Nhức nhối chuyện tuổi thật cầu thủ Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cặp song sinh Sỹ Hồng và Sỹ Hà đã được trả lại với tuổi thật (17 tuổi, thay vì mới 15 theo giấy tờ khai lại), sau kết luận của Công an Thanh Hoá. Nhưng, đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới được trả lại tuổi thật, đấy mới là vấn đề nhức nhối...
Lịch sử bóng đá Việt Nam, cũng như hệ thống các giải đấu trẻ sau này, không hiếm chuyện khai man tuổi. Từ Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, đến Đoàn Hoàng Sơn, Thế Anh, Huy Hoàng..., ít nhất đều khai muộn hơn một năm so với khai sinh. Đến Nguyễn Minh Đức, Phan Thanh Bình, Thành Lương, Văn Quyết..., không khó để đưa ra bằng chứng. Bậc cha mẹ là những người biết rõ nhất, kế đến là bà con xóm làng và bạn bè thuở ấu thơ...
Trước khi có kết luận chính thức của Cơ quan điều tra Công an Thanh Hoá, bản thân bố mẹ của Sỹ Hồng - Sỹ Hà đã thừa nhận, con mình sinh năm 2000. Họ vừa trở về từ vòng loại U15 quốc gia và nếu không có scandal "doạ cắt gân", chắc vụ tuổi thật, tuổi giả cũng không bị khui ra. Nhưng, nếu như Ban Kỷ luật viện lý do này mà kỷ luật 2 cầu thủ nhí, đồng thời là anh em song sinh, triệt đường phát triển nghề nghiệp của họ là quá nghiệt.
Các cầu thủ nhí không thể tự làm khai sinh cho mình mà phải là phụ huynh và những người hành pháp. Đừng bắt con trẻ phải chịu phạt vì lỗi lầm của người lớn. Việc "trả lại tên cho em" coi như đã xong, CLB Hà Nội phải đứng ra nhận trách nhiệm, BTC giải U15 nhận thiếu sót trong việc kiểm tra thủ tục - tư cách VĐV dự giải, chứ không phải các cầu thủ. Họ 17 tuổi, thì phải được đôn lên tập cùng lứa U17, thay vì U15 như hiện tại.
"U" (tức under - dưới) và "O" (over - trên) là những khái niệm rất khác nhau trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Bởi bóng đá trẻ, chỉ cần hơn nhau 1-2 tuôi, sự khác biệt đã là quá lớn về năng lực chơi bóng. Thế nên mới có chuyện gian lận tuổi, mới có "nhi đồng cụ". SEA Games 29 tại Malaysia vào tháng 8/2017 tới đây, BTC cũng đưa ra quy định cầu thủ 22 tuổi trở xuống (thay vì 23) mới được tham dự môn bóng đá nam.
Trong một chia sẻ trên mạng xã hội facebook, một đồng nghiệp đã viết rằng “cháy nhà ra cái gì?” Có ra cái gì thì cũng phải cho ra luôn, thay vì bưng bít, bao che chỉ khiến nền bóng đá thêm nỗi buồn ngày này qua ngày khác. Thương cầu thủ trẻ bao nhiêu thì trách người lớn bấy nhiêu. Với họ, VĐV chỉ là công cụ, khi đáng ra cần được đối xử như một con người. Cũng có thể, bởi ngày trước "các thầy" cũng từng bị đối xử thế, từng được khai man tuổi.
Tìm tuổi thật của cầu thủ Việt Nam là một công việc nhiêu khê. Không phải khó, mà nhiều quá đếm không xuể. Và nếu cứ dùng cầu thủ trẻ làm "vật tế thần" để phục vụ mục đích của người lớn, thì chuyện “U” hay “O” còn nhiều…
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa