Những cái lắc đầu lạnh lùng và 'đòn cân não' trong màn chốt đàm phán Brexit
(Thethaovanhoa.vn) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc tối 16/10 với những cái lắc đầu lạnh lùng từ phía các nhà lãnh đạo EU về một thỏa thuận thương mại sau khi Vương quốc Anh rời khối (gọi là Brexit), cùng với việc để ngỏ lời mời London tiếp tục đàm phán. Đáp trả từ phía Anh là tuyên bố nếu EU không thay đổi quan điểm, các cuộc đàm phán thương mại giữa liên minh này và Anh sẽ kết thúc, đồng nghĩa sẽ không có thỏa thuận thương mại khi hết giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Thực tế thì EU và Anh đã không thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào đúng “thời hạn chót” ngày 15/10, như hai bên đặt ra trước đó.
Trong kết luận hội nghị, các lãnh đạo EU tái khẳng định giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc đúng vào ngày 31/12 tới. Đánh giá hai bên chưa đạt tiến bộ trong đàm phán về những vấn đề chính mà EU quan tâm, như đánh bắt cá và các nguyên tắc cạnh tranh, do chưa thể tìm được tiếng nói chung, các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ đạo trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier tiếp tục thảo luận với phía Anh và kêu gọi London có các động thái cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận thương mại. EU cũng tái khẳng định quyết tâm thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Vương quốc Anh.
Cùng với đó, Hội đồng châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên, các thể chế EU và tất cả các bên liên quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị và sẵn sàng ở tất cả các cấp cũng như cho mọi tình huống xảy ra, kể cả kịch bản "không thỏa thuận".
- Pháp đổ lỗi cho Anh khi đàm phán hậu Brexit rơi vào bế tắc
- EU sẽ không thỏa hiệp trước Anh để đạt thỏa thuận Brexit trong năm nay
- Vấn đề Brexit: Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2
Cùng ngày Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc, trong một cuộc phỏng vấn ngắn, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng theo kết luận của Hội đồng châu Âu, rõ ràng là EU không muốn đạt được với Anh một Thỏa thuận thương mại kiểu Canada (CETA). Theo Thủ tướng Johnson, vì chỉ còn 10 tuần là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và vì phía EU từ chối thảo luận nghiêm túc, nên ông kết luận nước Anh phải chuẩn bị vào ngày 1/1/2021 cho các thỏa thuận gần hơn với một thỏa thuận “kiểu Australia”, nghĩa là không có một thỏa thuận thương mại cụ thể.
Tuy nhiên, khi không đảm bảo có được các nhượng bộ mà Anh hy vọng từ phía Hội đồng châu Âu, ông Johnson đã không từ bỏ việc đàm phán như đã tuyên bố trước đây. Thủ tướng Anh cũng không hề đề cập đến bất kỳ ý định nhượng bộ nào. Dường như nhà lãnh đạo Anh muốn ám chỉ rằng nếu ông có dấu hiệu “không đóng cửa” với EU, phía EU sẽ quay lại với ông cùng những đề xuất kèm những thay đổi cơ bản.
Cũng như phía EU, Thủ tướng Anh cảnh báo với người dân rằng một thỏa thuận dường như ngày càng ít khả thi hơn và cần phải chuẩn bị cho điều này. Ông Boris Johnson cũng cố gắng tập hợp lực lượng bằng cách nhắc nhở rằng, dù sao đi nữa, những thay đổi vẫn là cần thiết ngay cả trong trường hợp có thỏa thuận, bày tỏ hoàn toàn tin tưởng rằng phương án thay thế không có thỏa thuận này sẽ được chấp nhận.
Tuy nhiên, kịch bản "không thỏa thuận" là phương án hai bên đều muốn tránh. Theo tính toán của tờ Financial Times (Anh), Brexit không thỏa thuận sẽ gây thiệt hại ngang nhau cho EU và Anh, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, Anh là bạn hàng lớn thứ ba của khối, chiếm 13% lượng giao dịch hàng hóa. Riêng với Anh, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại song phương, Brexit sẽ khiến Anh thiệt hại 3,9% GDP về lâu dài. Khi đó, nền kinh tế Anh được dự báo gánh chịu tổn thất lớn gấp 3 lần so với thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Giải quyết những bất đồng giữa EU và Anh về đánh bắt cá và trợ cấp nhà nước sẽ là chìa khóa để đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, quá trình này hiện đang trở thành một cuộc đàm phán giữa 27 chính phủ quốc gia thành viên EU - đặc biệt là giữa các cường quốc Đức và Pháp - cũng như giữa EU và Anh.
Yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về duy trì quyền tiếp cận hiện tại của Pháp đối với vùng biển đánh cá của Anh không những là trở ngại lớn nhất để đạt một thỏa thuận với London, mà còn vấp phải thái độ không đồng tình ngày càng tăng của các đồng minh trong EU. Đức đã gây áp lực buộc Pháp từ bỏ yêu cầu về đánh bắt thủy sản.
Tuy nhiên, ngay cả những nước không đồng ý với lập trường cứng rắn của Pháp cũng không sẵn sàng thỏa hiệp về đánh bắt cá cho đến khi Vương quốc Anh có nhượng bộ đáng kể trong vấn đề viện trợ nhà nước. Anh vẫn chưa làm như vậy, mặc dù các quan chức EU cho biết kết quả các cuộc đàm phán không chính thức cho thấy Anh đang dần chuẩn bị để đưa ra một đề nghị có thể chấp nhận được.
EU đã nhượng bộ về yêu cầu muốn Anh phải luôn tuân thủ các quy tắc của EU về viện trợ nhà nước, ngay cả khi các quy tắc trên có thể thay đổi trong tương lai. Nhưng EU muốn kế hoạch trợ cấp của London phải được một cơ quan quản lý độc lập giám sát, với người có thẩm quyền đưa ra các quyết định ràng buộc về pháp lý rất nhanh chóng. Một trong hai bên có thể trả đũa nếu các quy tắc bị phá vỡ, có thể theo từng lĩnh vực riêng biệt của hiệp định thương mại.
Những diễn biến trước, trong và sau cuộc đàm phán Brexit khiến dư luận liên tưởng rằng EU và Anh đang liên tục ra những "đòn cân não” nhằm ép đối phương nhượng bộ. Tuy nhiên, ngay cả khi đều công khai bảo vệ quan điểm của mình, mỗi bên phải chấp nhận những thỏa hiệp cần thiết để có thể đạt một thỏa thuận.
Phản ứng sau phát biểu của Thủ tướng Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU vẫn đang duy trì nỗ lực cho một thỏa thuận Brexit. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận thương mại, đồng thời cho rằng cả Anh và EU đều cần nhượng bộ để khai thông bế tắc trong đàm phán Brexit.
Tuần trước, nhà đàm phán của Anh David Frost cho biết ông sẵn sàng giảm nhẹ lập trường về viện trợ nhà nước cho các doanh nghiệp mà London muốn được hoạt động tự do, trước nguy cơ cạnh tranh với EU một cách không công bằng. Đáp lại, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU liên quan, nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tiết chế các yêu cầu về quyền đánh bắt cá.
Trong một cuộc trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã ngầm chỉ rằng ông tin hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, ngay cả khi các cuộc đàm phán có thể xấu đi. Ông nhấn mạnh kinh nghiệm cho thấy đôi khi vào giây phút cuối cùng, người ta lại có thể tìm ra giải pháp.
Dường như cả EU và Anh đều muốn kết thúc “vở kịch Brexit tồi tệ”. Một bước thỏa hiệp là có thể và một thỏa thuận là điều rất đáng được trông đợi, miễn là nó duy trì sự thống nhất của thị trường chung châu Âu và việc làm trên lục địa châu Âu. Nếu như vậy, hai bên có thể chấp nhận đưa ra các nhượng bộ có đi có lại, dù vẫn thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình. Thậm chí, có ý kiến cho rằng khi mối đe dọa của đại dịch COVID-19 đang một lần nữa lan rộng ở châu Âu và hơn 4 năm sau cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh, sẽ là “vô trách nhiệm” nếu hai bên cứ tiếp tục trò chơi cân não mà không mang lại kết quả khả quan nào. Trong một thế giới ngày càng bất ổn, EU không thể để kéo dài cuộc khủng hoảng Brexit, nhất là trong bối cảnh cả Anh và EU đang phải vật lộn chống lại đại dịch COVID-19 và tìm cách “cứu” nền kinh tế đã lâm vào tình trạng suy thoái chưa từng có.
Kim Chung/Phóng viên TTXVN tại EU