Những bản nháp của thiên tài điêu khắc Rodin
(Thethaovanhoa.vn) - Auguste Rodin là một họa sĩ người Pháp và thường được biết đến nhiều hơn là một nhà điêu khắc. Tên tuổi của ông đã được phổ biến khắp trong và ngoài giới nghệ thuật. Mới đây, triển lãm The Making of Rodin đã đem tới cho người xem cái nhìn đa chiều về quá trình hoàn thiện các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của ông.
Triển lãm The Making of Rodin diễn ra từ ngày 18/5 đến ngày 21/9 tại phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern ở London (Anh).
Điêu khắc gia tài ba
Auguste Rodin (1840 - 1917) là nhà điêu khắc tiên phong của mỹ thuật hiện đại. Tác phẩm của ông đề cập đến những sự khủng hoảng và thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong thế giới hiện đại, giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đầu 20.
Tuy nhiên, cũng chính vì tính tiên phong đó mà nhiều tác phẩm của Rodin thời bấy giờ bị chê trách vì không đi theo truyền thống như kém về phần trang trí, thiếu yếu tố quy ước hay không hợp đề tài cổ điển...
Một trong những tác phẩm từng bị chê trách là bức tượng đồng thau đầu tiên của Rodin - The Age of Bronze (Thời đại đồng thau). Tác phẩm được thực hiện vào năm 1877 sau chuyến đi chơi sang Italy suốt 2 tháng, nơi ông được chiêm ngưỡng tận mắt những tác phẩm của 2 điêu khắc gia nổi tiếng Donatello và Michelangelo. Từ đó đã để lại trong Rodin những ấn tượng sâu sắc, khiến ông từng chia sẻ rằng: “Michelangelo đã cho tôi thoát khỏi quy ước của điêu khắc mô phạm”.
The Age of Bronze lần đầu được công bố tại Câu lạc bộ nghệ thuật Brussel (Bỉ) với tên là Le Vaincu, rồi sau đó mới ra mắt tại Phòng nghệ sĩ Paris (Pháp) với tên là L’Âge d’Airain. Bức tượng khiến nhiều người chú ý và cho rằng ông đã dùng vữa đắp lên người mẫu rồi đem đúc chứ không phải là điêu khắc thực thụ. Sau này biệt tài điêu khắc của Rodin mới được công nhận vì kích thước của bức tượng này lớn hơn người thật.
Sự nghiệp của Rodin chính thức bước sang trang mới kể từ Hội chợ Thế giới Paris năm 1900. Tại đây, ông đã bán được 150 tác phẩm tại gian hàng của mình và thu về 200.000 franc chỉ tính riêng các tác phẩm điêu khắc. Sau đó, nhiều nghệ sĩ và nhà sưu tầm đã tới Paris để nghiên cứu và tìm mua các tác phẩm của Rodin.
Đằng sau những phiên bản hoàn thiện
Mặc dù được biết đến nhiều với các tác phẩm điêu khắc bằng đồng và đá cẩm thạch như Eternal Springtime (Mùa Xuân vĩnh cửu), The Walking Man (Người đi bộ) hay TheThinker (Người suy tư), The Burghers Of Calais (Những người dân của Calais)…nhưng Rodin cũng đã từng thử nghiệmvới vật liệu dẻo như đất sét và thạch cao.
Triển lãm The Making of Rodin (đang diễn ra) trưng bày hơn 200 tác phẩm chủ yếu là bằng thạch cao, nhiều trong số đó chưa từng được nhìn thấy bên ngoài nước Pháp. Được biết, đây đều là những phiên bản thử nghiệm của Rodin trước khi thực hiện với vật liệu rắn như đồng và đá cẩm thạch. Do vậy, phòng trưng bày Tate Modern cho rằng triển lãm này sẽ gợi lên bầu không khí trong studio của Rodin cho khách tham quan. Bên cạnh đó cũng cho thấy tầm quan trọng của thạch cao trong suốt sự nghiệp của ông.
Các phiên bản thạch cao được trưng bày có đầy đủ mọi kích cỡ lớn và nhỏ; cho thấy cách Rodin liên tục thử nghiệm với việc phân mảnh, lặp lại và nối các bộ phận hiện có theo những cách độc đáo.
Chẳng hạn như với tác phẩm The Gates Of Hell (Cánh cổng địa ngục), Rodin có các ngăn kéo chứa đầy bộ phận như chân, tay và đầu bằng thạch cao. Các tác phẩm được Rodin sử dụng tính lặp lại là Three Faunesses và The Three Shades (Đều nhảy múa theo một vòng tròn). Hay tác phẩm có tính ghép nối như nửa thân của phụ nữ Slav khỏa thân bằng thạch cao nổi lên từ chiếc bình bằng gốm.
Tại triển lãm cũng xuất hiện một số phiên bản thử nghiệm của tác phẩm Head OfCamille Claudel- chân dung Camille Claudel đội một chiếc mũ Phrygian.
Camille Claudel được biết đến là người tình lâu năm của Rodin. Cả 2 gặp nhau vào năm 1889 sau khi ông nhận dạy thế một lớp học cho điêu khắc gia Alfred Boucher. Trong thời gian bên nhau, Claudel thường làm người mẫu cho Rodin và cũng góp ý, tạo ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các tác phẩm của ông.
Thành Quách