Những miền ký ức thiêng của Trần Trung Sáng
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là mảnh đất Hội An, nơi anh sinh ra và có những năm tháng thơ ấu êm đềm. Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn đã đón nhận những người con dòng họ Trần Trung ra lập nghiệp. Tôi nghĩ cuốn tản văn mới in là món quà quý giá không chỉ với bạn văn, mà tất cả những người yêu mến hai vùng đất dễ thương trên.
Vậy nên, bìa sách được thiết kế với tiêu đề thể hiện ý tưởng diễn giải: Dấu xưa xứ Quảng rồi mới đến Ký ức thành phố tiếng còi tàu. 32 tản văn nhưng phân nửa viết về đất và người Hội An, Đà Nẵng. Tản văn Trần Trung Sáng không chú trọng kiến giải, bình luận hàn lâm. Thay vào đó, ngôn ngữ anh trong sáng, mộc mạc, rủ rỉ. Quan trọng nhất là thao thiết cái tình. Những câu chuyện khá ly kỳ nhưng được anh kể rất đời.
Tản văn báo chí hiện đại chú trọng lối viết ngắn, nén câu chữ quá chặt nên khó nói hết thông điệp. Tản văn viết theo phong cách văn chương cũ lại thường lê thê, đọc rất mệt. Trần Trung Sáng vừa là nhà văn nhưng thâm niên làm báo quá dày, thành ra anh đủ thông minh để tản văn của mình trung dung giữa hai lành răn, đáp ứng được bạn đọc ngày càng thông minh nhưng không có nhiều thời gian.
Nếu để ý, có thể thấy những cuốn tản văn kiểu Trần Trung Sáng ngày càng ít đi trên văn đàn Đà Nẵng. Trong lúc, Đà Nẵng quá nhiều biến đổi. Hội An của anh cũng vậy, rất nhiều vấn đề phải bàn, phải viết, phải lưu sử.
Nếu không có người kể lại những câu chuyện như Trần Trung Sáng, tôi nghĩ sẽ rất thiệt thòi cho giới trẻ Quảng- Đà khi hiểu quá ít về lịch sử quê hương mình.
Ngay cả đọc câu chuyện về gia đình anh, dọng họ Trần Trung lưu lạc từ Phú Yên về Hội An, rồi bố con anh đậu bến sông Hàn, đã rất ly kỳ. Nhiều người thấy bóng dáng mình trong tản văn Một thoáng phù hoa khi các địa điểm nổi tiếng, các kỷ niệm cứ nhảy múa trước mắt.
Câu chuyện về ông bố Trần Trung Phát hiền lành giỏi giang từ Hội An ra kinh doanh, góp phần tạo nên con phố thương mại Hùng Vương sầm uất nhất Đà Nẵng làm ai đọc hẳn cũng day dứt. Khi xóm anh Sáng bị giải toả để làm trung tâm thương mại, người dân lo lắng, chỉ biết đến cây cổ thụ trong xóm vốn rất thiêng, cúng bái cầu an lành.
Cả xóm xì xầm bàn bạc thậm chí nhiều người tính "nhây" nhưng ông Trần Trung Phát bảo: "phải chấp hành thôi. Đây là chính quyền của dân. Chỉ mong sao mấy ông đền bù xứng đáng". Khi được lãnh đạo quận khen là gia đình cơ bản, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chỉ chừng ấy câu nói nhưng ông Phát vui mấy ngày liền.
Cho đến một hôm, anh Sáng chở bố đi thăm nền gạch còn lại của ngôi nhà cũ chơ vơ giữa bãi đất ngổn ngang hiu quạnh, mãi chẳng thấy mọc lên toà nhà thương mại, cụ Trần Trung Phát thoáng buồn, nói vu vơ với con: "Tất cả rồi cũng là phù hoa. Mọi thứ đi qua hết. Có vậy, cuộc sống mới không ngừng biến chuyển".
Đấy chỉ là một trong nhiều câu chuyện thú vị trong miền ký ức Trần Trung Sáng. Trân trọng giới thiệu bạn đọc quý mến anh.
Hữu Quý