Những cái tên kỳ lạ trên đỉnh V-League
Ngoại trừ Nam Định, những sự xuất hiện khác ở nhóm đầu V-League đều khiến người ta ngạc nhiên dựa trên đánh giá về lực lượng và sự ổn định nơi hậu trường của họ.
7 vòng đấu đã qua, vẫn chưa ai nhìn thấy CLB Hà Nội, Thể Công - Viettel hay CAHN ở đâu trên nhóm đầu V-League, vị trí vốn quen thuộc với họ trong nhiều năm, trừ CAHN, và lẽ ra phải sớm trở lại với họ dựa trên đánh giá về thực lực, nhân sự và kinh nghiệm dày dặn ở đấu trường quốc nội.
Thay thế họ là một loạt những bất ngờ. Ngoại trừ Nam Định vốn sở hữu lực lượng dày dặn các tuyển thủ quốc gia và ngoại binh giỏi, đầy chiều sâu và đang được đầu tư mạnh mẽ, 4 đội còn lại ở nhóm đầu gồm Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa và CLB TP.HCM đều có những vấn đề riêng, nặng nhẹ khác nhau nhưng đủ lớn để khiến làm ngạc nhiên tất cả bởi vị trí hiện tại của họ ở giải đấu.
CLB TP.HCM gây bất ngờ hơn cả khi đang đứng thứ 5 với 12 điểm, chỉ kém ngôi đầu 4 điểm. Đội bóng này từng đứng trên bờ vực thẳm do ảnh hưởng của nhà tài trợ, trải qua vô số biến động thượng tầng và hiện sở hữu lực lượng cực kỳ khiêm tốn.
Có số phận gần tương đồng nhưng khá hơn một chút là Bình Định, đội bóng cũng vừa thay nhà tài trợ và bị hút máu lực lượng hồi năm ngoái. Cả hai đều đang chơi rất tốt với những ông thầy vốn chỉ quen làm trợ lý và ngạo nghễ ở nhóm đầu.
Thanh Hóa khác nhóm này khi đã là một thế lực trong vài mùa giải gần đây. Tuy nhiên, việc chia tay Lê Phạm Thành Long cũng những sự đầu tư hạn chế khiến không nhiều người tin vào Thanh Hóa ở mùa bóng 2023/24. Đội bóng này còn đứng vững ở vị trí thứ 4 có lẽ nhờ công không nhỏ của HLV Velizar Popov với tài liệu cơm gắp mắm.
So với 3 đội bóng vừa qua, Bình Dương khá hơn hẳn khi đã nhận được đầu tư đáng kể trước mùa giải. Họ cũng có những chữ ký chất lượng như Quế Ngọc Hải hay Nguyễn Hải Huy. Tuy nhiên so với CAHN hay Hà Nội, chất lượng đội hình của Bình Dương vẫn còn kém khá xa.
Các đội bóng kể trên đều đang hưởng lợi trong một năm thi đấu quá dài của hệ thống bóng đá nội. Việc năm 2023 có hai mùa V-League liên tiếp và nhiều CLB như Hà Nội, Hải Phòng phải phân tâm cho mặt trận châu Á, tạo điều kiện cho nhóm đội phía sau bứt lên.
Có tình cờ không khi 3 ông lớn Hà Nội, Thể Công - Viettel và CAHN đều đang tụt lại phía sau cũng là 3 đội phải chơi nhiều trận bậc nhất trong 6 tháng qua?
Vòng 8 V-League vì thế sẽ tiếp tục là cơ hội cho nhóm các đội xếp sau. Nam Định hay Bình Định cần tận dụng tối đa giai đoạn gián đoạn này của V-League, tích lũy nhiều điểm số nhất có thể, bởi sau Asian Cup, hệ thống bóng đá nội sẽ vận hành liên tục trở lại.
Đó chính là quãng tăng tốc quen thuộc của các thế lực cũ mà Hà Nội là đại diện tiêu biểu.
Nhưng thời điểm đó vẫn còn cách 2 tháng nữa. Còn lúc này vẫn là thời của Nam Định hay Bình Định.