Những bức tượng và chân dung Bác Hồ ở Mexico
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những bất ngờ thú vị đối với tôi trong chuyến du lịch mới đây sang Mexico là ở đất nước Trung Mỹ cách Việt Nam nửa vòng trái đất, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với người dân của nước này, như bức tượng Bác Hồ ở Công viên Tự do của các Dân tộc nằm cách Quảng trường Hiến pháp Zocalo ở trung tâm thủ đô Mexico chưa đầy 1km.
Chính quyền thành phố Mexico và Đại sứ quán Việt Nam chắc chắn đã nghiên cứu rất kỹ khi chọn Công viên Tự do của các Dân tộc để đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đầu năm 2009, bởi vì ngoài cái tên mang khát vọng tự do và đoàn kết quốc tế nói trên, công viên còn nằm trong một khu phố đông đúc.
“Người không ngồi trên chiếc ghế cao của quyền lực”
Bức tượng Bác cũng thật giản dị như tính cách của Người. Đó là một bức tượng đồng toàn thân, được làm theo bức ảnh mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp khi Bác Hồ đang đọc báo tại vườn Phủ Chủ tịch năm 1960.
Bác ngồi đó, trên một chiếc ghế mây, trước mặt là một xếp báo đặt trên một chiếc bàn nhỏ, cũng bằng mây tre, một loài cây thân thuộc nhất đối với người dân Việt Nam. Người không mặc complet, không đi giày, mà mặc một chiếc quần kaki và một chiếc áo dài tay giản dị, cùng một đôi dép cao su gắn bó với Người trong suốt cuộc hành trình đi tìm độc lập và tự do cho đất nước.
Điểm khác biệt duy nhất so với bức ảnh mà nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã chụp là có thêm một chiếc ghế mây khác đặt đối diện với Bác, điều được nhà điêu khắc Pedro Ramirez Ponzamelli, người đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải thích là để “người dân có điều kiện nói chuyện, tâm sự nhiều hơn với Bác Hồ”.
Đằng sau tượng Bác là một bức tường hình vòng cung cao gần 4m, làm bằng đá hoa cương trắng tinh khiết, trên ghi lời phát biểu bất hủ của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Tây Ban Nha (Nada es mas precioso que la independencia y la Libertad). Hai bên cạnh bức tường là những bụi tre xanh ngắt, trong khi đường dẫn đến tượng đài và trong khuôn viên tưởng niệm là những loài cây thân thuộc như dâm bụt, cam, quýt, bưởi.
Không phải ngẫu nhiên mà khi đến thăm tượng đài Bác Hồ ở Công viên Tự do của các Dân tộc, một nhà văn Mỹ La tinh đã phát biểu: “Bác Hồ ngồi đó, không phải trên chiếc ghế cao của quyền lực. Người ngồi đó gần gũi, trong lòng những người lao động” - như lời kể của tiến sĩ Hồ Quang Minh, điều phối viên của Dự án hợp tác châm cứu Việt Nam - Mexico.
Hôm tới thăm tượng đài, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một cụ già ngồi vào chiếc ghế mây đối diện với Bác Hồ, với khuôn mặt có phần thắc mắc. Thấy tôi đặt hoa lên bàn làm việc của Bác Hồ, cụ ý tứ rời khỏi chỗ ngồi để tôi viếng Bác. Xong xuôi, cụ tiến lại gần và hỏi: "Tại sao “cụ” là lãnh tụ của một nước mà ăn mặc giản dị thế, lại còn đi dép cao su nữa?”.
Bị hỏi bất ngờ, tôi chỉ biết trả lời: “Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi là một người rất gần gũi với người dân lao động, suốt cuộc đời sống “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Cụ già gật gù đáp: "Ra thế, giống như Tổng thống Mujica ở Uruguay, cũng liêm khiết lắm".
Nhìn qua tôi thấy có rất nhiều người dân địa phương đang ngồi nghỉ ở khu vực xung quanh tượng đài, người thì ngắm bức tượng, người khác chăm chú đọc hai hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất” gắn trên bức tường hình cung.
Trường đại học lớn nhất Mexico có giảng đường Hồ Chí Minh
Một ngày trước khi rời Mexico, tôi được tiến sĩ Hồ Quang Minh dẫn đi thăm Trường Đại học Quốc gia Tự Trị Mexico (UNAM), nơi có một giảng đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã thực sự bị choáng ngợp trước quy mô to lớn của UNAM, được đánh giá là một trong 30 trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trường, tiến sĩ Hồ Quang Minh vừa giới thiệu: "Bây giờ chúng ta đi thẳng tới Khoa Kinh tế, nơi có giảng đường mang tên Bác, sau đó trở lại ra ô tô để thăm các nơi khác, chứ đi bộ thì cả ngày cũng chả hết, bởi UNAM có tới trên 1.000 ngôi nhà, trên 20 khoa, 17 viện nghiên cứu, 138 thư viện với trên 5 triệu cuốn sách. Riêng số giảng viên đại học đã có tới 39.000 người, còn sinh viên lên tới trên 320.000 người. Là trường công, nhưng UNAM lại được hưởng quy chế tự trị".
Sau khi đi qua nhiều tòa nhà, cuối cùng chúng tôi cũng tới được nơi mình muốn thăm. Trước cửa giảng đường Hồ Chí Minh là một sảnh rộng hàng trăm mét vuông, với rất nhiều quầy sách về kinh tế. Thấy có khách Việt Nam đến thăm, người phụ trách trông coi giảng đường tươi cười mở cửa mời chúng tôi vào. Chúng tôi đều xúc động khi thấy một bức chân dung rất đẹp của Bác Hồ - do một sinh viên người Mexico tên là Falcon vẽ năm 1968 - được đặt trang trọng ở bức tường sau bục giảng.
Hai pho tượng Bác ở phố biển Acapulco và trong lòng ĐSQ Việt Nam
Ở Mexico còn có hai bức tượng Bác Hồ nữa: một ở thành phố biển Acapulco và một nằm trong khuôn viên của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô, đều là tượng bán thân bằng đồng rất đẹp.
Acapulco là thành phố du lịch nổi tiếng của bang Guerrero, cách thủ đô Mexico trên 300km về phía Tây Nam. Tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành năm 2009 và được đặt trang trọng dưới bóng mát của một hàng cây cau vua, đối diện với tượng đài người anh hùng dân tộc châu Mỹ La tinh, Simon Bolivar, trên đại lộ Miguel Aleman, đại lộ lớn nhất của thành phố có gần một triệu dân này.
Và trong ngày cuối cùng ở Mexico, tôi đã có dịp đến thắp hương tại Bàn thờ và tượng đài Bác Hồ trong tại ĐSQ Việt Nam ở Mexico. Tượng Bác, khánh thành vào ngày 18/9/2015, được đặt trong một khu vườn rất đẹp, dưới bóng một cây cọ tán lá xum xuê, bên cạnh là hai cây vạn tuế xanh tốt.
Trước mặt tượng đài là một đài phun nước. Đằng sau là một bức tường cũng chen đầy hoa lá. Có rất nhiều cây mới đang được trồng, trong đó có cả cây mít do vợ chồng Tiến sĩ Hồ Quang Minh - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lan dâng tặng.
Cả khu vườn tràn ngập màu xanh và hoa lá của các loài dâm bụt, hoa giấy và cây ăn quả, chứng tỏ có bàn tay chăm chút tỉ mỉ của chủ nhân ngôi nhà, bà Đại sứ Lê Linh Lan và ê-kíp làm việc của mình.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan, Đại sứ Lê Linh Lan vừa giới thiệu: "Bàn thờ và tượng Bác Hồ là nơi để anh em trong sứ quán, người Việt ở Mexico và bạn bè quốc tế đến thăm, nói chuyện về đất nước, con người Việt Nam, về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh".
Tuy đã rời Mexico, nhưng những hình ảnh về những bức tượng và chân dung của Bác Hồ cùng những con người Việt Nam và bạn bè ở xứ sở này, vẫn đọng lại trong trí nhớ tôi, với nỗi nhớ khôn nguôi.
Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa