Những bức thư tình... trên đất nước của những Juliet
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh của nàng Juliet cũng trường tồn như vở bi kịch đã viết tên cô và chàng Romeo của William Shakespeare. Trên thực tế, nàng mãi mãi không già. Vẫn có những cuốn sách, bộ phim, những câu nói nhắc đến tên nàng và chàng Romeo. Nàng sống mãi trên mảnh đất này, nơi đã sinh ra những huyền thoại về nàng, và cả thánh Valentino, thánh tình yêu.
Kể từ sau khi bộ phim Letters to Juliet được chiếu trên thế giới vào năm 2010, đã có bao nhiêu đôi uyên ương, hoặc những người độc thân đang tìm kiếm tình yêu, hoặc mới đánh mất tình yêu, tìm đến nhà nàng Juliet ở Verona, để gắn lên những bức tường quanh đấy những lá thư, những thông điệp tình yêu?
Không có con số chính xác nào được đưa ra sau đấy, nhưng những người chuyên trả lời những lá thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về "Juliet, Verona" mà không cần ghi thêm gì nữa, dù chỉ là một dòng địa chỉ, khẳng định rằng, số lượng thư và bưu thiếp gửi về cho họ tăng vọt.
Bà Giulia Tamassia, Chủ tịch Câu lạc bộ Juliet, khẳng định rằng, những người tình nguyện viên trong câu lạc bộ đã làm việc liên tục ngày đêm để trả lời không sót một lá thư nào gửi từ năm châu bốn biển đến với nàng. Những lá thư ấy nói lên tâm trạng của rất nhiều chàng trai và cô gái (chủ yếu là các cô gái) bày tỏ với Juliet về những rắc rối họ gặp phải khi sắp yêu, đang yêu hoặc hết yêu. Không ít trong số đó là những bức thư đẫm lệ và đau khổ.
Những bức thư được đọc, được trả lời cẩn thận, với chữ kí cuối thư bao giờ cũng là "Juliet", có thể được coi là một trong những lí do khiến một hình tượng văn học này ngày càng trở nên hư ảo và lãng mạn, dù thế giới đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến và chủ nghĩa tiêu thụ đang gặm nhấm tình cảm con người.
Letters to Juliet trên thực tế đã nói lên đúng những gì đang xảy ra hàng ngày với Câu lạc bộ Juliet. Sophie (Amanda Seyfried đóng), một cô gái người Mỹ đầy lãng mạn, đã phải đi một mình đến nhà nàng Juliet chỉ vì người yêu của cô, một đầu bếp đầy tham vọng, không có nhiều thời gian cho cô. Trong chuyến đi ấy, cô gặp một nhóm những phụ nữ tình nguyện tối tối vẫn đi lượm những lá thư mà khách du lịch và các đôi uyên ương đã để lại trong sân nhà của nàng Juliet, dưới cái ban công trứ danh mà Romeo đã lần đầu tiên tỏ tình với nàng trong một đêm tuyệt đẹp. Thế rồi, tình cờ cô tìm thấy trên bức tường nhà Juliet bức thư mà một cô gái người Anh đề cập đến mối tình đầu với một chàng trai người Ý tên Lorenzo. Bức thư được găm vào đó từ nửa thế kỉ trước. Sophie quyết định đi tìm người phụ nữ ấy. Cô gặp bà, và cuối cùng, như trong truyện cổ tích, những con đường nước Ý đưa bà đến Lorenzo sau hơn 50 năm xa cách, đồng thời đưa chính Sophie đến với chàng hoàng tử của mình, chính là cháu trai của người phụ nữ kia.
Người ta bảo rằng, phim khác với đời thực, nhưng chẳng ai quan tâm. Sự lãng mạn của phim Letters to Juliet cùng những bộ phim về tình yêu lứa đôi có cảnh quay ở Italy, đã khiến không ít người lên đường đến Verona, biến thành phố miền Bắc Italy này trở thành một nơi hành hương cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu. Và việc viết thư cho nàng Juliet, hoặc gửi qua đường bưu điện, hoặc đến tận nhà nàng, dán lên những bức tường, đã trở thành một điều gần như bắt buộc, giống như những người Công giáo vẫn hay làm dấu thánh mỗi khi đứng trước bàn thờ Chúa.
Những lá thư dán lên tường nhiều đến mức, chính quyền thành phố đã có sáng kiến giúp những đôi uyên ương gửi thông điệp tình yêu qua mạng internet. Vô ích. Người ta vẫn thích viết thư tay hơn. Verona cũng tìm cách khuyến khích các du khách đến đây sử dụng mạng xã hội nhiều hơn để bày tỏ tình cảm với nhau, thay vì hàng ngày buộc những bức tường ở nhà Juliet dầy thêm những mẩu giấy. Không hiệu quả. Vì có lẽ, những lời tỏ tình bằng chữ chân thành hơn là những thông điệp số hóa?
Có lẽ thế. Và cũng không nhiều người ngạc nhiên khi người ta tìm thấy phía trong bức tượng đồng Juliet đặt ở sân nhà nàng hàng trăm lá thư, hoặc tỏ tình, hoặc cầu mong hạnh phúc, tình yêu, thậm chí cả những yêu cầu được nàng Juliet phù hộ để có thể có con, cùng những bưu thiếp và rất nhiều chiếc chìa khóa tình yêu mà hàng nghìn người đã nhét vào qua nhiều năm tháng.
Bức tượng nổi tiếng được nhà điêu khắc Nereo Costantini hoàn thành vào năm 1969 và đặt ở đây từ đó đến giờ đã bị hư hại vì nhiều lí do khác nhau: Thời gian, mưa, nắng. Nhưng điều đáng chú ý là một bên ngực phải của bức tượng đã mòn vẹt bởi hàng triệu bàn tay đã vuốt lên đây trong suốt gần nửa thế kỉ. Người ta quan niệm rằng, cứ đến đây, đặt tay lên ngực của nàng là sẽ có may mắn trong cuộc sống và tình yêu. Bây giờ, bức tượng ấy không còn được đặt ở ngoài sân nhà Juliet nữa. Nó đã được đưa vào trong nhà nàng và thay vào chỗ ấy là bản sao của bức tượng.
Không phải ai cũng biết bức tượng đặt ở đó bây giờ là bản sao. Nhưng bản sao hay bản chính của bức tượng thực ra cũng chẳng quan trọng với hàng triệu lượt du khách đến đây mỗi năm, đứng chen chúc dưới mảnh sân nhỏ, chạm tay vào ngực phải của bức tượng, và rồi ngước mắt lên nhìn cái ban công trứ danh đã đi vào lịch sử của tình yêu nhân loại.
Cưới nhau ở ban công ấy cũng là điều mà không ít người muốn thực hiện. Bởi đấy là lãng mạn, là sống và yêu như Romeo và Juliet, là thi vị hóa cuộc tình. Báo chí viết rằng, 14/2 hàng năm là dịp mà người ta đăng kí tổ chức nhiều đám cưới nhất. Hôm ấy là ngày hội Tình yêu ở Verona. Trong một thời đại mà sự lãng mạn trong tình yêu của người này có thể làm giàu cho những người khác (dịch vụ bán khóa, bán chocolate hay thêu tên vào những trái tim vải ở quanh nhà nàng Juliet) rất phát đạt, thì việc những cặp đôi có "hộ khẩu" ở Verona phải bỏ ra 600 euro để được cưới ở ban công nhà Juliet là chuyện rất bình thường. Những ai không sống ở Verona sẽ phải thêm một ít nữa cho chi phí. Cụ thể, người Italy không ở Verona phải chi thêm 100 euro nữa, những người đến từ các nước Châu Âu thuộc EU sẽ tốn 800 euro, trong khi những người ở các nước ngoài EU muốn cưới ở đây phải chi ít nhất 1.100 euro. Có quá nhiều không? Chắc chắn là không. Lãng mạn đâu cần phải quá tính toán! Một thống kê mới công bố gần đây ở Ý cho thấy, dịch vụ kết hôn cho người nước ngoài đang ngày càng phát đạt, trong một thị trường bùng nổ từ 30% đến 40% mỗi năm.
Nhưng đó là nói đến các đôi uyên ương nước ngoài. Trên đất nước của Juliet, người Ý nghĩ ra sao và yêu nàng đến mức nào? Năm ngoái, một serie phim truyền hình phát trên kênh Canale 5 đã gây sốt chỉ vì một câu nói liên quan đến Giulietta (tên của Juliet trong tiếng Ý). Diễn viên Alessandra Mastronardi có một câu thoại, rằng "Mọi diễn viên nữ đều mơ được đóng vai nàng Giulietta". Sự thật là vậy.
Và Giulietta cũng là tên của một dòng xe cực kì nổi tiếng trên mảnh đất hình chiếc ủng. Đấy là dòng xe được hãng Alfa Romeo (à, Romeo!) chế tạo và cho đến giờ, là một trong những dòng bán chạy nhất trong lịch sử ở Italy. Xuất hiện lần đầu từ nhiều thập kỉ trước, Giulietta được cho là cái tên lãng mạn nhất trong các tên xe ô tô ở Italy. Kĩ sư Nicola Romeo, người đã đăng kí tên Giulietta cho dòng xe này, cũng là một người rất lãng mạn, đã tuyên bố rằng, mọi chàng Romeo đều mơ được yêu và sống vì những nàng Giulietta. Sống, chứ không phải chết trong bi kịch của họ, và thật hay, là ông kĩ sư có họ Romeo. Và thế là một huyền thoại xe hơi của Italy đã ra đời như thế đấy, dưới ban công nhà nàng...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)