Những tác phẩm nhạc hàn lâm đưa vào vũ trụ (kỳ 2): 'Queen Of The Night' - cơn thịnh nộ trong 'Cây sáo thần'
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ 2 của loạt bài này chúng tôi giới thiệu bản nhạc của Mozart mà NASA chọn vào đĩa Voyager Golden, đó là aria Queen Of The Night. Aria này nằm trong vở opera Cây sáo thần của Mozart và là nhạc phẩm ưa thích trên các sân khấu Broadway thời gian qua và hiện nay…
Đặc điểm âm nhạc trong các tác phẩm của Mozart là giai điệu tinh tế, nhẹ nhàng và trong sáng; trong các tác phẩm viết cho khí nhạc, giai điệu gần gũi với giọng hát. Những tác phẩm dành cho thanh nhạc của Mozart là sự tôn vinh vẻ đẹp của giọng hát con người, một vài tác phẩm đã nâng giọng hát lên một tầm cao mới - như một nhạc cụ - mà điển hình là aria Queen Of The Night.
Nối tiếp âm nhạc của Bach
Trong khi Bach là đại diện tiêu biểu nhất của âm nhạc thời kỳ Baroque thì ở thời kỳ Cổ điển, đó là Mozart, bên cạnh Ludwig van Beethoven, Joseph Haydn. Khi Bach qua đời vào năm 1750, Mozart còn chưa ra đời nhưng giữa hai người đã hình thành sợi dây còn bền chặt và vĩnh hằng hơn cả máu mủ.
Wolfgang Amadeus Mozart, được rửa tội với tên là Chrysostomus Wolfganggus Theophilus Mozart, sinh ngày 27/1/1756. Trái ngược với thế giới của Bach - vốn tràn ngập trách nhiệm, tôn giáo và mất mát - Mozart được nuôi dưỡng trong bầu không khí tự do của thời đại mới, nơi chủ nghĩa cá nhân được tôn sùng.
Salzburg, nơi ông ra đời, là một thị trấn quốc tế, và gần đó là Vienne đầy rộn ràng với sự phát triển chóng mặt của nghệ thuật. Những nhà nghiên cứu tiểu sử ít nói về vấn đề tôn giáo của Mozart. Bản sắc của ông được tôi luyện trong gia đình nhỏ gồm cha mẹ và chị Anna Maria - cũng là một thần đồng âm nhạc và là người đồng hành thân thiết với ông. Cha ông, một nhạc sĩ, giáo viên và nhà soạn nhạc có tiếng, đã rất nỗ lực giới thiệu những người con tài năng của mình.
Năm lên 5 tuổi, khi đã chơi thuần thục đàn phím và violin, ông bắt đầu sáng tác và biểu diễn trước nhiều hoàng gia châu Âu. Mozart và chị gái lớn lên giữa những chuyến lưu diễn khắp châu Âu. Ở tuổi 17, Mozart đã là nhạc công dàn nhạc Salzburg nhưng ông không dừng ở đó mà luôn du hí để tìm kiếm những vị trí tốt hơn. Tới Vienna năm 1781, ông quyết định ở lại thủ đô, nơi danh tiếng nhiều nhưng tài chính lại bấp bênh - vốn là điều quen thuộc với nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp trước và sau đó.
Cuộc gặp gỡ giữa Mozart với âm nhạc của Bach cũng diễn ra rất sớm. Trong năm 1764 và 1765, tức khi Mozart mới 8, 9 tuổi, ông đã tới London thăm Johann Christian Bach- người con thứ 8 của Bach - và chịu ảnh hưởng đặc biệt quan trọng ngay từ đó. Ngoài đôi mươi, Mozart đi sâu vào nghiên cứu âm nhạc của J.S.Bach. Âm nhạc Baroque của Bach về sau đã ảnh hưởng lớn tới ngôn ngữ âm nhạc của Mozart, mà rõ ràng nhất là trong tác phẩm Die Zauberflote (Cây sáo thần) và bản giao hưởng cuối cùng của ông, Symphony No. 41.
Dù vậy, khác với Bach, Mozart là một doanh nhân âm nhạc độc lập, cuộc sống phụ thuộc vào người bảo trợ và khán giả hơn là Giáo hội và vương quyền. Mozart cũng ít phụ thuộc vào phong cách tôn giáo tập trung như Bach và tự do hơn trong việc thỏa mãn đam mê với kịch, đặc biệt là với opera, làm tôn lên nét đẹp tinh tế trong giọng hát.
“Queen Of The Night” của “Cây sáo thần”
Cây sáo thần là vở opera cuối cùng của Mozart, gồm hai màn được viết theo lối Singspiel, một hình thức phổ biến thời đó, trong đó, phần hội thoại bao gồm cả nói và hát. Tác phẩm được công diễn lần đầu vào ngày 30/9/1791 tại nhà hát củaEmmanuel Schikaneder ở Vienne, chỉ hai tháng trước khi Mozart qua đời.
Dương cầm thủ Charls Rosen đánh giá phần âm nhạc của Cây sáo thần là tác phẩm cho dàn nhạc giàu màu sắc nhất của thế kỷ 18. Nhưng hơn thế, khi viết, Mozart đã nghiên cứu khả năng của từng diễn viên để viết nhạc sao cho toàn bộ dàn nhạc được huy động tối đa để nâng đỡ các giọng hát, để các giọng hát phô được hết vẻ tinh tế và thuần khiết, đồng thời xây dựng các chủ đề âm nhạc làm nổi bật cá tính nhân vật. Tất cả tạo nên một khối thống nhất, mạnh mẽ mà uyển chuyển, là bước tiến lớn trong nghệ thuật sử dụng hợp xướng và dàn nhạc.
Về mặt tư tưởng, không chỉ trong Cây sáo thần, các tác phẩm của Mozart đều rạng ngời ánh sáng của triết học khai sáng, tin vào sự bình đẳng giữa con người, về “nhân chi sơ tính bản thiện”, về chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Beethoven coi Cây sáo thần là vở opera vĩ đại nhất của Mozart, nơi có thể tìm thấy gần như mọi hình thái của âm nhạc, từ lied tới chorale, fugue và mang tính không tưởng hồn nhiên đặc trưng của quan điểm tiến bộ cuối thế kỷ 18.
Trong vở opera này, Nữ hoàng Bóng đêm đã thuyết phục Hoàng tử Tamino giải cứu con gái bà là Pamina khỏi giáo chủ Sarastro. Nữ hoàng đã trao cho Tamino cây sáo thần để giúp chàng vượt qua những gian nguy trên đường đi. Nhưng thay vào đó, tại cộng đồng của Sarastro, hoàng tử lại bắt gặp những tư tưởng cao đẹp và muốn gia nhập nó. Sang màn hai, Tamino và Pamina đã vượt qua nhiều thử thách của Nữ hoàng Bóng đêm, cuối cùng được se duyên với nhau trong chiến thắng của tình yêu và tư tưởng. Kịch bản này do chính Schikaneder viết, mà theo các học giả là dựa trên nhiều nguồn dân gian, với bối cảnh là Ai Cập hoang sơ, lãng mạn và kỳ bí.
Aria viết cho Nữ hoàng Bóng đêm - Queen Of The Night - được xem là khúc hát nổi tiếng của opera Cây sáo thần.
Aria này có tên gốc là Der Holle Rache Kocht In Meinem Herzen, thường được viết tắt là Der Holle Rache. Queen Of The Night nằm trong cảnh 3, màn 2 của opera Cây sáo thần. Giai điệu của nó có âm vực rộng và phải biểu diễn với kỹ thuật điêu luyện, có nhiều đoạn người nghe cứ ngỡ như là một nhạc cụ biểu diễn. Aria này miêu tả cơn thịnh nộ đầy thù hận, trong đó, Nữ hoàng Bóng đêm đặt dao vào tay con gái Pamina và bảo cô giết Sarastro, nếu không mụ sẽ chối bỏ và nguyền rủa Pamina.
Bản aria được viết ở giọng Rê thứ, với dàn nhạc gồm các cặp flute, oboe, bassoon, horn và trumpet, cùng với timpani và bộ dây; đồ sộ hơn so với nhiều phần khác trong tác phẩm. Nó nổi tiếng là do yêu cầu kỹ thuật cao về thanh nhạc. Ở phần cao trào của aria, Nữ hoàng hát solo các từ “Hort, Hort, Hort!” (Nghe! Nghe! Nghe), xen kẽ với các hợp âm lớn từ dàn nhạc. Hai âm tiết đầu được hát ở nốt Rê và Fa, khiến người nghe nghĩ rằng tiếp theo sẽ là nốt La để hoàn thiện hợp âm Rê thứ. Nhưng thay vào đó, Nữ hoàng đã hát mốt Si giáng đáng sợ. Kèm với nó là hòa âm “Napolitan” bất ngờ của dàn nhạc, với tất cả các cây violin chơi đồng âm ở âm khu cao trên dây Sol để tăng cường kịch tính.
Bản aria này trong đĩa Voyager của NASA do nữ nghệ sĩ Edda Moser thể hiện bên cạnh dàn nhạc Bavarian State Opera dưới sự chỉ huy của Wolfgang Sawallisch.
Giai thoại đầy ám ảnh Nữ nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn bản aria Queen Of The Night này trên sân khấu chính là chị vợ của Mozart là Josepha Hofer, người khi đó 32 tuổi. Một giai thoại từ thời Mozart nói rằng bản thân nhà soạn nhạc rất ấn tượng với màn trình diễn của chị vợ. Theo nhà soạn nhạc Ignaz von Seyfried, lúc hấp hối, Mozart đã thầm thì vào tai vợ: “Yên nào! Hofer vừa lên tới nốt Fa; - giờ chị vợ tôi đang hát bản aria thứ hai, Queen Of The Night, chị ấy lên và giữ ở Si giáng mới mạnh mẽ làm sao: “Hort! Hort! Hort! Der Mutter Schwur!”. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)