Những người lái xe Thông tấn
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần vừa rồi, tôi đi cùng anh Phạm Duy Cương, đội trưởng đội xe của Thông tấn xã Việt Nam và mấy anh em lái xe cũ của cơ quan lên trại an dưỡng Tuyết Thái ( Mê Linh-HN) thăm anh Phạm Văn Thu, một lái xe đã chuyển khỏi ngành khá lâu.
- Thông tấn xã Việt Nam ký Thỏa thuận trao đổi thông tin với Hãng truyền thông Sputnik
- Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính thăm, chúc mừng Thông tấn xã Việt Nam
- Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, chúc mừng Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp 21/6
Bạn bè đồng nghiệp thăm nhau là chuyện bình thường. Nhưng đối với tôi,chuyến đi này khá đặc biệt.
Phạm Văn Thu chuyển khỏi thông tấn xã từ năm 1990 nên tôi cũng ít có dịp gặp anh. Giữa tôi và Thu có những kỷ niệm không quên. Cuối năm 1978, Phạm Văn Thu là lái xe cho tổ phóng viên chúng tôi đi theo các chiến sĩ tình nguyện Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) trong chiến dịch giải phóng Cam Pu Chia. Tổ chúng tôi, còn có PV ảnh Lê Cương, đã có mặt ở thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979. Sau đó, tôi còn cùng với Thu ở cùng quân đoàn 4 nhiều tháng trong những ngày làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.
Rất tình cờ trong số anh em cùng đi có ba người lái xe khác đã gắn bó với tôi những khác thời gian khác nhau của cuộc đời phóng viên chiến trường. Đó là các anh Trương Đại Chiến, Phí Văn Sửu và Ngô Trọng Bình.
Trương Đại Chiến cùng làm việc với tôi tại phân xã B Vĩnh Linh trong chiến dịch Tổng tiến công năm 1972 . Phí Văn Sửu cùng nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành và tôi quay lại Quảng Trị sau khi ký Hiệp định Paris 1973. Ngô Trọng Bình thì là người lái xe đưa tổ PV mũi nhọn chúng tôi suốt từ Huế, Đà Nẵng dọc miền Trung trong chiến dịch Tổng tiến công Mùa Xuân và vào Dinh Độc Lập đúng trưa ngày 30/4/1975. Do đó chuyến thăm Phạm Văn Thu cũng lại là dịp anh em gặp nhau, ôn lại những năm tháng gắn bó trên những nẻo đường chiến dịch.
Phạm Văn Thu ốm nặng. Hai lần tai biến mạch máu não, giờ đi lại, nói năng đều khó.Thấy anh oà khóc khi gặp các đồng nghiệp, mọi người đều bùi ngùi, thương cảm. Anh đang trong những ngày tháng thử thách gay go nhất của cuộc đời; thời khắc mà với sự giúp đỡ của gia đình , người thân phải kiên trì vượt lên hoàn cảnh để có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Điều làm chúng tôi phần nào yên tâm là sự chăm sóc khá tốt ở trại điều dưỡng và Thu có sự phục hồi so với trước.
Câu chuyện giữa chúng tôi nhắc về những năm tháng đã qua, những kỷ niệm chung; về những quãng thời gian cùng công tác Đội trưởng Phạm Duy Cương cũng các đồng nghiệp đàn anh ôn lại những giai đoạn đáng tự hào của đội xe thông tấn, kỷ niệm về những người lái xe qua các thời kỳ, trong đó có những người không còn. Mấy thế hệ những người cầm lái đã nối tiếp nhau hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi nhiều hy sinh, gian khó trong chiến tranh cũng như hoà bình của TTXVN.
Trong câu chuyện , tôi nhắc lại với mọi người sự gan dạ, rất "lì" của Thu khi chúng tôi chạy qua vùng chiến sự để theo các mũi tiến công, kịp vào Phnom Pênh chiều ngày 7/1/79.Chúng tôi cũng cùng Trương Đại Chiến , Phí Văn Sửu ôn lại quãng thời gian 1972-1973 ở Quảng Trị.Một "Mùa hè đỏ lửa " với B52, bom bi, bom toạ độ, pháo chụp, pháo lùi...Những ngày làm nhiệm vụ thông tin về trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn. Và những chuyến đi dọc vùng giáp ranh ở Triệu Phong- Cửa Việt hay ngược Hướng Hoá, Khe Sanh sau khi ngừng bắn.
Ngô Trọng Bình kể chuyện đi chiến dịch Hồ Chi Minh; ôn lại thời khắc xe chúng tôi vào Sài Gòn sáng 30/4/75, anh phải lái xe áp vào sườn xe tăng của quân giải phóng để tránh đạn bắn thẳng từ hai bên trên xa lộ Biên Hoà; chuyện anh tặng lá cờ giải phóng cho người dẫn đường xe chúng tôi vào Dinh Độc Lập....Tất cả đều sống động như mới xảy ra gần đây.
Một cảm nhận chung: Ký ức vẫn ẩn chứa trong mỗi người; những kỷ niệm tốt đẹp vẫn theo cùng năm tháng! Tôi nhớ lời nhận xét được mọi người cùng chia sẻ của anh Phí Văn Sửu, lái xe và đội trưởng đội xe lâu năm:
- Trong cơ quan thông tấn, phóng viên và lái xe là những người gắn bó nhất, chia sẻ cùng nhau nhiều gian nan thử thách trên mọi nẻo đường, góp phần cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ !
Chúng tôi chia tay Phạm Văn Thu và những người thân trong gia đình anh với lời chúc anh yên tâm điều trị và sớm phục hồi. Trên đường về, chúng tôi rẽ vào thăm gia đình Ngô Trọng Bình. Anh chị có ba con, hai trai một gái. Các cháu đều có gia đình riêng, công việc ổn định. Vợ chồng anh đã có 8 cháu nội ngoại. Cậu con trai thứ hai đang làm nhà mới. Tất cả các cháu đều ở quây quần xung quanh. Trong bữa cơm ấm áp tình thân với đại gia đình của Bình, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc giản dị ấy của một người lái xe đã gắn bó cả đời mình với ngành thông tấn.
Trần Mai Hưởng