Những món chay 'chuẩn' nhất để cúng Tết Thanh minh 2021
(Thethaovanhoa.vn) - Tết Thanh minh đây không phải là tết lớn, nhưng là dịp đặc biệt quan trọng để con cháu thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà.
Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.
Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Nhân lúc đi Thanh Minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh. Nguyễn Du có câu: "Thanh Minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh".
Đối với người dân Việt, Tiết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày 3/3 âm lịch hằng năm cũng cố gắng về với gia đình để tảo mộ, sum họp bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Nhân ngày Thanh Minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Trong ngày Thanh Minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.
Tiết Thanh Minh cũng là lúc trời bắt đầu bớt lạnh, cây cối phát triển mạnh mẽ, rất nhiều loài hoa nở rộ, là thời điểm thích hợp để đi dã ngoại, ngắm cảnh.
Mâm cỗ chay cũng tết thanh minh gồm những món gì?
Có nhiều ý kiến về mâm cỗ cúng Tết Thanh minh nên cúng lễ chay hay lễ mặn. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian thì Tết Thanh minh nên cúng lễ chay.
Mâm cỗ chay cúng Tết Thanh minh gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ… mang ý nghĩa tín ngưỡng, tưởng nhớ người đã khuất, cầu cho người đã khuất sớm được siêu thoát.
Xôi, chè được nấu từ gạo nếp, có nơi còn gói bánh chưng. Không phải ngẫu nhiên mà đây là những món bắt buộc phải có. Cây lúa, hạt gạo được xem như biểu tượng của nền văn minh lúa nước, là thức ăn chính của người Việt. Vì vậy, cúng xôi, cũng là muốn dâng lên những gì tinh túy của trời đất, công sức lao động sau một năm miệt mài của những người còn sống đến người đã mất.
Một đồ vật cũng không thể thiếu trong mâm cỗ chay cúng Tết Thanh minh đó là oản.
Phẩm oản là hình trụ như một cái tháp có chóp bằng, đơn sơ, nhỏ nhắn, hình tròn nhưng không góc cạnh như không có giới hạn, không có điểm bắt đầu và không có kết thúc như đức Phật đã nói. Có người lại cho rằng phẩm oản mang hình cái chuông, với màu trắng tinh khiết, ẩn chứa sâu xa những triết lý về tín ngưỡng.
Cách chế biến mâm cỗ cúng Thanh minh với các món chay
Món chả chay khoai môn
Bước 1: Khoai môn bạn đem cạo, sau đó rửa sạch, bào vỏ . Sau đó bạn đem hấp và đánh nhuyễn. Khoai tây hấp chín và tán nhuyễn.
Bước 2: Đậu hũ bóp nát,chắt bớt nước.
Bước 3: Sau đó bạn cho tất cả nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, nêm nếm gia vị cho vừa ăn,trộn đều, vo viên và lăn qua thính bánh mì.
Bước 4: Chiên chín chả bằng dầu. Lưu ý, khi chiên vặn lửa thật nhỏ,đậy nắp cho chả chín đều.
Bước 5: Khi chả chín vàng 2 mặt, vớt chả ra đĩa và xếp vào mâm cơm cúng Thanh minh.
Món xôi đậu xanh
Bước 1: Gạo nếpvo sơ cho sạch bớt bụi bẩn và cho vào ngấm nước khoảng 6 tiếng cho gạo nở mềm. Đậu xanh chọn loại xanh vỏ ruột vàng, cho vào ngâm nước khoảng 4 tiếng cho đậu xanh nở hết, không bị lõi khi nấu.
Bước 2: Sau đó, vớt gạo và đậu xanh lên, trộn vào với nhau và vo lại vài lần với nước cho thật sạch, để ráo. Trộn đều vào gạo nếp 2 thìa cà phê muối hạt, trộn đều cho gạo và đậu xanh ngấm muối.
Bước 3: Chuẩn bị nồi nước sôi hấp cách thủy, cho gạo nếp trộn đậu xanh vào đồ cho chín trong khoảng 30 phút. Sau 30 phút, xôi đậu xanh đã chín mềm, các bạn xới đều phần xôi trong nồi lên, dùng một chút dầu ăn tưới đều vào xôi, đánh tơi ra cho xôi ngấm dầu và tiếp tục đồ xôi thêm khoảng 10 phút nữa.
Món canh nấm
Bước 1: Hạt sen khô, nấm hương rửa sạch, ngâm qua đêm cho nở mềm. Ngô ngọt, đậu Hà Lan hạt rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Su hào, cà rốt, củ đậu gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi thái miếng (hoặc dùng dụng cụ cắt tỉa để cắt thành những hình đẹp mắt). Đậu phụ rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
Bước 3: Đun sôi 1 nồi nước, cho muối vào khuấy cho tan muối. Thả hạt sen vào ninh cho đến khi hạt sen chín mềm. Sau đó, thả đậu Hà Lan và ngô ngọt vào, đun sôi trong 5 phút. Cho cà rốt, su hào và củ đậu vào đun cho đến khi cà rốt, su hào chín.
Bước 4: Cho nấm hương và đậu phụ vào nồi, đun sôi thêm khoảng 1 phút nữa thì thả rau mùi thái nhỏ, nêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp, múc canh ra bát và sắp vào mâm cơm cúng.
Món nem chay
Bước 1: Rửa sạch rau củ, xắt nhỏ hành lá, băm nhỏ gừng tỏi, thái lát nấm và thái sợi bắp cải, cà rốt và cả măng non. Sau đó, bạn cho vào chảo ít dầu, bạn cho gừng tỏi băm và hành lá xắt nhỏ vào, phi lên cho thơm.
Bước 2: Sau khi phi thơm hành, bạn cho các loại rau củ thái sợi vào, xào đều một lúc đến khi gần chín thì bạn cho ít dầu mè và muối.
Bước 3: Đặt bánh đa nem lên một chiếc đĩa phẳng, múc nhân vào giữa lá nem, cuộn chặt tay cho đến khi hết số nhân đã chuẩn bị.
Bước 4: Bắc một chảo dầu lên bếp, rán số nem vừa cuốn dưới lửa hoặc nhiệt độ nhỏ cho đến khi nem chín đều cả hai mặt thì tắt bếp, bày nem ra đĩa và sắp vào mâm cúng.
Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đã giúp bạn có những thông tin đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Thanh minh cũng như việc chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Tết Thanh minh của người Việt.
PH (tổng hợp)