Những bước nhảy kết nối tình yêu Paris – Hà Nội
9 câu chuyên tình yêu đan xen nhau qua một hành trình khác biệt. Ở đó, quy tụ những trường phái ballet đặc trưng mà ballet Pháp đã tạo nên qua nhiều thế kỷ. Từ phong cách lãng mạn tinh tế và bay bổng của ballet cổ điển với những quy chuẩn đã trở thành ngôn ngữ ballet quốc tế như rond de jambe (vũ điệu xoay tròn), pas de bourrée (nhảy chân chéo)… cho đến phong cách ballet hiện đại, dù vẫn giữ những động tác căn bản nhưng lại có vẻ đẹp mạnh mẽ nồng nhiệt, thêm phần nổi loạn khai phá những phương diện và kỹ thuật mới làm thăng hoa ngôn ngữ nghệ thuật múa.
Tình yêu như chiếc quạt nan
Có sự khác biệt nào giữa ballet cổ điển và ballet đương đại? Nhà biên đạo múa lừng danh Alvin Ailey từng nói rằng “đó chỉ là vấn đề ranh giới của thời gian”. Nhưng biên đạo vĩ đại người Mỹ, Merce Cunningham đã nhấn thêm bằng câu nhận xét gây sửng sốt hơn “ballet đương đại đoạn tuyệt với những loại âm nhạc và vũ điệu làm giới hạn trí tưởng tượng của con người”.
Agnes Letestu, ngôi sao của Nhà hát Opéra quốc gia Paris
Cả 5 vở này đều là những tác phẩm ballet đương đại được đánh giá rất cao bởi nó lộ rõ khát khao trong việc đổi mới nghệ thuật múa hiện đại.
Chẳng hạn như vở Morel et Saint-Loup ou le combat des anges (Những nhịp đập gián đoạn của trái tim) ra đời vào năm 1974 được xem là một cuộc cách tân của biên đạo múa tài năng người Pháp Roland Petit. Ở đó, ngôn ngữ múa của anh mang đầy những biến tấu ngẫu hứng, khiến cho người xem khó thể đoán trước được sự tiếp nối biến đổi của các động tác.
Dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của văn hào Marcel Proust, vở ballet này được dàn dựng như một xâu chuỗi những cảm xúc và kỷ niệm, thể hiện một tình yêu vô bờ. Những vũ công mang đầy tinh thần phá cách trong lối chuyển động trong không gian với một chuỗi các bước đôi và những động tác kết hợp thực sự tuyệt vời, đôi khi lược bỏ quan điểm cân xứng đồng đều trong cách nhìn toàn cảnh, phá vỡ khuôn thước của hệ thống thứ bậc.
Ngôn ngữ hiện đại của ballet cho dù không từ bỏ nguồn gốc cổ điển nhưng càng ngày càng từ bỏ dần những ước lệ “kinh viện” để xây dựng một kiểu múa dựa vào cách thể hiện bằng thân thể. Đó được xem là một thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ múa biểu cảm đầy sức tuỏng tượng.
Điều này sẽ thấy rõ ở vở In the night (Trong đêm tối), một vở ballet lãng mạn được biên đạo múa danh tiếng người Mỹ, Jerome Robbins, sáng tác năm 1970 trên nền nhạc Bốn dạ khúc của Chopin.
Sự tài tình của Robbins ở chỗ, ông sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ đương đại mới mẻ mà có người ví như hình hài của một chiếc quạt nan. Một khi xếp lại, tác phẩm trong tổng thể có lối dẫn dắt trung thành với tuyến truyện, đến khi xòe ra, nó lại thể hiện cho một góc nhìn mở rộng, phong phú trong cách dùng chi tiết. Chi tiết “xòe” ấy thể hiện rõ ở đoạn cao trào khi khi ba cặp đôi gặp nhau trong một mối tương tác đặc biệt căng thẳng do tình cảm và tâm thế của mỗi người.
Robbins lược qua chiếc khung hình thức cổ điển là cốt truyện để nhấn mạnh tính biểu cảm của ngôn ngữ cơ thể như là một mục tiêu quan trọng nhất để diễn tả sắc thái tâm hồn con người.
Sắc thái này sẽ tiếp tục được thể hiện ở hồi cuối của vở Les enfants du paradis (Những đứa trẻ thiên đường) khi hai nhân vật chính rơi vào cảnh chia ly. Những bước nhảy đôi đầy ám ảnh khiến người xem không còn cảm giác về mọi thứ xung quanh, ánh sáng gần như không còn hiện hữu, cảm xúc trào ra liên tục, năng lượng như thể bị dồn ép và cuối cùng được giải phóng cực kỳ mạnh mẽ.
Đây là vở được dàn dựng tại Nhà hát Opéra quốc gia Paris vào năm 2008 với sự tham gia của 2 ngôi sao sáng, José Martinez và Agnès Letestu. Các bước nhảy của họ cho dù vẫn dựa trên kỹ thuật chân cổ điển nhưng phương pháp chuyển động là không thể đoán trước, cử động rất nhiều, liên tục với tốc độ lớn cùng sự thay đổi nhịp điệu, phương hướng và sáng tạo tự do.
Agnès Letestu là một vũ công ngôi sao của Nhà hát Opéra quốc gia Paris, cô nổi tiếng với phong cách nhảy dựa trên sự chuyển động của cơ thể, sử dụng chúng để bộc lộ niềm đam mê. Ở trong vở Non, Je ne regrette rien (Không, em không tiếc gì), Letestu đã tái hiện lại cuộc đời đầy bão táp và những dư vị hạnh phúc ngắn ngủi của huyền thoại nước Pháp, Edith Piaf. Ở đó, quá khứ đau buồn, tốt xấu đan xen, những kỷ niệm, những mối tình, những nỗi buồn và cả những sự buông thả đã được Letestu thể hiện với những bước chuyển mê hồn.
Màn chuyển động của cơ thể của cô được xem như tái hiện lại một biểu tượng của Paris, nơi từng có những niềm đam mê, sự lãng mạn tinh tế cuộn tròn trong tình yêu…
Còn vở Le parc của Angelin Preljocaj là mộg vũ điệu với một phong cách đặc biệt rất trữ tình và đầy gợi cảm. Ở đây, phần múa do vũ công ngôi sao của Vũ đoàn ballet Nhà hát Opéra de Paris, Alice Renavand và bạn múa của cô, vũ công hàng đầu cùng nhà hát, , Florian Magnenet, cũng nhảy bước đôi trên nền nhạc tuyệt vời của khúc Adagio Concerto cho piano số 23 của W. A. Mozart.
Vũ điệu của những đôi chân
Ông Frederic Fontan, Giám đốc Nghệ thuật của đêm diễn Paris Ballet đã nói rằng những ngôi sao hàng đầu từ đến từ các nhà hát hàng đầu thế giới sẽ đưa công chúng du ngoạn từ tình yêu này đến tình yêu khác, từ Paris đến Hà Nội – bằng những bước nhảy tuyệt vời.
Hai ngôi sao của Nhà hát Opéra quốc gia Paris sẽ đến Việt Nam công diễn lần đầu tiên vào ngày 11/6 tới, Jose Martinez và Letestu
Sự tuyệt vời của họ đã được chứng minh bằng thời gian qua những vở ballet đương đại danh tiếng. Nhưng bên cạnh đó, những trích đoạn kinh điển cũng đã chứng thực tài năng của họ.
Trong dịp đến Việt Nam lần này, ngoài những vở ballet đương đại đã từng gây chú ý rất lớn tại nhiều nơi trên thế giới, Paris Ballet cũng sẽ trình diễn lại trích đoạn của 4 vở nổi tiếng: Carmen, Kẹp hạt dẻ, Giselle và Don Quichotte.
Nhà tổ chức cho biết họ sẽ trích những đoạn hay nhất của từng vở để biểu diễn. Ở Carmen sẽ là cảnh cuối vốn thấm đẫm cao trào, thách thức và đầy mâu thuẫn khi nàng Carmen từ chối tình yêu của chàng Don Jose để đi theo niềm say mê mới.
Trong khi đó, vở Kẹp hạt dẻ, một tuyệt tác của Tchaikovski, một cuộc cách mạng trong ballet lãng mạn, sẽ được tập trung vào cảnh ở Vương quốc Thần tiên, nơi Clara và Kẹp Hạt Dẻ (hóa thành chàng Hoàng tử) được Bà tiên Dragée, cùng đoàn tùy tùng chào đón. Yến tiệc linh đình và lễ hội bắt đầu, những vũ điệu hân hoan nhất được biểu diễn trước điệu valse cuối cùng.
Một đỉnh cao khác của ballet lãng mạn chính là Giselle, một tác phẩm được Adolphe Adam sáng tác vào năm 1841. Thành công của Giselle là nhờ nó có cấu trúc chặt chẽ hơn bất kỳ vở ballet cổ điển nào, bởi sự cân đối đến mức hoàn hảo giữa âm nhạc, vũ đạo.
Sự hiện diện của những đôi chân tuyệt vời trong chương trình Paris Ballet sắp tới chắc chắn là một điều đáng để mong chờ với công chúng mộ điệu ballet. Sau thành công của những vở múa đương đại quốc tế torng vài năm gần đây, từ kinh điển của Tchaikovski đến phá cách đương đại của Stravinsky hay trình diễn với kỹ thuật đa phương tiện… thì công chúng Việt Nam ngày càng được ngồi gần hơn với những giá trị đỉnh cao của ballet quốc tế.
Nhà tổ chức cũng hy vọng rằng chương trình Paris Ballet lần này sẽ giúp công chúng Việt Nam trải nghiệm thêm những thiên hà của Ballet, sẽ cảm nhận bằng trái tim mình tình yêu đích thực qua nghệ thuật ballet và vũ điệu của những đôi chân.
PARIS BALLET par VPBANK
Nằm trong khuôn khổ chuyến lưu diễn toàn cầu của Paris Dance Galaxy, với sự dẫn dắt của Đạo diễn nghệ thuật Frédéric Fontan, PARIS BALLET PAR VPBANK công diễn một đêm duy nhất vào 20h ngày 11/6 tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia – Mỹ Đình- Hà Nội.
Nhà sản xuất: OPAL Việt Nam
Nhà tài trợ chính: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank
Đơn vị bảo trợ: Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam.
Các nhà tài trợ khác: Tổng công ty bảo hiểm PVI, Vietnam Airlines, Bentley, Hanoia, khách sạn Sofitel Metropole.
Thông tin thêm về chương trình xin truy cập tại Website: http://paris-ballet.vn;
Fanpage: https://www.facebook.com/parisballethanoi