‘Những đứa con của làng’ đến với khán giả Mỹ
Đến với tuần phim, khán giả Mỹ được trải nghiệm nhiều thể loại và đề tài đa dạng như: phim hài Trúng số, phim sử thi huyền thoại Khát vọng Thăng Long, các phim tâm lý hành động Hiệp sĩ mù, Bí mật thảm đỏ, Hào quang trở lại, đặc biệt là bộ phim đề tài chiến tranh Những đứa con của làng. Phim thấm đẫm cảm xúc về số phận con người thời hậu chiến, về nỗ lực hóa giải hận thù và hàn gắn vết thương...
Bước qua lòng hận thù
Bộ phim Những đứa con của làng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt, Hãng phim Hồng Ngát sản xuất) là một trong hai phim Việt Nam dự thi LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, đoạt giải Cánh diều Bạc 2014 và 3 giải thưởng phụ tại giải Cánh diều 2014: Nam diễn viên phụ xuất sắc, Biên kịch xuất sắc và Giải báo chí phê bình cho bộ phim hay nhất.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kiêm Giám đốc sản xuất của bộ phim chia sẻ: Mặc dù Những đứa con của làng là phim được nhà nước đặt hàng, nhưng với kinh phí 6 tỷ đồng, cả êkíp phải chật vật "liệu cơm gắp mắm" để thực hiện, nhất là giai đoạn quay phim.
“Bối cảnh phim chủ yếu ở huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị, vào tháng 7 năm ngoái, đúng mùa nắng nóng nhất trong năm. Cả đoàn phim ai cũng đen nhẻm. May không ai ốm đau vì khâu hậu cần tốt. Một kỷ niệm khó quên là những cảnh quay đêm thường đóng máy lúc 1-2h sáng, cả đoàn lên xe, ngồi chen nhau để về chỗ nghỉ. Xe qua suối, qua thung lũng xóc như hồi đi Trường Sơn ngày xưa vậy” – bà Hồng Ngát nhớ lại.
Những đứa con của làng kể về một ngôi làng nhỏ ven sông ở miền Trung Việt Nam 20 năm sau vụ thảm sát trong chiến tranh với cây cầu nối hai bờ bị phá hủy. Người lính du kích năm xưa - ông Thập (do NSƯT Trung Anh thủ vai) không thể quên được nỗi đau từ cuộc chiến, ông luôn nhắc mọi người khắc cốt ghi tâm mối hận thù chiến tranh.
Tuy nhiên, với thế hệ sau của làng, trong đó có con gái ông Thập (Đỗ Thúy Hằng thủ vai) và con trai của trưởng thôn tiền nhiệm (diễn viên Trần Bảo Sơn đóng), điều này dường như đã bị lãng quên... Qua những thử thách và đau khổ, các già làng hiểu rằng việc tạo những cầu nối và xoa dịu nỗi đau sẽ giúp họ duy trì mối quan hệ cộng đồng hơn là sự thù hận.
Bà Hồng Ngát cho biết: “Khi chọn kịch bản này, bản này tôi cũng nghĩ nhiều về vấn đề hoà hợp dân tộc, dù các giai đoạn lịch sử có như thế nào thì dân tộc Việt chỉ là và vẫn là một. Một đất nước giống như một ngôi làng thu nhỏ, có người thế này người thế kia, người khôn kẻ dại, người đúng kẻ sai, người tốt kẻ xấu, người đi ngược kẻ về xuôi... mỗi người mỗi vẻ, nhưng vượt lên trên tất cả là tình yêu thương giúp đỡ đùm bọc nhau, tha thứ cho nhau bỏ qua cho nhau những lầm lỡ sai trái, để cùng nhau xây dựng ngôi làng của mình no ấm yên bình. Đó là tính nhân văn mà ai xem phim cũng nhận biết thông qua một câu chuyện rất dung dị như đời thường vẫn từng như thế xảy ra...”.
Hy vọng một sự đồng cảm
Theo bà Ngát: “Chiến tranh khốc liệt, mất mát quá nhiều nhưng dù sao thì cũng đã lùi xa. Từ ngày đổi mới, đất nước rõ ràng đã bước sang trang mới. Sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ, lại thêm nhiều điều kiện thuận lợi nữa để phát triển đất nước. Đó là điều mừng. Không thể không mừng khi chúng ta có thêm bạn bớt thù như các cụ vẫn từng dạy.”
Được biết, trong khuôn khổ Tuần phim Việt Nam ở 3 thành phố lớn tạiMỹ, Bộ VH,TT&DL và Cục điện ảnh cùng đoàn nghệ sĩ đông đảo đã sang Mỹ, ngoài việc quảng bá điện ảnh Việt Nam, còn là dịp để giới thiệu về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, vì bận việc ở nhà (chuẩn bị cho Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam) nên bà Ngát “ rất tiếc” không đi Mỹ giao lưu được. Diễn viên Đỗ Thúy Hằng đại diện đoàn phim Những đứa con của làng giao lưu với khán giả Mỹ sau mỗi buổi chiếu và tham gia chương trình Gặp gỡ ngôi sao điện ảnh Việt Nam tại tuần phim.
Bà Hồng Ngát hy vọng: phim Những đứa con của làng sẽ nhận được sự đồng cảm của người xem tại Mỹ.
“20 năm - nhân dân hai nước có điều kiện tiếp xúc để hiểu nhau hơn, trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật cũng có nhiều thuận lợi để giao lưu trao đổi. Văn hoá nghệ thuật là cầu nối dễ đi vào lòng người nhất dễ để người Mỹ hiểu người Việt Nam nhất. Vì vậy, mong sao Nhà nước tăng cường chú ý, đầu tư cho lĩnh vực này để ngày càng có nhiều tác phẩm hay đem ra với thế giới”, bà Ngát nhấn mạnh.
An Như
Thể thao & Văn hóa