Những phụ nữ may mắn thoát khỏi tay bọn buôn người
(Thethaovanhoa.vn) - Đời sống khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại, dễ nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu…là những nguyên nhân chính khiến công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở vùng cao tỉnh Yên Bái còn nhiều nan giải.
(tiếp theo)
Việc tuyên truyền, giúp đồng bào thay đổi nhận thức cần phải được thực hiện song song với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao mới có thể phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.
Thoát khỏi tay bọn buôn người để trở về, chị Giàng Thị Chù, bản Dào Xa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã kể lại cuộc sống kinh hoàng của mình ở bên kia biên giới. Người phụ nữ dân tộc Mông này luôn nhớ về 108 ngày ở xứ người. Tháng 4/2016, chị Chù đi Than Uyên (Lai Châu) để mua một số đồ dùng gia đình.
Lúc đó, có một người lạ gọi điện thoại cho chị và nói rằng muốn gặp mặt để giới thiệu chỗ làm tốt. Tin lời và hi vọng nếu tìm được việc làm có thể thay đổi cuộc sống, chị Chù đã đồng ý. Khi gặp, họ mời chị ăn cơm, sau vài câu chuyện, họ bảo chị lên xe để họ chở về nhà, khi lên đến xe thì không còn biết gì nữa. Sau hai ngày mơ màng, chị Chù thấy xe dừng ở một vùng hoàn toàn khác biệt, tại một gia đình có tổng cộng 8 người, nói tiếng khác lắm, lúc đó chị Chù mới biết đã bị lừa bán.
BĐBP Lai Châu bắt giữ các đối tượng mua bán người qua biên giới. Ảnh: Hoàng Anh/ Báo Biên Phòng
Chị Chù bị lừa bán về làm vợ của một người đàn ông nông thôn Trung Quốc tên Vinh, hơn 40 tuổi. Hàng ngày chị phải đi làm nương đến tối mịt mới được về nhà. Về nhà lại phải dọn dẹp đến tận đêm mới được ăn cơm, không làm đúng ý họ thì sẽ bị đánh đập đến bầm tím. Họ không cho chị đi đâu ra ngoài một mình. Hơn 3 tháng ở xứ người, mỗi buổi chiều vắng hay những lúc đêm muộn, nhớ và thương con vô cùng. Những lúc ấy, chị chỉ biết ngồi khóc. Càng thương, càng nhớ con cũng càng là động lực để chị tiếp tục sống với hi vọng một ngày có thể tìm cách trở về nhà. Một lần đi chợ, chị Chù nhìn thấy đồn công an Trung Quốc, nhưng không biết và cũng không dám vào. Phải đến lần thứ 3, khi chắc chắn đó là đồn công an, chị Chù mới liều mình vứt bỏ hết đồ đạc, chạy về phía đó. Chị được công an phía bạn giữ lại để xác minh. Một tháng sau, cuối tháng 7/2016, chị được trả về nhà. Chú ruột và anh trai của chị đã lặn lội lên tận Mường Khương (Lào Cai) để đón về.
Đối với chị Chù, trở về nhà giống như được sinh ra lần nữa. Nhưng cũng trong suốt một tháng chị không dám về nhà với chồng con chỉ ở bên nhà bố mẹ đẻ vì mặc cảm, day dứt và hối hận. Khi biết tin chị trở về, chồng, gia đình chồng và các con đã sang đón chị trong yêu thương. Chị Chù tâm sự, khi trở về, được dòng họ, cấp ủy, chính quyền địa phương, công an động viên nên mình cảm thấy yên tâm và dần hòa nhập lại với cuộc sống bình thường. Chị cũng sẽ không bao giờ nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu. Chị sẽ tuyên truyền để chị em khác trong bản cảnh giác.
Chị Sa Thị Ngần, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: Vấn đề phụ nữ rời khỏi địa bàn cư trú rồi nhiều trường hợp bị lừa bán, trong đó có cả trẻ em là một vấn đề nan giải từ năm 2010 trở lại đây. Để giải quyết vấn đề này, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng, nhất là đối với phụ nữ.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã thành lập 6 Câu lạc bộ Phòng chống buôn bán phụ nữ tại các bản. Hội cũng đã thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các đợt sinh hoạt tại cơ sở. Hội đã phối hợp với tổ chức Tầm nhìn của Cộng hòa liên bang Đức hỗ trợ dạy nghề cho 5 chị em bị lừa bán trở về. Hội đang đề nghị UBND huyện Mù Cang Chải làm băng, đĩa, ghi lại những câu chuyện thực tế xảy ra tại địa phương dùng để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải là một trong những “điểm nóng” của tình trạng phụ nữ xuất cảnh trái phép và bị lừa bán. Theo anh Lý A Tính, Phó trưởng Công an xã Lao Chải, những trường hợp phụ nữ đi khỏi địa phương, vượt biên rồi bị lừa bán thường phải sau một vài ngày gia đình mới đến trình báo công an. Khi nắm được thông tin, người đã bị bán, kẻ bán thì đã bỏ trốn, khó truy lùng tung tích. Nhiều chị em bỏ trốn, tìm được đường trở về nhưng cũng khó khăn trong khai thác thông tin bởi các đối tượng buôn người dùng tên giả, địa chỉ giả và khi bán thường qua nhiều đối tượng. Nhiều trường hợp chị em không hợp tác với cơ quan chức năng vì tâm lý mặc cảm.
Trung tá Đặng Thị Chanh - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Việc thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng để ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm buôn ngườ. Muốn nâng cao nhận thức của người dân cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
TTXVN/Đinh Hữu Dư