Những khoản 'phải chi' ngày Tết dù có ít hay nhiều tiền: Người đã có gia đình 'lo sốt vó', người trẻ độc thân thoải mái 'chi thả ga'
Gắng “bớt nọ” để “bù kia” vì trăm thứ phải tiêu
Mùa tết năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn (37 tuổi, Quảng Bình) phải chi gần 40 triệu đồng cho những khoản chi “có tên” và không tên. Đầu tiên không thể thiếu tiền vé máy bay về quê vì hai vợ chồng anh làm ăn xa nhà, tiếp đến là chi phí đi lại giữa hai gia đình nội ngoại, đến tiền sắm sửa đón tết… Tất cả tổng lại gần gấp đôi so với mức phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình khiến vợ chồng anh “lo sốt vó.”
Anh Sơn chia sẻ: “Tết đến nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều lo lắng. Chưa nói đến tiền sắm tết cho gia đình, chỉ riêng khoản mừng tuổi bên nội và bên ngoại cũng đã hơn 10 triệu đồng. Hơn nữa, đối với những người làm ăn xa quê như vợ chồng tôi, ngày tết là dịp hiếm hoi để trở về đoàn tụ với gia đình nên khoản chi về đi lại là rất cần thiết. Hai vợ chồng tôi đều là dân văn phòng, thu nhập chẳng được bao nhiêu nên những ngày cuối năm này chỉ biết “thắt lưng buộc bụng”.
Theo anh Sơn, tiền mừng tuổi đầu năm là nét văn hóa vô cùng ý nghĩa, mang điều lành và may mắn cho ông bà, cha mẹ và các cháu nhỏ. Đây vốn là phần không thể thiếu dịp Tết nên vợ chồng anh quyết định “bớt khoản nọ, bù khoản kia” để vẫn có một cái tết trọn vẹn và ý nghĩa.
“Tết đến mình có thể hạn chế chi tiền mua sắm quần áo, thực phẩm nhưng không thể bỏ qua phần “lì xì”, quà cáp biếu hai bên gia đình nội ngoại. Giá cả hàng hóa những ngày cuối năm thường đắt hơn bình thường nên vợ chồng tôi tận dụng đồ có sẵn hay tự tay nấu ăn thay vì mua ngoài nên cũng coi như đỡ được một khoản”, anh Sơn giãi bày.
Tâm sự về kế hoạch cho dịp Tết sắp tới, chị Mai Lan (35 tuổi, Hà Nội) cùng chung nỗi lo về “tiền tiêu tết” như gia đình anh Sơn. Chị Lan tâm sự: “Những năm trước vào dịp Tết, tiền bạc không phải mối bận tâm quá lớn với vợ chồng tôi. Thế nhưng hiện tại, gia đình mới mua nhà mới cách đây một tháng. Biết là sẽ “cập rập” nên cả hai cũng đã tích góp riêng một khoản dự phòng dành riêng để tiêu trong dịp này. Thế nhưng sau khâu thiết kế nội thất, tính toán lại vẫn thấy bị hao đi ít nhiều. Bởi vậy nên Tết này, vợ chồng tôi lại phải cân nhắc chi tiêu trong khả năng để mùa tết vẫn đủ đầy nhất có thể.”
Giữ tinh thần là Tết đoàn viên ấm cúng, vợ chồng chị Lan vẫn quyết định giữ mức mừng tết gia đình nội ngoại như mọi năm nhưng sẽ cắt giảm việc mua sắm trong dịp Tết và chỉ mua đúng thứ thật sự cần, tuyệt đối không mua thừa.
“Dù năm nay gia đình tôi khá khó khăn về kinh tế, thế nhưng có những khoản chi không thể “cắt hoặc bớt”. Lì xì, mừng tuổi đầu năm là nét đẹp trong dịp tết, thiếu mất truyền thống này thì tết cũng mất đi niềm vui”, chị Lan cho hay.
Thoải mái “xuống tiền” vì “chưa nhiều nỗi lo”
Đi ngược với tâm lý “càng lớn càng sợ Tết” của số đông người trẻ hiện nay, Nguyễn Hồng Vân (26 tuổi, Vĩnh Phúc) rất hào hứng khi ngày xuân đang cận kề. Trong kế hoạch sắm sửa đón Tết của mình, Hồng Vân đã vạch rõ danh mục các khoản “bắt buộc phải chi” với số tiền khá lớn như quà tết về quê, tiền lì xì cho ông bà, bố mẹ và các cháu nội ngoại. Đặc biệt, cô gái trẻ này còn dành ra một khoản để “mua vàng tích trữ” dịp đầu năm mới.
“Mình không cảm thấy áp lực khi Tết đến. Bản thân mình đã lên kế hoạch “khoản nào ra khoản nấy” từ trước và chuẩn bị sẵn nên rất thoải mái khi chi tiêu. Hơn nữa, mình chưa có gia đình, con cái nên cũng không có quá nhiều áp lực. Tết đến là dịp sắm sửa, quây quần bên bố mẹ, dù vẫn nghèo nhưng với mình tiền là phương tiện chứ không phải mục đích. Thế nên mình đón Tết với tâm thế rất thoải mái. Thật ra, tiết kiệm mấy đồng trong ngày Tết cũng đâu có giúp mình giàu hơn đâu”, Hồng Vân chia sẻ.
Cùng suy nghĩ với Hồng Vân, Nguyễn Trung Hiếu (28 tuổi, Thái Bình) cũng khá thoải mái khi “chi tiền” cho các khoản cần tiêu trong Tết của mình. Với thu nhập ổn định và mức thưởng Tết hấp dẫn cuối năm, Trung Hiếu có hẳn một list dài những thứ cần phải chi như: Chuẩn bị quà cho gia đình, tiền mừng tuổi bố mẹ, một xấp lì xì cho các cháu, sắm sửa cho bản thân, một khoản để tụ tập với bạn bè và không quên “món ngon” mèo cưng…
Chàng trai cho biết: “Trong các khoản trên thì mình vẫn chú trọng nhất là quà Tết cho bố mẹ. Với mình thì Tết luôn là dịp để những người con đã trưởng thành có cơ hội được báo hiếu và bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành. Dù có nhiều khoản cần “xuống tiền” trong những ngày đầu năm mới, thế nhưng nếu biết chi tiêu hợp lý thì mọi thứ vẫn ổn thỏa. Mình đã chuẩn bị một “cái bụng” thật tốt để có thể ăn Tết thả ga.”
Với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng tại thủ đô, Lê Phương Thảo (26 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “Mình chưa có gia đình riêng nên cũng bớt một phần gánh nặng vào dịp Tết. Năm nào, mình cũng rất đầu tư các khoản mua quà tết về quê, tiền lì xì cho ông bà, bố mẹ, các cháu nội ngoại và tiền sắm sửa cho bản thân.
Với mình, Tết là dịp để con cháu làm ăn xa về đoàn tụ với cha mẹ, anh em, những người họ hàng thân thiết. Vì thế nên mình không ngần ngại chi một khoản kha khá trong với mức thu nhập của mình để làm quà đầu năm cho những người thân yêu. Bên cạnh đó, mình cũng không quên nuông chiều bản thân. Cả năm làm việc vất vả, giờ cũng là lúc để thưởng cho chính mình một món quà xứng đáng.”