Những điều cần biết về đậu mùa khỉ mà WHO vừa ban bố trạng khẩn cấp
Ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về căn bệnh đáng lo ngại này:
Mpox là gì?
Đậu mùa khỉ, hay mpox, lần đầu tiên được các nhà khoa học xác định vào năm 1958 khi có các đợt bùng phát của một loại bệnh "giống đậu mùa" ở khỉ. Cho đến gần đây, hầu hết các ca bệnh ở người được phát hiện ở những người ở Trung và Tây Phi có tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh.
Vào năm 2022, virus này được xác nhận lây lan qua đường tình dục lần đầu tiên và gây ra các đợt bùng phát ở hơn 70 quốc gia chưa từng báo cáo mpox trước đó.
Mpox thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Những người mắc bệnh nặng hơn có thể phát triển các tổn thương trên mặt, tay, ngực và bộ phận sinh dục.
Điều gì đang xảy ra ở Châu Phi?
Số ca mắc ở "lục địa đen" đã tăng đột biến. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi) báo cáo rằng mpox hiện đã được phát hiện ở ít nhất 13 quốc gia Châu Phi. So với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan này cho biết số ca mắc tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%.
Đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo về sự xuất hiện của một dạng mpox mới ở một thị trấn khai thác mỏ ở CHDC Congo có thể cướp đi sinh mạng của 10% số người mắc và lây lan dễ dàng hơn.
Khác với các đợt bùng phát mpox trước đây, khi các tổn thương chủ yếu xuất hiện ở ngực, tay và chân, dạng mpox mới gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và tổn thương ở bộ phận sinh dục. Điều đó khiến việc phát hiện khó khăn hơn, có nghĩa là người bệnh cũng có thể lây cho người khác mà không biết mình đã bị nhiễm bệnh.
WHO cho biết mpox gần đây đã được xác định lần đầu tiên ở 4 quốc gia Đông Phi: Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Tất cả các đợt bùng phát đó đều liên quan đến dịch ở CHDC Congo.
Ở Bờ Biển Ngà và Nam Phi, các cơ quan y tế đã báo cáo các đợt bùng phát của một phiên bản mpox khác và ít nguy hiểm hơn đã lây lan trên toàn thế giới vào năm 2022.
Điểm khác biệt so với dịch năm 2022
Trong đợt bùng phát mpox toàn cầu năm 2022, nam giới đồng tính chiếm phần lớn các ca mắc và virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả quan hệ tình dục. Mặc dù xu hướng tương tự có xuất hiện ở Châu Phi năm nay, trẻ em dưới 15 tuổi hiện chiếm hơn 70% số ca mắc mpox và 85% số ca tử vong ở CHDC Congo.
Greg Ramm, Giám đốc Save the Children tại CHDC Congo, cho biết tổ chức này đặc biệt lo ngại về sự lây lan của mpox trong các trại tị nạn đông đúc ở phía Đông, lưu ý rằng có 345.000 trẻ em "chen chúc trong các lều trại trong điều kiện không vệ sinh." Ông nói rằng hệ thống y tế của đất nước đã "sụp đổ" dưới gánh nặng của suy dinh dưỡng, sởi và bệnh tả.
Tiến sĩ Boghuma Titanji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, cho biết vẫn chưa rõ tại sao trẻ em lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mpox ở CHDC Congo. Bà phỏng đoán, trẻ em dễ bị nhiễm virus hơn hoặc các yếu tố xã hội, như quá đông đúc và tiếp xúc với cha mẹ mắc bệnh.
Làm thế nào để ngăn chặn mpox?
Đợt bùng phát mpox năm 2022 ở hàng chục quốc gia phần lớn đã được kiểm soát bằng việc sử dụng vắc-xin và điều trị ở các nước giàu, cùng với việc thuyết phục mọi người tránh các hành vi rủi ro. Nhưng hầu như không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị nào có sẵn ở Châu Phi.
Michael Marks, thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết tiêm chủng có thể là phương pháp hiệu quả, bao gồm cả việc tiêm phòng cho mọi người chống lại bệnh đậu mùa, một loại virus có liên quan. Theo chuyên gia này, "chúng ta cần một nguồn cung cấp vắc-xin lớn để có thể tiêm phòng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất", có nghĩa là các công nhân tình dục, trẻ em và người lớn sống trong các khu vực bùng phát dịch.
CHDC Congo cho biết họ đang đàm phán với các nhà tài trợ về khả năng quyên góp vắc-xin và đã nhận được một số hỗ trợ tài chính từ Anh và Mỹ.
Trong khi đó, WHO cho biết họ đã giải ngân 1,45 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ ứng phó với mpox ở Châu Phi.