Những câu chuyện quyền lực của làng cầu Việt
Tất nhiên, về quyền lực chung thì vẫn có mặt cơ quan quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về sự thành bại của cả nền bóng đá; vẫn có những người hâm mộ, khi chính họ quyết định sự sống - còn của sân cỏ... nhưng từ thời lên chuyên, không phủ nhận răng - Quyền lực của các ông bầu đang dần chiếm tỷ trọng lớn.
Từ chuyện của Hữu Thắng
Ở thế hệ của Hữu Thắng, cả nghiệp cầu thủ lẫn khi làm huấn luyện, Huỳnh Đức được cho là có sức lan toả, cũng như tầm ảnh hưởng sâu và rộng bậc nhất. Đương kim thuyền trưởng SHB.Đà Nẵng cũng là người thành công nhất khi cầm sa bàn. Tuy nhiên, ở phạm vi hẹp hơn, gói gọn tại một đội bóng chẳng hạn, Hữu Thắng mới là số 1.
SLNA trước đây với bộ ba “Vinh – Thanh – Thụ” (HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh và cao nhất là nguyên Giám đốc Sở TDTT (cũ) Nguyễn Hoàng Thụ) chính là giường, là cột của bóng đá xứ Nghệ. Song ngay cả khi ông Thụ rời nhiệm sở, “bố” Thanh, “thầy” Vinh biệt xứ, cũng không gây được sự quan tâm lớn như chuyện Hữu Thắng thôi không huấn luyện SLNA nữa. Phần nó được cộng hưởng bởi thời đại công nghệ, nhưng cơ bản vẫn là tình yêu.
Nghiệp huấn luyện của Hữu Thắng, về thành tích, cũng chưa phải quá nổi trội với chỉ một chức vô địch V-League 2011. Vấn đề là, bóng đá cần những tượng đài được xây dựng và người Nghệ An đã chọn Nguyễn Hữu Thắng và ở góc độ riêng của bóng đá xứ Nghệ, Thắng "Mạch" còn được xem là thứ quyền lực thực sự nhờ cái uy của mình.
Cựu đội trưởng SLNA và ĐT Việt Nam cũng cảm nhận được điều đó, nhưng khi mà “chiếc áo mẹ may” vẻ như đã quá chật chội khiến Hữu Thắng quyết định ra đi, thì tất cả mới ngộ ra rằng, quyền lực thực sự của bóng đá xứ Nghệ nằm trong tay nhà tài trợ khi đây chính là nguồn cung chính để hoạt động mỗi mùa.
Việc Hữu Thắng ra đi, SLNA có thể phải đối diện với một viễn cảnh khá u ám liên quan đến vấn đề kinh phí và tổ chức, nhưng biết làm sao, khi những người bóng đá dù có đấy tài năng trên sân cỏ, nhưng lại kém chuyện kiếm tiền để mà tự nuôi sống chính mình.
Đến chuyện các ông bầu
Kỷ nguyên V-League đánh dấu một sự kiện trọng đại: Địa phương kết hợp doanh nghiệp làm bóng đá, lộ trình bất biến trong việc xã hội hoá thể thao theo hướng chuyên nghiệp. Đi đầu trong số này là bầu Đức (với HA.Gia Lai), bầu Thắng (ở ĐT.Long An), rồi bầu Kiên (LG.Hà Nội.ACB phiên bản cũ)… Thêm rất nhiều các ông bầu vào hàng tiếp theo nữa, một thời gian đủ dài cho đến tận bây giờ, bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam còn được ví von - Bóng đá của các ông bầu!
Bóng đá thời các ông bầu có hay hơn, đáng xem hơn và phát triển lên một tầm cao hơn, so với bóng đá thời bao cấp thuần tuý sống bằng ngân sách Nhà nước không? Cái này thì còn tuỳ vào sự định lượng của mỗi người, song có một điều chắc chắn rằng, bóng đá bây giờ là rất nhiều tiền - Đó cũng là đường lăn chung cho cả bóng đá thế giới chứ chả riêng gì với Việt Nam. Không có tiền, đừng nói chuyện bóng đá, thậm chí phải cực kỳ nhiều tiền mới dám nghĩ tới bóng đá đỉnh cao.
Từ chỗ chỉ là những người "tham gia", giờ đây chính các ông bầu nắm quyền điều hành, tổ chức cả nền bóng đá - Bầu Thắng ngồi ngay ngắn chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Công ty VPF (đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam). Quyền lực trước đây không phải là thứ mà bầu Đức theo đuổi, nhưng hiện tại, ông chủ HA.Gia Lai đang ngồi ghế phó ở cả VFF lẫn VPF... Ngay Chủ tịch VFF hiện tại, ông Lê Hùng Dũng cũng được biết nhiều với tư cách doanh nhân.
Nắm yết hầu của các đội bóng mà các đội bóng là thành tố làm nên cả nền bóng đá, nên mỗi quyết định của giới ông bầu cũng có ảnh hưởng lớn tới sân cỏ nội, từ ảnh hưởng tốt đến xấu. Tốt theo chiều hướng xã hội hóa thì ai cũng rõ, nhưng quyết định kiểu "thích thì chơi, thích thì nghỉ" cũng nhiều phen khiến cả làng bóng lao đao.
Cách làm bóng đá của giới ông bầu cũng gây nhiều tranh cãi khi mọi câu lạc bộ đều rất tích cực mua vào, khi đáng ra họ cần chú trọng khâu đào tạo, cho một chiến lược phát triển dài hơi và có căn cơ. Vấn đề là, tiền tiêu mãi cũng hết, khi bản thân bóng đá chưa nuôi được chính cơ thể mình. Trước cơn bão tài chính, cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng, một số ông bầu đã mỏi gối chùn chân là vì thế.
Thay cho lời kết
Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đang chuyển thành cuộc chơi của nhà giàu. Nhà giàu ở đây không hẳn là các ông bầu, mà còn là sự tung hứng, phối kết hợp giữa doanh nghiệp và địa phương (giàu). Về phương thức, nó không mới, nhưng bản chất thì khắc nghiệt hơn rất nhiều khi quyền lực dần chuyển dịch về phía nhóm lợi ích.
Đó là xu thế mang tính tất yếu, nhưng một nền bóng đá muốn phát triển thì rõ ràng, quyền lực không thể chỉ tập trung vào giới các ông bầu mà cần được dung hòa với nhiều thứ quyền lực khác, quyền lực từ các tổ chức quản lý, điều hành; quyền lực của người hâm mộ... tất cả những thứ quyền lực cần và đủ để phát triển một nền bóng đá quốc gia.
Nước sông không phạm nước giếng Bằng gói kích cầu U19 Học viện HA.GL Arsenal JMG, bầu Đức tiến thẳng lên chiếc ghế Phó chủ tịch VFF (phụ trách tài chính), để “hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Từ định hướng phát triển, đến tài chính và thậm chí việc dẫn dắt dư luận…, ba Đức quyết tất. Nhưng “những đứa trẻ của ba Đức” dưới màu áo Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM không được Bộ Giáo dục & Đào tạo cử tham dự Giải Sinh viên Đông Nam Á (tại Indonesia, tháng 12 tới đây). Rõ là “nước sông không phạm nước giếng”, khi đây là sân chơi phong trào, dành cho các Sinh viên đá bóng đúng nghĩa. |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần