Những mạch chữ thanh xuân
“Tôi muốn Linh viết một bài cho số báo đặc biệt kỉ niệm 40 năm, với tình cảm thực thà”. Nhận được đơn đặt hàng từ tòa soạn báo TT&VH, tôi không lập tức thắc mắc về từ “thực thà” mà hiểu rằng, hãy cứ viết thật tự nhiên. Nhưng rồi “hợp lưu” xúc cảm dâng lên, hồi tưởng tươi xanh, tôi lại được khởi hành một “ái trình duyên mệnh” (hành trình của tình yêu và duyên mệnh).
Cách nơi tôi chào đời, Nhà hộ sinh A (36 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vị trí tòa soạn báo TT&VH qua các thời kỳ lần lượt ở số 5 Lý Thường Kiệt, 33 Lê Thánh Tông, 11 Trần Hưng Đạo - trong vòng bán kính chưa đầy 1 km - thành “tứ giác” kí ức quý giá của đời tôi.
Ở châu Âu, nhất là Pháp, người ta rất chú ý đến thời gian tồn tại. Con số sau chữ “since” bảo chứng sức sống của mọi danh từ gắn với nó. TT&VH, “since” 1982! 40 năm với đời người là trung niên, khẳng định sự nghiệp rồi, mà vẫn chưa “luống tuổi”. 40 năm, đi từ thời kinh tế bao cấp, sang đổi mới, tới bão táp công nghệ 4.0, TT&VH đương độ, chưa bao giờ sút vị trí trong Top báo uy tín nhất Việt Nam. 40 tuổi - “tứ thập nhi bất hoặc”, TT&VH vẫn đang tráng niên để nhận bao tín nhiệm, yêu mến của bạn đọc toàn cầu để càng thêm can đảm dấn bước.
Dù báo giấy sụt tirage, dù câu thúc cam go chèo chống giữ cơ đồ đẳng cấp khiến Ban biên tập báo hôm nay nhọc mệt hơn nhiều các đời tiền nhiệm, thì TT&VH vẫn là thương hiệu sang trọng để bất cứ lúc nào, tôi cũng tự hào: Tuổi trẻ tôi ở đó. Phía trước của tôi chưa khi nào rời xa nơi đó! Có thể nói, TT&VH là một tri kỷ của ViLi, song hành suốt hành trình lao động chữ đầy nặng nhọc mà kiêu hãnh. Những bài báo hay nhất của tôi hầu hết in trên ấn phẩm này.
Không quản lý, không giữ nổi tất cả các báo, tạp chí in thơ, văn, bài báo của mình, tôi nhiều lần ước được làm chủ... một thư viện. Vào sinh nhật tuổi 40, tôi in bài thơ Kiểm kê trên tạp chí Văn nghệ quân đội: “Ngưỡng tuổi 40, ta có gì?/ Vẫn ở nhà thuê, đi xe máy cũ”, còn có chục cuốn sách và tới hơn nửa vạn bài in. Xe máy Lead Honda 11 năm chưa đổi, 1 năm các con phải nghỉ học vì đại dịch Covid-19, tôi đã mất không số tiền mua 2 chiếc xe đập hộp hiệu này.
Tấc đất tấc vàng, nhà thuê không có phòng cho con chơi; vì mẹ dành không gian quá nhiều cho sách. Báo in từ thời viết tay gửi bài, tòa soạn có cô Nga đánh máy, thời chưa có Internet, thời chưa hề bùng nổ mạng xã hội quản làm sao xuể. Tôi cố ý không lập Facebook và mới dùng Zalo gần 3 năm nay. Mỗi ngày, tôi trả tiền nhà như thuê phòng khách sạn bình dân. Thư viện gia đình mà tôi hằng mơ, bao giờ thành hiện thực?
May mắn thay, “thư viện nhiệm màu” của tôi là kí ức của độc giả. Họ đều là trí thức, văn nghệ sĩ danh tiếng mến mộ TT&VH, qua đó cảm tình với các bài viết của tôi. Tôi tự hào đã góp nhiệt huyết, tâm não vào chất lượng đẳng cấp của TT&VH; qua đó, tôi được tăng thêm fan. Cuộc hô ứng đồng vọng bền bỉ “tình yêu trong tình yêu”.
Không phải tàng thư, mà vẫn sống động vẹn nguyên như 20 năm trước. Tái ngộ tại Sài Gòn tối mưa tháng 6/2022, nhà văn Đoàn Thạch Biền, người cổ vũ, nâng đỡ nhiều cây bút trẻ khi làm Tuyển tập thơ văn Áo Trắng, đăng truyện ngắn Vi Thùy Linh từ khi tôi học Trung học Chuyên ban Yên Hòa, vẫn còn nhớ những chân dung của tôi đăng trên TT&VH khổ A4. Đấy là thời hoàng kim thịnh vượng nhất của nhật báo duy nhất Việt Nam có chuyên trang luân phiên các loại hình nghệ thuật: Văn học, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc. Thời tòa soạn tấp nập cộng tác viên như đại bản doanh festival tài danh mà không cần dịp lễ hay hội họp vẫn nô nức, hứng khởi.
Năm nào chẳng có sinh nhật. Nhưng tính nhịp thông lệ kỉ niệm 5 năm/ lần, thì dịp 40 năm này vãn vắng. Một số lãnh đạo tiền nhiệm và cộng tác viên đã qua đời. Nhiều cộng tác viên “máu lửa” một thời, nay “gác kiếm” đi chơi, hoặc nghỉ ngơi, đất báo in không còn như xưa để “tung tẩy”. Lẽ nào cảm thán câu quen thuộc: “Bao giờ trở lại ngày xưa”?
“Ngày xưa” ấy, tuổi 20 của tôi. Khi tôi nổi lên là hiện tượng thi ca (đến nay chưa xuất hiện ai như vậy), đầy rẫy bủa vây thị phi đố kỵ, chính nhà báo Ngô Hà Thái - Phó tổng biên tập báo TT&VH - đã quả quyết về giá trị đáng tin cậy của con người và thi ca Vi Thùy Linh, bản lĩnh bền bỉ trước mọi nhỏ nhen châm chọc.
Chú Thái thường gợi ý sâu hơn về hướng khai thác nhân vật khi hướng dẫn tôi viết báo. Khi biên tập, chú rất tinh diệu. Bài tôi thường dài quá số chữ. Song chú cắt giỏi, không làm hẫng cụt khiến người viết “đau”. Chú trân trọng từng cộng tác viên, là nhà báo giỏi nghề lại sành sỏi văn chương, Ngô Hà Thái quý chữ của tôi. Tôi chắc chắn thế, vì chỉ có đọc kĩ mới cắt “lọc lách” giữ được vóc bài và nhịp cảm xúc như vậy. Kĩ thuật cao mấy, đều chú ý duy trì cảm xúc chân thành tới người đọc. Sự lao động nghiêm túc trong hối thúc mỗi lần xuất hiện là đem tới món quà cho độc giả, dù nhỏ, cũng phải công phu, riêng có. Ý thức bản sắc, trách nhiệm thương hiệu gây dựng trong nghiệp viết, khắc dấu quãng đời thanh xuân tôi hòa mạch say mê dâng hiến cho công chúng TT&VH. Thật thiêng liêng!
Thiêng liêng nghiệp viết, tôi coi là lý tưởng sống của kiếp này, mà TT&VH là một trong cực ít các báo vẫn giữ lập trường coi trọng chất văn chương, nghệ thuật một cách sang trọng dù áp lực thị hiếu bình dân và hối thúc tồn tại trong vô vàn gian khó. Bởi thế, bao năm qua, viết cho TT&VH là tác phẩm chứ không bao giờ tôi “gõ chữ ào ào” bài thời vụ nhật trình. TT&VH, dẫu những đổi thay, vẫn giữ phong vị danh thơm của một manchette (đầu báo) tân văn không hề xô bồ, một độ sâu của văn hóa kinh điển và hiện đại mà chỉ đẳng thượng thừa mới bền sáng thế!
Phức cảm từng gân thớ, khi tôi được sống - thơ với tờ báo mà tôi coi là tri kỷ, bạn tuyệt vời.
Tôi được tung tỏa phong cách của mình khi viết báo, trưng trổ chất thơ mãnh liệt nhất là thời nhà báo Bùi Ngọc Hải là Tổng biên tập từ 1999 đến 2006. Chính chú gợi ý tôi viết tùy bút Hương lá mùi, nay vẫn là một trong các tùy bút đặc sắc của tôi. Ngày ấy, tôi chỉ biết chú Hải học Ngôn ngữ và Văn chương Tây Ban Nha tại ĐHTH La Habana. Mãi 2022 này tôi mới biết: Bùi Ngọc Hải khi là sinh viên du học Cuba đã có thơ in tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN). Thảo nào chú thẩm thơ sành thế, cổ vũ tôi bền thế. Cùng Tổng biên tập Bùi Ngọc Hải trọng thị cộng tác viên, nhà báo Ngô Hà Thái kế nhiệm cũng hết mình “ba cùng” với bạn viết của báo.
Tôi bất ngờ khi gặp một fan “đúp” tại cuộc họp Hội đồng hương Hải Phòng 22/5/2022. TS Nguyễn Văn Yên - Thành viên Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là fan ruột của TT&VH. Sinh năm 1968, chàng trai Hải Phòng lên Thủ đô học K31 Khoa Vật lý, cùng Khoa với đàn anh Đỗ Quang Hiển (K24), tuy sau 6 khóa mà lại cùng chung tình yêu thể thao và “mê tín” TT&VH. (Họ cùng tham gia Ban điều hành cựu sinh viên của ĐHQG Hà Nội hôm 30/6 vừa qua mà bầu Hiển là người sáng lập).
Chuyện khởi mạch từ thời sinh viên, anh Yên đạp chiếc xe Thống Nhất màu xanh lá cây từ quận Thanh Xuân lên phố Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm) mua báo, ngóng từng số. Hai con trai của TS Yên cùng thích đọc báo này, cậu lớn (1997) du học và đi làm tại Toronto (Canada) vẫn nhắc bố và em trai (2004, vừa đỗ ĐH Bách khoa) phải giữ bộ sưu tập báo TT&VH. Chuyển nhà 3 lần, TS Yên vẫn giữ được tủ báo này. Nhờ đọc TT&VH, TS Yên thêm hâm mộ tôi, thi sĩ không chỉ có thơ.
- Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Hội Nhà văn phải là vệ sĩ, hoa tiêu nghệ thuật cho độc giả
- Vi Thuỳ Linh: Đừng gọi tôi là nhà thơ
- Nhà thơ Vi Thuỳ Linh tặng quà độc giả 8/3
“Nếu một người cho bạn thời gian của mình, người ấy không thể cho bạn món quà nào quý hơn nữa!” (Frank Tyger, 1929 - 2011, nhà báo, họa sĩ biếm họa Mỹ). Tôi với TT&VH là mối tương ái keo sơn cùng khát khao dâng hiến.
Văn hào lớn nhất Mỹ Latin - G. Market (1927 - 2014), Nobel Văn học 1982, từng viết: “Tôi ước trái tim tôi đập qua 100 tuổi để yêu. Mà chỉ yêu người trẻ”. Những người lớn tuổi lo già, cạn năng lượng, chần chừ bỏ cơ hội, sống mòn trong tính toán sợ hãi ko dám dấn thân, không dám sống cho được là mình nhất trong 1 kiếp làm người mang tên này, hãy nhớ tới tác giả Trăm năm cô đơn mà thêm dũng khí. Market khẳng định: “Điều duy nhất tôi lấy làm tiếc là tôi chết mà không phải vì tình yêu!”. Ông đã nói thế từ 30 năm trước khi từ trần.
TT&VH, tôi chưa khi nào ngừng yêu. Đấy là một album sống động bậc nhất của đời tôi.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh