đến giờ, đấy vẫn được coi là phiên tòa xét xử nhiều người cùng lúc nhất thế giới).
Một người lính lăm lăm súng trên đường phố Palermo. Quân đội được điều đến Sicily sau các vụ ám sát Falcone và Borsellino. Ảnh: Tony Gentile
Rome không lui bước. Phản ứng mạnh mẽ và kinh khủng hơn đến sau đó 2 tháng, khi mafia nhắm vào Falcone, người quyết tâm chống chúng đến cùng bằng việc đưa nhiều mafia vào tù. Vào lúc 17 giờ 56 phút ngày 23-5-1992, một quả cầu lửa bùng ở gần Capacia, trên tuyến đường từ sân bay Punta Raisi về Palermo. Một khối thuốc nổ nặng gần một tấn đã được mafia kích nổ khi đoàn xe của công tố Falcone từ sân bay về thủ phủ Sicily. Falcone chết tại chỗ, cùng với vợ Francesca Morvillo và 3 cảnh sát cận vệ.
Khi tin về cái chết của họ lan ra, cơn giận dữ bao trùm tất cả. Những ai đã sống qua những ngày đó chắc chắn không thể quên được hình ảnh một sĩ quan cảnh sát khóc nức nở bên xác nát vụn của một chiếc xe: "Hãy nhìn xem lũ thú vật ấy đã làm gì với chúng ta. Chúng ta như thịt trong lò mổ của chúng", ông kêu lên.
Palermo chấn động và chìm trong nước mắt cùng với sự giận dữ. Một tấm ảnh của Gentile chụp được những ánh mắt đau buồn của các thẩm phán, công tố viên, những đồng đội của Falcone, và những người cảnh sát, khi họ đến viếng linh cữu của vợ chồng ông Falcone và những người cận vệ. Niềm hy vọng của những người Palermo chân chính muốn tiêu diệt mafia đã bị giáng một đòn nặng nề cùng với những cái chết này, tròn 10 năm sau ngày tướng cảnh sát Carlo Alberto dalla Chiesa và vợ bị sát hại trên đường phố Palermo.
Một nạn nhân của mafia ở Palermo. Ảnh: Tony Gentile
Những chính trị gia, nhiều trong số đó "cộng tác" với mafia và tạo ra vô số rào cản cho những người như Falcone trong cuộc chiến với mafia, đã bị người dân Palermo huýt sáo khi họ đến viếng. Tấm ảnh ấy trở thành một bức chân dung về một Palermo đang sục sôi bừng tỉnh chống mafia.
Paolo Borsellino không được giao được trách nhiệm điều tra về cái chết của Falcone, nhưng dường như hai tháng cuối đời mình, ông chỉ nghĩ đến bạn mình. Ông trở thành một con người khác, đóng kín, ít nói, buồn bã nhưng cũng rất quyết tâm. Ông hiểu những rủi ro đang chờ đợi mình, nhưng ông không sợ hãi. Ông làm việc gấp đôi bình thường. Ông muốn phát hiện ra âm mưu của mafia. Ông đi từ nhà tù này đến nhà tù khác để hỏi cung những tên mafia đã đầu thú cảnh sát, nghiên cứu các văn bản lấy lời khai của chúng và ông cảm nhận được cả thành phố Palermo đang bên ông, muốn ông đưa họ thoát khỏi nỗi ám ảnh chết chóc này.
Bìa của cuốn sách "La Guerra", với các bức ảnh đen trắng của Tony Gentile
Nhưng ông không kịp hoàn tất những gì đang theo đuổi. Ngày 19-7-1992, Borsellino nghỉ việc một ngày và đến nhà của mẹ mình ở phố D'Amelio để đưa bà đi khám. Mafia biết điều đó. Chúng chờ đợi Borsellino và những người bảo vệ bước xuống khỏi ba chiếc xe ô tô.
Vào lúc 16 giờ 58, tên mafia Giuseppe Graviano (hiện đang ngồi tù chung thân) bấm điều khiển quả bom. Một địa ngục ập tới ngay tức khắc với họ. Đầu tiên là tiếng nổ khủng khiếp vang lên, rồi khói đen bao trùm cả một khu vực của Palermo. Ở phố D'Amelio, những ngôi nhà vỡ tung cửa kính, xe bốc cháy và vỡ vụn ngổn ngang. Khói đen bốc lên che giấu sự tàn bạo của mafia. Mùi thịt người cháy cùng với mùi xăng bốc lên khiến người ta phải nhắm mắt lại.
Một đám cưới ở Palermo năm 1992, một trong số rất ít những bức ảnh ít u ám trong gần 80 bức ảnh của cuốn sách này. Ảnh: Tony Gentile
Nhưng khi mở mắt ra là tất cả sẽ nhìn thấy những điều kinh khủng nhất. Những mảnh người văng lên dây điện, một bàn tay bay lên ban công một ngôi nhà gần đó, những mảnh chân vương vãi trên đường.
Có một người trong đội cận vệ thoát chết. Đó là Antonio Vullo: "Tôi nhìn thấy Borsellino bước xuống xe, với đội bảo vệ vây quanh và ông ấy bấm chuông cửa. Tôi quay trở lại xe ô tô và nổ máy thì bất thình lình, tiếng nổ vang lên. Tôi cảm thấy cả một quầng lửa bao vây lấy mình, hất chiếc xe đi và làm cho nó đổ nhào. Sau vài giây, tôi mở cửa của chiếc xe và thoát ra. Trên đường, tôi thấy những tiếng nổ khác nữa. Tôi nhìn thấy khói và sự chết chóc. Mắt tôi mờ đi nhưng vẫn kịp nhìn thấy một cảnh sát chạy về phía mình. Sau đó, tôi không nhớ gì nữa".
Những biểu ngữ phản kháng mafia trên một ban công ở Palermo. Tony Gentile chụp sau khi xảy ra vụ ám sát Borsellino.
Hai ngày sau đó, Palermo và nước Ý đưa tang Borsellino. Một biển người đến nhà thờ thành phố để tiễn đưa ông, với sự căm thù, tức giận và nước mắt. Mafia không sợ gì hết. Chúng đã đe dọa cả hệ thống chính trị Italy và đến năm 1993, vẫn thực hiện những vụ đánh bom ở nhiều nơi, làm chết nhiều người, như là cú quẫy đạp cuối cùng trước khi sợi dây thòng lọng của công lí xiết chặt lại quanh cổ chúng.
Cuốn sách ảnh của Gentile không nhắc đến giai đoạn ấy, mà đóng lại với cái chết của Borsellino, một trong những chương đen tối trong lịch sử Italy hiện tại. Cuốn sách như một sự nhắc nhở về tội ác của mafia và sự đồng lõa của nhiều chính trị gia đã đẩy nước Ý vào những giai đoạn đau buồn. Bây giờ, 23 năm sau ngày ấy, mafia vẫn tồn tại, chưa hề bị đánh bại dù nhiều bố già đã vào tù. Và chúng đang ngóc đầu dậy...
Trương Anh Ngọc