Những hư cấu phi lý trong 'Đánh tráo số phận'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà biên kịch Châu Ngọc cho biết, ý tưởng ban đầu xây dựng Đánh tráo số phận sẽ có bốn nhân vật nữ anh hùng. Nhưng vì điều kiện làm phim truyền hình của Việt Nam còn hạn chế, nên anh chuyển hướng xây dựng nhân vật Hà Linh – Trâm Anh đại diện cho “sức mạnh thuần khiết” ở môi trường học đường.
Cô giáo đặc biệt trong môi trường dị biệt
Trâm Anh là một nhân vật khó có thật. Lớp 12C (trường tư thục Bách Nghệ) trong Đánh tráo số phận là nơi tập trung toàn thành phần học sinh cá biệt. Có lẽ, nhà biên kịch muốn tạo ra một lớp học điển hình để làm nổi bật nhân vật điển hình, có tài năng đặc biệt điều trị được những thành phần cá biệt trong lớp học đặc biệt đó. Vì thế, nhiều tình tiết trong Đánh tráo số phận hư cấu đến phi lý, nhưng lại vẫn lôi cuốn sự tò mò của khán giả màn ảnh nhỏ.
Những khán giả yêu thích phim truyền hình có lẽ sẽ thấy một sự “na ná” giữa nhân vật Hà Linh và những nhân vật siêu anh hùng trong phim Mỹ như Miêu nữ hay Thiên thần bóng tối trước đây. Giống như nhân vật nữ anh hùng này, nhân vật của biên kịch Châu Ngọc cũng từng có một cuộc sống bình thường trước khi cô trở thành “đối tượng bị truy nã” của cả lực lượng chức năng và thế giới tội phạm. Nếu Miêu nữ hay Thiên thần bóng tối chỉ được là mình khi đêm xuống thì cô gái này cũng phải sống trong vỏ bọc của một người khác và với bản chất lương thiện nên cô vẫn âm thầm hành động trượng nghĩa mà không cần bất cứ sự công nhận nào.
Tuy nhiên, vẫn là một sự so sánh khập khiễng và nhiều khán giả cảm thấy chưa “đã” với nhân vật Hà Linh. Thậm chí, nhiều người cho rằng có nhiều tình tiết khiên cưỡng dù câu chuyện bản chất được coi là “hư cấu”. Mang tâm tư này hỏi nhà biên kịch Châu Ngọc, cha đẻ Đánh tráo số phận bộc bạch, ban đầu, anh muốn tạo ra bộ phim là những nữ nhân vật siêu anh hùng, có nhiều năng lực đặc biệt và Hà Linh là một trong số bốn cô gái đó.
Cảm hứng và ý tưởng là vậy, tuy nhiên, vì việc tạo ra nhân vật và xử lý các tình huống khá phức tạp, điều kiện làm phim truyền hình Việt Nam chưa đáp ứng, khiến biên kịch Châu Ngọc không xây dựng được một nhân vật quá mạnh mẽ với những năng lực siêu nhiên. Anh đã chuyển hướng “đời sống hóa” hơn cho nhân vật của mình. Điểm đặc biệt là nhân vật Hà Linh không chỉ đặt trong bối cảnh là cuộc sống bình thường mà lại trở thành đại diện cho sức mạnh thuần khiết của môi trường học đường.
Nhiều khán giả cũng thấy vô lý về sự giống nhau như 2 giọt nước của Trâm Anh – Hà Linh khiến cả người thân thiết nhất cũng không hề nghi ngờ. Nhưng đằng sau câu chuyện đánh tráo thân phận này là một lý giải rất thú vị. Châu Ngọc tiết lộ, anh bị ám ảnh bởi học thuyết sinh đôi doppelgander, tức là hiện tượng giống nhau mà không cùng huyết thống, cùng tồn tại ở những nơi khác nhau. Nếu hai người này gặp nhau thì một người sẽ không còn tồn tại. “Khán giả đôi khi muốn thấy những chuyện kỳ lạ hơn so với motif bình thường” – Châu Ngọc nói.
Sau khi hoán đổi vào thân xác của Trâm Anh, Hà Linh trở thành một giáo viên trong cái bẫy lớp học mà đa số học sinh vô cùng bất trị. Bản thân nhà biên kịch Châu Ngọc nghiệm thấy, thời đi học, những học sinh bất trị sau này thường rất thành đạt và trưởng thành hơn. Vì thế, anh nghĩ, giả sử nếu đặt những học sinh bất trị vào tay những cô giáo cũng “bất trị” như Hà Linh thì sẽ nguy mức nào. Cần có móng tay nhọn để bóc những vỏ quýt dày, muốn "điều trị" được học sinh cá biệt thì phải làm thầy chúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Phải dùng đúng phương pháp của chúng để điều trị chúng, đúng tâm lý, làm cho chúng khâm phục. Và cô giáo Hà Linh đã phải dùng mọi biện pháp từ chơi game bạo lực, chụp ảnh, ghép ảnh, đến đua xe, đánh nhau để “thuần hóa” đám học sinh này.
Dù vậy, nhà biên kịch Châu Ngọc thừa nhận, anh cũng thấy mình hơi “quá tay” khi tạo ra một lớp học đặc biệt, tập trung mọi sự nghịch ngợm nhất vào đó để dành cho cô giáo đặc biệt như Hà Linh. Và theo đường dây kịch bản, ngoài sự trốn chạy khỏi sự truy sát của giới giang hồ, Hà Linh cũng trở thành một nhân vật đặc biệt, có thể cảm hóa được những trò nghịch ngợm nhất.
Số phận của các siêu anh hùng thường không có những kết cục có hậu, họ thường phải chịu một cuộc đời cô độc vì không thể chia sẻ với ai. Đánh tráo số phận còn gần nửa chặng đường nữa đi đến kết thúc, không biết biên kịch Châu Ngọc có dám “mạnh tay” đến cùng với nhân vật Linh “Bạch hổ”/cô giáo Trâm Anh hay không?
P.V