Những bộ phim sinh tồn - giải đố không thể bỏ qua nếu bạn thích Alice in Borderland
Mê mẩn với những trò chơi sinh tử trong Alice in Borderland, dưới đây là những bộ phim dành cho bạn.
Vào ngày 22/12 vừa qua, Netflix đã ra mắt mùa phim thứ 2 của series ăn khách Alice in Borderland (Thế giới không lối thoát). Và chỉ vài ngày sau khi lên sóng, bộ phim này đã nhanh chóng đứng đầu danh sách những tác phẩm thu hút nhiều người xem nhất trong tuần vừa qua tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Alice in Borderland được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên tác giả Aso Haro, xoay quanh hành trình khám phá một thế giới kỳ lạ của cậu thanh niên nghiện game Arisu. Để sống sót trong thế giới này, Arisu phải trải qua những trò chơi sinh tử với thể loại và cấp độ được sắp xếp theo thứ tự những lá bài tây.
Trong mùa đầu tiên, Arisu đã chinh phục toàn bộ các thử thách đánh dấu theo lá bài số (từ lá Ace đến lá 10). Và trong lần trở lại này, anh chàng sẽ phải đối mặt với những màn chơi khó hơn rất nhiều, được đánh dấu theo những lá bài hình (J, Q, K), với hy vọng có thể trở lại thế giới bình thường trước đây của mình sau khi thu thập đủ bộ bài tây.
Trên thực tế, thể loại phim hành động kết hợp giải đố, sinh tồn không còn quá xa lạ đối với khán giả toàn cầu. Và nếu như bạn yêu thích những màn chơi sinh tử gay cấn, hồi hộp giống như trong Alice in Borderland, dưới đây là một số cái tên rất đáng để cân nhắc.
Squid Game
Khi ra mắt trên Netflix vào tháng 9/2021, Squid Game đã tạo nên một cơn sốt khủng khiếp trên quy mô toàn cầu và nhanh chóng đi vào lịch sử với tư cách là series phim không nói tiếng Anh ăn khách nhất của nền tảng streaming này. Không những vậy, Squid Game còn tạo ra rất nhiều xu hướng mới tại thời điểm lúc bấy giờ, ví dụ như bộ đồng phục xanh lá đặc trưng của người chơi hay những chiếc mặt nạ in biểu tượng vuông, tròn, tam giác.
Trên thực tế, Squid Game đã nhiều lần được đặt lên bàn cân với Alice in Borderland bởi những nét tương đồng trong ý tưởng kịch bản. Trong Squid Game, 456 người chơi sẽ được đưa lên một hoang đảo biệt lập để cùng tham gia những thử thách sinh tử, được lấy cảm hứng từ những trò chơi dân gian của Hàn Quốc. Sẽ chỉ có 1 người thắng cuộc duy nhất, với phần thưởng bao gồm 45,6 tỷ won tiền mặt và mạng sống của họ.
As the Gods Will
Tương tự như Alice in Borderland, As the Gods Will cũng là một tác phẩm đình đám của Nhật Bản, được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Muneyuki Kaneshiro và Akeji Fujimura. Bên cạnh yếu tố giải đố - sinh tồn, bộ phim này còn đặc biệt lôi cuốn khán giả nhờ những chi tiết kinh dị nhuốm màu siêu nhiên, kỳ bí.
Nhân vật chính của phim là Shun Takahata, một học sinh trung học bình thường, có một cuộc sống tẻ nhạt và chỉ biết tìm kiếm niềm vui cho bản thân thông qua những tựa game bạo lực. Tuy nhiên, bằng một cách thần bí nào đó, cậu và bạn bè cùng lớp bỗng bị cuốn vào hàng loạt trò chơi chết người, được mô tả giống như thử thách từ những “vị thần”. Và giống như Alice in Borderland hay Squid Game, chỉ những người thắng cuộc mới được bước sang màn chơi tiếp theo và có cơ hội thoát khỏi nanh vuốt của tử thần.
Các trò chơi của As the Gods Will cũng khá phong phú và đa dạng, thường mang nhiều yếu tố văn hóa của Nhật Bản, đòi hỏi cả về trí lực lẫn thể lực của người chơi. Tuy nhiên, vì ra mắt từ gần 10 năm trước nên đôi khi, một số cảnh kỹ xảo của bộ phim này vẫn còn khá “giả trân” và không được nịnh mắt người xem như Alice in Borderland.
Battle Royale
Thêm một tác phẩm khác của Nhật Bản xuất hiện trong danh sách này. Battle Royale là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Koushun Takami, và có thể coi là người tiên phong cho thể loại nội dung “đấu trường sinh tử”.
Bộ phim này xoay quanh cuộc chiến sinh tồn giữa 1 nhóm học sinh trung học trên 1 hoang đảo, và họ buộc phải tàn sát lẫn nhau cho đến khi chỉ còn 1 người duy nhất sống sót. Điều này đã dẫn đến những màn đối đầu căng thẳng cả về thể chất lẫn tâm lý của những người tham gia, đồng thời cũng khắc họa rõ nét bản chất của con người khi lợi ích và mạng sống của bản thân bị đe dọa.
Dù đã ra mắt từ hơn 2 thập kỷ trước, thế nhưng Battle Royale vẫn được xem là tượng đài, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm “đấu trường sinh tử” sau này. Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến bộ tiểu thuyết The Hunger Games của Suzanne, hay những tựa game đình đám như PUBG hay Fortnite.
Circle
Circle có bối cảnh và quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những tác phẩm trên đây, thế nhưng bộ phim của Mỹ vẫn có thể tạo được sức hút cho riêng mình nhờ màn chơi độc đáo, đánh vào tâm lý của những người tham gia. Nói một cách dễ hiểu nhất, Circle có thể xem như một trò chơi thuộc chất Cơ trong Alice in Borderland vậy, bởi nó đòi hỏi người chơi phải biết quan sát, nắm bắt suy nghĩ, tâm lý của người khác.
Circle xoay quanh câu chuyện của 50 người khác nhau, bị bắt cóc và đưa đến 1 phòng hành hình công nghệ cao. Tại đó, họ phải xếp thành vòng tròn để thảo luận và đưa ra lựa chọn nạn nhân cho mỗi vòng chơi cho đến khi chỉ còn lại duy nhất một người sống sót. Số lượng người chơi càng giảm dần, độ căng thẳng lại càng tăng cao, và bất kỳ ai muốn giữ mạng sống của mình cũng phải tìm mọi cách, dù là tàn nhẫn nhất, để triệt hạ người khác.
3%
3% là một series giải đố - sinh tồn của Brazil, lấy bối cảnh tương lai tại Sao Paulo với sự phân hóa giàu - nghèo rõ rệt. Những người có điều kiện sẽ được sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ, thoải mái tận hưởng trên hòn đảo Offshore. Trong khi đó, những người còn lại phải chịu cảnh nghèo đói ở vùng đất Inland xa xôi, cằn cỗi.
Những thanh niên 20 tuổi có thể tìm cơ hội đổi đời cho bản thân bằng cách tham gia loạt thử thách có tên The Process và giành chiến thắng để được tận hưởng vinh hoa phú quý tại Offshore. Những thử thách này khá đa dạng và được chia thành nhiều cấp độ, đôi khi chỉ đơn giản là những bài phỏng vấn vô thưởng vô phạt, nhưng cũng có lúc lại đòi hỏi họ phải căng não phá án hay vượt qua ảo giác do các loại khí gas đặc biệt gây ra.
Thông thường, chỉ có 3% người tham gia thành công chinh phục The Process. Những người còn lại, nhẹ thì phải quay về sống tìm cách sinh tồn trên vùng đất Inland cằn cỗi, và nặng thì mất luôn cả mạng sống của mình.
Liar Game
Giải đố - sinh tồn có thể coi là sở trường của điện ảnh và truyền hình Nhật Bản, với hàng loạt tác phẩm lớn đã gây tiếng vang trên thế giới. Một trong số đó chính là Liar Game, bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Shinobu Kaitani.
Series này xoay quanh Kanzaki Nao, một cô gái thật thà nhưng vô tình bị cuốn vào Liar Game Tournament, một giải đấu của sự dối trá và lọc lõi. Mỗi người tham gia sẽ được phát số vốn trị giá 100 triệu yên, và nhiệm vụ duy nhất của họ là phải tìm mọi cách lừa gạt, chiếm đoạt số tiền của đối thủ.
Sau khi kết thúc, những người thua cuộc sẽ trở thành con nợ của những người đã lừa tiền họ và phải chịu hình phạt tùy theo mức độ khác nhau. Chính sự đối nghịch trong tính cách của nhân vật chính với bản chất của trò chơi này đã tạo nên điểm nhấn và sức hút khó cưỡng cho Liar Game tại thời điểm ra mắt.
The Hunger Games
Loạt phim The Hunger Games từng khuấy đảo thị trường điện ảnh thế giới vào đầu những năm 2010 nhờ ý tưởng đấu trường sinh tử đầy hấp dẫn, cùng với đó là dàn sao tài năng, bao gồm Jennifer Lawrence, Josh Hutcherson, Liam Hemsworth hay Stanley Tucci.
Lấy bối cảnh tại quốc gia hư cấu Panem, The Hunger Games xoay quanh cuộc tử chiến giữa 24 đại diện đến từ 12 quận khác nhau trong 1 môi trường ảo được điều khiển bằng công nghệ cao và phát sóng cho những người ngoài cuộc theo dõi. Họ sẽ được cung cấp vũ khí, trang bị đầy đủ, có thể hợp tác cùng nhau để triệt hạ những đối thủ khác và giành lợi thế cho bản thân. Tuy nhiên, cũng tương tự như các tác phẩm trên đây, sẽ chỉ có 1 người duy nhất sống sót mà thôi.
Escape Room & Escape Room: Tournament of Champions
Hai bộ phim Escape Room được lấy cảm hứng từ dạng game giải đố trong phòng kín đời thực, vốn đã không còn quá xa lạ đối với nhiều người trên thế giới. Trong dạng game này, người chơi sẽ được đưa vào trong 1 không gian kín, thường là một căn phòng, và buộc phải lục tung mọi nơi để tìm ra manh mối giúp họ mở khóa phòng tiếp theo trong 1 khoảng thời gian giới hạn.
Khi bước lên màn ảnh lớn với Escape Room và Escape Room: Tournament of Champions, thể loại trò chơi này đã được điện ảnh hóa để trở nên gay cấn, hấp dẫn hơn. Thay vì chơi cho vui, mỗi người tham gia sẽ phải đánh cược cả mạng sống của mình trong mỗi thử thách, và chỉ có những người xuất sắc nhất, may mắn nhất mới có thể vượt qua tất cả và an toàn trở về.
Nerve
Nerve là một bộ phim hành động - viễn tưởng của Mỹ được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của Jeanne Ryan. Bộ phim này xoay quanh một trò chơi trực tuyến theo phong cách “nói thật hoặc thử thách” (Truth or Dare), với 2 dạng người chơi chính là “Player” (những người trực tiếp tham gia) và ‘Watcher” (khán giả). Trong đó, “watcher” sẽ là những người theo dõi, đặt ra thử thách kèm theo mức tiền thưởng. Nếu cảm thấy hợp lý, “player” sẽ “chốt đơn” và phải hoàn thành các thử thách đó trong khi livestream trực tiếp bằng điện thoại của mình.
Ban đầu, trò chơi diễn ra tương đối dễ dàng với các thử thách đơn giản như hôn 1 người lạ, ăn trộm đồ trong trung tâm mua sắm. Nhưng dần dần, mức độ nguy hiểm lại càng tăng cao, buộc “player” phải bịt mắt lại xe với tốc độ 60 dặm/giờ, hay đi qua một chiếc thang bắc ngang giữa 2 tòa nhà cao tầng. Tất cả đều mang lại những trải nghiệm hồi hộp và căng thẳng không thua bất kỳ bộ phim sinh tồn nào khác.
Darwin's Game
Darwin’s Game là một bộ phim hoạt hình được xây dựng dựa trên bộ truyện tranh Nhật Bản cùng tên do FLIPFLOPS phát hành. Phim xoay quanh cậu học sinh 17 tuổi Sudo Kaname, người vô tình bị cuốn vào một trò chơi trực tuyến trên điện thoại với tên gọi Darwin’s Game, hay D-Game và phải đặt cược cả mạng sống của bản thân trong mỗi màn chơi.
Những người tham gia đều được ban tặng một năng lực riêng biệt, gọi là Sigil, và có thể vận dụng nó để tấn công và hạ sát những người chơi khác. Không còn đường lui, Kaname chỉ đành gồng mình chiến đấu qua những trận chiến sinh tử, với hy vọng có thể đánh bại Game Master (người thiết kế trò chơi) và thoát ra khỏi ứng dụng quái quỷ này.
Nguồn: Looper, ScreenRant