Những lưu ý quan trọng khi điền tờ khai cấp căn cước công dân
(Thethaovanhoa.vn) - Khi điền tờ khai cấp căn cước công dân gắn chip không phải ai cũng điền “một phát ăn ngay”. Vì thế hãy lưu ý những điều sau để làm đúng yêu cầu.
Việc đầu tiên để được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip đó là phải điền thông tin vào tờ khai chính xác và đầy đủ. Tưởng chừng đây là việc làm dễ dàng nhưng lại có không ít người điền sai nội dung hoặc cách thức dẫn đến việc phải điền lại mất thời gian.
Đầu tiên ở mục Ngày tháng năm sinh, mọi người cần điền chính xác theo như trên giấy khai sinh. Ngày sinh phải ghi đủ 2 chữ số, tháng sinh từ tháng 1 đến tháng 9 chỉ ghi 1 chữ số, các tháng còn lại thì ghi 2 chữ số.
Trong trường hợp trên chứng minh nhân dân hoặc khai sinh trước đây chỉ có năm sinh, người điền tờ khai sẽ phải cung cấp giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi cá nhân sinh ra để bổ sung thông tin.
Nếu không có hồ sơ, giấy tờ cá nhân nào cung cấp được ngày tháng năm sinh đầy đủ thì cho phép người làm tờ khai cam đoan theo quy định. Đối với trường hợp không xác định được ngày tháng năm sinh theo các chỉ dẫn trên thì mặc định ngày tháng sinh sẽ là 1/1 của năm sinh.
Ở mục Dân tộc, Tôn giáo cần phải điền theo giấy tờ chứng nhận dân tộc, tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, nếu người điền đơn hiện tại theo Phật giáo nhưng trên giấy khai sinh không ghi thì trong tờ điền cấp căn cước công dân không được điền Phật giáo.
Nếu muốn điền khác giấy khai sinh thì cần phải có giấy chứng nhận Quy Y Tam Bảo hoặc giấy chứng nhận Phật tử.
Về tình trạng hôn nhân được điền 3 tình trạng là độc thân, đã kết hôn hoặc đã ly hôn. Ngay tại thời điểm kê khai, nếu bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn chưa có hiệu lực thì tình trạng hôn nhân vẫn là đã kết hôn.
VIDEO Ý nghĩa của 12 số trên thẻ căn cước công dân (VNEWS):
https://vnews.gov.vn/nvideo/y-nghia-cua-12-so-tren-the-can-cuoc-cong-dan-206755.htm
Mục Nơi đăng ký khai sinh thường bị rất nhiều người hiểu lầm và khai sai. Phải lưu ý rằng nơi đăng ký khai sinh khác với nơi sinh. Nghĩa là nếu bạn sinh ở Bệnh viện A, Hà Nội nhưng đăng ký khai sinh ở phường B, Hà Nội thì phải điền vào mục này là phường B, Hà Nội mới chính xác.
- Bộ Công an nói về chức năng định vị của căn cước công dân gắn chíp
- Dùng thẻ Căn cước công dân gắn chíp - người dân được lợi gì?
- Những thay đổi trong thủ tục cấp thẻ căn cước công dân mới
Khi điền nội dung phần Quê quán phải ghi chi tiết từ đơn vị hành chính cấp thấp nhất căn cứ theo giấy khai sinh và sổ hộ khẩu.
Cần chú ý là quê quán chưa chắc đã là nơi sinh. Theo Luật hộ tịch 2014, quê quán của một người sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ được ghi trong tờ khai đăng ký khai sinh.
Tại các cơ sở đăng kí làm thẻ căn cước công dân gắn chip vẫn luôn có tờ khai mẫu để mọi người làm theo. Tuy nhiên hãy nắm chắc những lưu ý trên đây để không khỏi bỡ ngỡ khi điền tờ khai nhé.
NHỮNG NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC CẤP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP TRƯỚC 1/7/2021 Bộ Công an đã đặt ra mục tiêu trước ngày 1/7/2021 sẽ có 50 triệu người trên toàn quốc được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip. Những trường hợp sau đây thuộc diện cần thực hiện ngay việc cấp mới, đổi sang căn cước công dân có gắn chip và sẽ được ưu tiên: - Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD; - Người đã được cấp CMND 9 số; - Người đã được cấp CCCD 12 số, CCCD có mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin... Do đó, nếu không nằm trong diện này thì mọi người không cần thiết phải thực hiện cấp mới hay đổi thẻ căn cước công dân ngay. Sau ngày 1/7/2021, những trường hợp còn lại vẫn có thể thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chip như bình thường. |
Nguyễn Lê