Những bất cập trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Việc thu tiền bản quyền âm nhạc là điều mà công luận rất ủng hộ, tuy nhiên 15 năm qua kể từ khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời, cách thu vẫn rất “sơ khai” về phương thức cũng như phương tiện khoa học hỗ trợ cho việc thu tiền…
- Minh bạch hóa thu tác quyền âm nhạc: Vấn đề vẫn là cách thu
- Bức xúc mang tên 'tiền bản quyền âm nhạc'
Hiện nay, có 3 trung tâm đại diện tập thể quyền, liên quan đến âm nhạc đang hiện hành đó là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) và Hội Bảo vệ quyền biểu diễn âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam (APPA).
“Một cổ… sáu tròng” tiền bản quyền âm nhạc
Thực tiễn hiện nay, VCPMC là đơn vị được nhiều người biết đến trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc. Tuy nhiên, với những đơn vị sử dụng những sản phẩm ghi âm, ghi hình như các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, điểm kinh doanh karaoke… VCPMC cũng chỉ thu “quyền tác giả” (thu cho nhạc sĩ, nhà thơ là tác giả của bài hát), còn “quyền liên quan” (dành cho diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm, tất cả được gọi chung là “người biểu diễn”) thì VCPMC không có trách nhiệm thu.
“Quyền liên quan” này vào tháng 7 tới, RIAV sẽ tiến hành thu mà trước hết là với lĩnh vực karaoke. Nhưng RIAV cũng chỉ thu cho những thành viên của họ, mà đa số là các hãng sản xuất phát hành băng đĩa và một số ít ca sĩ. Những người biểu diễn còn lại, trong tương lai có lẽ họ sẽ nương dựa vào APPA (Hội Bảo vệ quyền biểu diễn âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam).
Điều đáng nói là VCPMC, RIAV và APPA hiện nay chưa có một sự phối hợp nào trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc.
Nếu trong tương lai, cả 3 đơn vị nói trên đều tiến hành thu tiền bản quyền âm nhạc, chúng ta thử hình dung như sau: một khách sạn có phát nhạc ở sảnh chờ họ sẽ đóng tiền bản quyền tác giả cho VCPMC; đóng tiền “quyền liên quan” cho RIAV và APPA. Ngoài ra, khách sạn còn phải đóng tiền bản quyền âm nhạc khi sử dụng ti vi, cũng với 3 đơn vị nói trên.
Như vậy, tiền bản quyền âm nhạc nói chung của một khách sạn họ phải đóng 6 khoản cho 3 đơn vị, nói vui thì khách sạn sẽ chịu cảnh “một cổ…sáu tròng. Điều đó là quá phiền phức cho người muốn thực thi bản quyền âm nhạc một cách nghiêm túc. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa cấp Bộ cần có chủ trương chung để giảm phiền hà cho cá nhân, đơn vị sử dụng âm nhạc trong việc đóng tiền bản quyền.
“Thủ công” trong thời hiện đại
Thời gian qua,VCPMC tích cực trong việc tiến hành thu tiền bản quyền âm nhạc cho các hội viên đã ủy thác quyền là điều rất đáng hoan nghênh, trong rất nhiều ý nghĩa thì trong đó có việc mang lại công bằng cho các nhạc sĩ. Tuy nhiên, chính trong việc mang lại sự công bằng đó lại có chuyện mất công bằng. Đó là việc thu khoán,phân chia “cào bằng”. Ví dụ ở lĩnh vực karaoke, có khi những bài hát cả năm không ai hát lần nào cũng được xem như bài hát được hát cả ngàn lần.
Trao đổi với một vài chủ phòng trà, họ cho biết, về tác quyền thì họ đóng tiền đầy đủ theo quy định của VCPMC, nhưng chỉ đóng tiền chứ không có danh mục sử dụng bài hát. Những trường hợp như vậy, không biết số tiền bản quyền âm nhạc được thu về sẽ chia cho ai và chia như thế nào?
Việc thu khoán và tính theo số ghế (chỗ ngồi) đối với các nhà hàng, quán cà phê cũng gặp không ít phản ứng của chủ quán, chủ nhà hàng, bởi có khi quán cà phê hoặc nhà hàng có nhiều chỗ ngồi nhưng tần suất sử dụng âm nhạc lại không nhiều bằng quán có ít ghế ngồi hơn.
Việc gắn những thiết bị vào hệ thống karaoke hoặc hệ thống nghe nhạc v.v… để biết cơ sở sử dụng những bài nhạc của ai, bao nhiêu lần, trên cơ sở đó để thu tiền với tinh thần dùng ít trả ít, dùng nhiều trả nhiều và cũng là cơ sở để thu, phân chia tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả một cách công bằng, khoa học thì VCPMC chưa làm được.
Tháng 7/2009, trả lờiThể thao & Văn hóa(TTXVN) trong một bài phỏng vấn, ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc thường trực của VCPMC lúc đó có nói rằng: “Trung tâm đã đầu tư, chuẩn bị các trang thiết bị, bổ sung thêm nhiều nhân sự am hiểu về công nghệ thông tin, hoàn chỉnh và bổ sung thêm các điều kiện, thủ tục thanh toán - đối soát để có thể kiểm tra, theo dõi chặt chẽ số lượng và tình hình sử dụng của các tác phẩm âm nhạc trên các hình thức công nghệ mới, bao gồm cả nhạc chuông và nhạc chờ”. Rất tiếc là gần 1 thập niên trôi qua, cho đến nay VCPMC chủ yếu thu bản quyền sử dụng những tác phẩm âm nhạc vẫn theo hình thức rất “thủ công”.
Việc đầu tư công nghệ hiện đại để có thể kiểm soát số lượng, tần suất sử dụng các bài hát là rất cần thiết, đó cũng là sự công bằng, khoa học sẽ đem lại sự thoải mái cho người đóng tiền bản quyền khi sử dụng âm nhạc để kinh doanh và cả với những chủ sở hữu quyền tác phẩm được thụ hưởng tiền bản quyền âm nhạc.
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa