Những con tàu ma
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là những con tàu trôi dạt hàng năm trời giữa đại dương mênh mông, không có dấu vết nào của thủy thủ. Giai thoại về những con tàu ma ấy có cùng tuổi đời như ngành hàng hải và đủ cơ sở cho các thuyết âm mưu nở rộ.
Ngày 4/12/1872
... Là một ngày nhiều sương mù, khiến chiếc thuyền buồm Dei Gratia suýt va phải một con tàu bí hiểm đang dập dềnh tại chỗ trên sóng Đại Tây Dương. Tuy nhiên khi đến thật gần thì mọi người không thấy hư hại gì đáng kể trên con tàu bí hiểm. Không thấy kéo cờ báo hiệu cấp cứu và cũng chẳng ai trả lời các tín hiệu được đánh đi. Sau 2 tiếng bối rối đợi chờ, thuyền phó Oliver Deveau cùng một nhóm thủy thủ chèo xuồng sang thăm dò.
Về đến nơi, Deveau báo cáo cho thuyền trưởng David Morehouse những gì tai nghe mắt thấy trên con tàu lạ: khắp nơi lộn xộn và ướt át, 1.700 thùng cồn công nghiệp còn nguyên vẹn, và kho thực phẩm áng chừng đủ cho nửa năm. Không dấu hiệu nào chứng tỏ có bóng người, và chiếc thuyền cứu hộ cũng biến mất.
Con tàu mà thuyền buồm Dei Gratia tình cờ chạm trán trong sáng mùa Đông ấy tên là Mary Celeste, một tàu thủy khá đồ sộ thời bấy giờ. 2 cột buồm, 15 cánh buồm, thân tàu dài 31 mét, được hạ thủy năm 1861 ở Nova Scotia (Canada). Ngay trước khi chạm nước nó đã như bị ma ám. Robert McLellan, thuyền trưởng đầu tiên của tàu Mary Celeste, qua đời chỉ sau 9 ngày nhậm chức vì sưng phổi. Tàu liên tục đổi chủ sở hữu nhưng hình như không đem lại lời lãi gì. Ông chủ sau cùng hạ lệnh ra khơi hôm 7/11/1872, chở hàng từ New York đến Genova (Italy). Nhưng Mary Celeste không bao giờ cập bến, mà như ta biết, được bắt gặp giữa Bồ Đào Nha và quần đảo Azores. Chuyện gì đã xảy ra với đoàn thủy thủ?
Đến tận hôm nay
... Mary Celeste vẫn trôi dạt đâu đó giữa sự thật và truyền thuyết. Có tối thiểu 10 lý thuyết về số phận của các thủy thủ trên con tàu ma nổi tiếng nhất trong lịch sử hàng hải, và chắc chắn không có luận cứ nào mang màu sắc khoa học. Khi thì một con bạch tuộc khổng lồ gây ra thảm họa, lúc khác lại là cướp biển, rồi thì động đất dưới đáy biển... Arthur Conan Doyle, “cha đẻ“ của Sherlock Holmes và Watson, cũng không bỏ qua chủ đề tàu ma, người khác thì dựng phim, viết kịch... và truyền thuyết Mary Celeste cứ thế dần dần phình to ra. Phải chăng nó là một dạng “Người Hà Lan bay“, một giai thoại được lưu truyền từ thế kỷ 17 mà trong đó một viên thuyền trưởng nguyền rủa cơn bão ở mũi Hảo Vọng và cả trời đất. Vì tội phỉ báng Chúa trời, hắn bị đày ải suốt đời trên những chuyến vượt biển vô tận?
Tàu Lady Lovibond cũng nhờ vậy mà dong buồm qua nhiều thế kỷ, mặc dù nó bị chìm ngay trước bờ biển Anh hồi 1748. Vậy mà người ta vẫn kể là cứ 50 năm một lần, đúng ngày đúng giờ, nó lại xuất hiện ở giữa các bãi cát bồi Goodwin Sands. Bởi vì hình như Quý bà Lovibond cũng vi phạm một điều kiêng kỵ của thủy thủ: thuyền trưởng Simon Peel đã trải qua tuần trăng mật trên tàu này, mặc dù phụ nữ trên tàu bị coi là điềm gở. Lập tức viên hạ sĩ quan lái tàu - người tình bí mật của cô dâu - dấy lên cuộc nổi loạn và lái con tàu vào chốn bất hạnh.
Số phận của những con tàu ma
... Có chung một điểm: chúng chìm xuống rồi lại nổi lên, không bao giờ chết. Ví dụ tàu Seeschwalbe. Báo chí ngày ấy tường thuật tường tận vụ Seeschwalbe bị đắm ở biển Baltic hồi tháng 10/1921, toàn bộ thủy thủ được cứu. Vậy mà một tuần sau xác tàu nổi lên cách đó 100 cây số, khiến không chỉ giới chuyên môn kinh hoàng. Người ta khám kỹ xác tàu và tìm ra một đáp án không liên quan đến ma quỷ. Khi va vào đáy biển, bụng tàu vỡ toác, toàn bộ số đá hộc để lấy thăng bằng rơi ra, và thế là huyền thoại về sự bất tử nổi dềnh lên.
Ngày 13/10/1997 hàng không mẫu hạm Clemenceau, từ năm 1961 phục vụ trong hải quân Pháp, được đoàn tàu kéo dong về một xưởng đóng tàu ở Gijon (Tây Ban Nha) để xẻ ra thành 22.000 tấn sắt vụn. Nhưng cả đoàn tàu không bao giờ đến được Gijon. Sau này con tàu khổng lồ ấy tái xuất ở bờ Đông Sicilia và làm thất vọng các nhà lý thuyết âm mưu: người Tây Ban Nha đã chơi xấu và thuê xẻ thịt Clemenceau tại một xưởng khác, lãi hơn.
Giống như Seeschwalbe hay Clemenceau, đa số các con tàu “ma“ khác lẽ ra không thành huyền thoại nếu như trí “tưởng bở“ của người đời kém phong phú hơn?
Thuyền trưởng Benjamin Briggs
... Của Mary Celeste mới 37 xuân xanh khi nhậm chức, tuy nhiên viên sĩ quan người Massachusetts này không phải non kinh nghiệm. Ở tuổi 27 Briggs đã chỉ huy tàu Forest King 3 cột buồm. Trợ lực cho thuyền trưởng là các sĩ quan Albert Richardson, Andrew Gilling, bếp trưởng Edward Head và 4 thuyền viên Đức. Briggs đã sai sửa lại phòng của mình, vì ông đem theo cô vợ Sarah và con gái Sophia tới Genova. Câu chuyện bắt đầu như thế.
Mùa Xuân 1873, ngư dân Bồ Đào Nha phát hiện ra một thuyền cứu hộ với 5 xác người đã phân hủy, trong đó có một trẻ em. Liệu đó có phải là một phần của Mary Celeste? Khi được Dei Gratia phát hiện, tàu Mary Celeste trong trạng thái tốt, duy chỉ vắng bóng người. Một chi tiết quan trọng là trên đó thiếu cả các dụng dụ đo, la bàn và sổ sách. Vậy lý do gì để mọi người leo lên chiếc xuống nhỏ như vỏ lạc khi tàu mẹ còn nguyên vẹn?
Khi kiểm tra kỹ các thùng cồn công nghiệp, người ta thấy 9 thùng rỗng - gần như chắc chắn đó là nguyên nhân của thảm họa hôm 24/11/1872 (là ngày ghi chép cuối cùng trong sổ hải trình). Khi cồn chảy ra, nó tạo ra một hỗn hợp khí phát nổ và gây ra cảnh hỗn loạn trên tàu. Các thủy thủ đã vội rời tàu trên thuyền cứu hộ vì sợ các thùng còn lại nổ tiếp. Rồi, cho dù không có tiếng nổ nào nữa, chiếc thuyền với 4 mái chèo không thể đuổi kịp tàu Mary Celeste căng buồm và rốt cục chấm dứt bi thảm trên biển…
Ít nhất thì đó cũng là một lý thuyết khá vững, tuyệt đối đáng tin thì khó nói, vì người ta không bao giờ tìm được tàu Mary Celeste nữa.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần