Những chủ đề không nên hỏi vào ngày Tết
Để không gây sự khó chịu và phiền toái, người hỏi cần tránh những câu hỏi thăm không đúng cách trong ngày Tết.
Tết Nguyên đán được xem là dịp để gia đình, bạn bè, người thân sum họp và hỏi thăm nhau. Tuy nhiên, một số câu hỏi lại khiến người nhận không được thoải mái.
Dưới đây là những vấn đề không nên đề cập trong các cuộc trò chuyện dịp cuối năm.
Các mối quan hệ
Người trẻ luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề liên quan đến cá nhân như kết hôn, sinh con và họ luôn tìm cách để né tránh nó. Những câu hỏi như "Bao giờ kết hôn?", "Khi nào có bạn trai/bạn gái?" không phải là đề tài mới nhưng luôn có một áp lực vô hình khiến những bạn trẻ cảm thấy không được thoải mái và bị mất tự do.
Để không bị rơi vào tình huống đôi bên cùng khó xử, hãy hỏi họ về sở thích cá nhân, điều ấn tượng mà họ trải qua trong năm cũ.
Công việc
Ngoài các mối quan hệ, công việc là một trong những chủ đề cần tránh hỏi vào dịp lễ Tết.
Bởi những người đi làm không thích bị hỏi về vấn đề công việc ngoài giờ hành chính. Dù người hỏi không có ý xấu nhưng câu hỏi liên quan đến vấn đề này tạo cho người nghe cảm giác kém cỏi và mất tự tin.
Trong trường hợp nếu muốn hỏi thăm đến vấn đề công việc của đối phương, bạn chỉ nên hỏi về tình hình công việc hoặc định hướng nghề nghiệp cho tương lai của họ.
Vấn đề tài chính
"Lương bao nhiêu, thưởng ít hay nhiều" những câu hỏi này dễ khiến người bị hỏi tỏ thái độ khó chịu hoặc phản ứng gay gắt.
Thay vào đó, bạn hãy quan sát cách họ nói chuyện với mọi người xung quanh, nhìn tài sản đang sở hữu để đoán biết tình hình tài chính của đối phương.
Ngoại hình
Với những người luôn tự ti về ngoại hình, chủ đề này dễ khiến họ tổn thương và hình thành tâm lý thù ghét người hỏi. Thậm chí, càng nghe nhiều ý kiến che bai, họ có xu hướng mặc cảm, chán ghét chính bản thân mình.
Để tránh trở thành người xấu tính trong mắt đối phương, bạn chỉ nên đặt các câu hỏi về chế độ dinh dưỡng, tập luyện hoặc động lực duy trì sự kiên trì của những người này.
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao thoa và con người trở nên gần với thần linh.
Tết Cổ truyền xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.