Những bìa sách 'té giếng': Đáng tuyệt vọng rồi chăng?
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận vẫn còn đang dõi theo vụ việc liên quan đến chuyện hình nghệ sĩ Công Lý bị lắp ghép thô thiển trên bìa sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 (NXB Lao động - Xã hội, 2014). Nếu chỉ nhìn phiến diện với riêng quyển này thì có cảm giác như thẩm mỹ bìa sách đã đến lúc cần báo động rồi.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại. Vậy thì các bìa sách này có cản trở việc dấn bước về phía trước của ngành thiết kế - đồ họa và ngành xuất bản không, có lẽ không dễ trả lời, bởi nó phụ thuộc vào quan điểm và cách nhìn.
Nếu chịu “super-soi”, không riêng gì Việt Nam, bìa sách “té giếng” ở đâu cũng có, từ sách kinh điển cho đến bình dân.
“Những bìa sách được cho là cẩu thả, lạc đề, “té giếng” thường đến vì 3 lý do chính: thiếu vắng ý tưởng, thiếu kỹ năng và ốm o về thẩm mỹ”, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông nhận định.
Ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 19/11/2014 cho biết nhiều NXB liên kết đến 90%, vượt mức hoạt động xuất bản của chính họ, nên không quản lý nổi cũng có thể hình dung được.
Dù “té giếng” toàn cầu
Kiệt tác Tội ác và hình phạt của đại văn hào F. Dostoiewski là cuộc truy vấn nội tâm của kẻ thủ ác trên con đường tìm đến với hình phạt, thế nhưng một bản dịch tiếng Tây Ban Nha (Crimen Y Castigo) lại in với bìa kiểu sách giết người không gớm tay. Điều này cũng không khác gì năm 2002 NXB Văn hóa - Thông tin từng in kiệt tác Vụ án của Franz Kafka với hình va-li và khẩu súng giảm thanh, trong khi tác phẩm này chẳng liên quan gì đến chuyện thủ tiêu.
Kiệt tác Lolita không chỉ nóng về nội dung bạo liệt, mà nhiều khi “nóng” bởi các bìa ngớ ngẩn. Một phiên bản tiếng Nhật đã hô biến cô bé dậy thì nhỏ nhắn Lolita thành “siêu mẫu” cao lêu nghêu, đứng khỏa thân trên phố. Nhìn bìa này chỉ có thể nói là bó tay. Nó cũng tương tự như kiệt tác The Adventures Of Huckleberry Finn của Mark Twain được in với hình cô gái khỏa thân vác bình nước, vậy Huckleberry Finn sẽ phiêu lưu bằng cách nào?
Tiểu thuyết Cranford của Elizabeth Cleghorn Gaskell ra đời năm 1851 đã được tái bản với bìa người phụ nữ đeo headphone. Còn thế giới đồng thoại cổ tích trong Dorothy And The Wizard In Oz (còn gọi là Vương quốc Oz, ra đời năm 1908) của L.Frank Baum đã được tái bản với bìa là máy bay chiến đấu.
Tiểu thuyết The Scarlet Pimpernel của Emma Orczy viết về những người hoạt động bí mật trong cách mạng Pháp đã được tái bản bằng việc ghép thô thiển chú mèo con vào va-li tài liệu, chẳng liên quan gì. Còn tiểu thuyết The Bell Jar của Sylvia Plath viết về những người bị trầm cảm lâm sàng đã được tái bản với bìa như sách dạy trang điểm.
Kiệt tác Romeo & Ruliet cũng không tránh khỏi vạ lây khi có lần lên bìa với trang phục tân cổ điển của Wishbone (xuất hiện vào năm 2009), và ánh mắt của họ như thể Juliet sắp cho Romeo truyền máu để thành ma cà rồng. Còn tiểu thuyết khoa học giả tưởng kinh điển Frankenstein (1818) của Mary Shelley thì lại được trình bày như “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”. Trong khi truyện kể về nhà khoa học là Victor Frankenstein đang cố gắng tạo ra sự sống giống con người từ vật chất, nhưng to lớn và mạnh mẽ hơn.
... nhưng không là đa số
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí, bà Mai Thị Hương (Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành) cho biết mỗi năm Cục nhận từ 28 đến 30 ngàn quyển sách, việc đọc hậu kiểm không đạt được mức 50%, nên khó tránh những sai sót. Tuy vậy, nhưng năm 2013, Cục đã xử lý 244 trường hợp sách vi phạm; tính đến hết tháng 9/2014 đã xử lý 79 trường hợp vi phạm.
Sòng phẳng mà nói thì trong số 30 ngàn đầu sách phát hành mỗi năm, chắc tỷ lệ phần trăm bìa “té giếng” và phần trăm bìa tuyệt đẹp là ngang ngang với nhau. Phần lớn còn lại là những bìa sách bình thuờng, sáng sủa, sạch sẽ… đến mức không có gì để bàn.
“Nhìn chung, giới xuất bản sách hiện nay tuy đã bắt đầu quan tâm đến hình thức quyển sách, nhưng chưa thật sự chú trọng lắm. Nói cho chính xác, họa sĩ vẽ bìa sách cũng là làm nghệ thuật, nhưng là nghệ thuật bao bì. Khác với một số nước phát triển, bìa sách được họ đặt nặng vì họ xem đây là nghệ thuật và đời sống, một phần cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công của cuốn sách”, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc cho biết.
“Với bìa sách, cá nhân tôi thấy chưa bao giờ đẹp như hiện nay: phong phú về phong cách, giàu có về tưởng tượng, ngay ngắn trong chữ nghĩa. Do tiến triển giao du các cái đẹp toàn cầu, nhiều bạn trẻ vẽ bìa hôm nay đáng được gọi là họa sĩ đúng nghĩa. Ý thức thiết kế đã rõ trên bìa. Đa số bìa sách đang được thấy, là sạch hơn xưa rất nhiều”, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông đồng tình.
Một họa sĩ (muốn giấu tên) nói rằng trong thế cạnh tranh như hiện nay, các nhà làm sách tư nhân đều muốn làm tươm tất, sáng sủa để câu khách. Còn với những bìa kiểu “Công Lý”, chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi họ in vì mục đích gì thì sẽ biết được lý do. Thường thì với những sách kiểu “dự án” đó, không cần xác định đầu ra vì đã có sẵn rồi, in kiểu gì cũng được. Phần lớn các thư viện, nhất là ở địa phương, hưởng chiết khấu lên đến 70% từ việc mua sách, nên phía làm sách phải cẩu thả hết cỡ để cắt giảm chi phí tối đa. Đây là chưa nói nếu sách kém chất lượng, mau hư hại… càng tốt, vì phía mua lại có dịp xin kinh phí để mua mới. “Những bìa sách kiểu “Công Lý” ra nhà sách có cạnh tranh và bán được không, theo tôi là không, nên nó được in ra để chạy dự án, để đẩy về cơ sở, vùng sâu vùng xa”, họa sĩ này nói.
Họa sĩ Lê Kinh Tài (thường làm bìa sách mỹ thuật) cho rằng khoan hãy bàn đến chuyện xấu đẹp, mà hãy xét đến thao tác và tư duy làm bìa, phần nhiều những trường hợp giống bìa “Công Lý” là do cẩu thả chứ không hẳn do thẩm mỹ. Ra nhà sách hiện nay, nếu so với 5 - 10 năm trước, nhìn chung bìa sách đã tươm tất và chuyên nghiệp hơn, đó là tín hiệu đáng vui, nên đừng vì những bìa sách được in kiểu cơ chế như “Công Lý” mà vội tuyệt vọng.
Độc giả giữ trách nhiệm khá lớn |
Đón đọc bài 2 Họa sĩ Trung Dũng: Phải đọc tác phẩm thì vẽ bìa mới đúng
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần