Những người mắc Covid-19 có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong phổi
Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ hình thành các cục máu đông trong phổi, cũng như mắc các triệu chứng về đường hô hấp, cao gấp đôi so với những người chưa từng mắc. Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tiến hành, công bố ngày 24/5.
Theo nghiên cứu trên, cứ 5 người trong độ tuổi từ 18-64 thì có 1 người gặp phải các vấn đề sức khỏe có thể liên quan đến COVID-19, trong khi cứ 4 người ở nhóm tuổi trên 65 thì có 1 người gặp phải. Kết quả này liên quan chặt chẽ với các kết quả từ những nghiên cứu trước.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người đã mắc COVID-19 có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi cấp, cũng như các triệu chứng hô hấp như ho hay khó thở, cao nhất, gấp 2 lần so với những người chưa từng mắc bệnh, ở cả 2 nhóm tuổi 18-64 và trên 65 tuổi.
Thuyên tắc phổi cấp chỉ tình trạng có cục máu đông trong động mạch phổi, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tổn thương phổi, giảm oxy và tử vong.
Để đưa ra được kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hơn 350.000 hồ sơ bệnh án của những người mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 - 11/2021, so sánh với 1,6 triệu trường hợp trong nhóm đối chứng.
Nhóm nghiên cứu cũng xem xét hồ sơ dựa trên 26 triệu chứng lâm sàng, vốn gắn liền với hội chứng COVID kéo dài (long COVID). Các nhà khoa học đã theo dõi các bệnh nhân từ tháng đầu tiên đi khám cho đến khi họ có các triệu chứng tiếp theo, hoặc thậm chí đến 1 năm sau đó.
Các triệu chứng phổ biến nhất ở cả hai nhóm tuổi là các triệu chứng về hô hấp và đau cơ xương khớp.
Đối với các bệnh nhân dưới 65 tuổi, nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe đều tăng, song nghiên cứu không phát hiện sự khác biệt đối với nguy cơ phát triển các bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần hoặc các rối loạn liên quan đến sử dụng các chất.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết, mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân và phúc lợi kinh tế. Việc gặp phải các tình trạng sức khỏe khác nhau sau khi mắc COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của những người này, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế của bản thân họ và những người phụ thuộc, cũng như tăng sức ép đối với hệ thống y tế.
Nghiên cứu còn những hạn chế, trong đó các yếu tố bao gồm dữ liệu thực tế về giới tính, chủng tộc và vùng địa lý, cũng như hồ sơ tiêm chủng, chưa được xem xét. Do thời gian nghiên cứu, nghiên cứu cũng không bao gồm yếu tố về việc xuất hiện các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Hoàng Châu/TTXVN