"Như Ý truyện": Châu Tấn bị chê già chát khi đóng vai thiếu nữ vẫn khiến khán giả "ngấm" từng biểu cảm
Như Ý truyện là phim cung đấu được đầu tư chỉn chu và hoành tráng bậc nhất nền giải trí Hoa ngữ. Nhờ khả năng hóa thân của Châu Tấn trong vai Kế Hoàng hậu, nhiều lần, Như Ý truyện đã được đẩy lên cao trào.
Dù đã 6 năm sau khi bộ phim phát sóng, cái kết của nàng Kế Hoàng hậu vẫn khiến khán giả bứt rứt và bàn tán rất nhiều. Và chính Châu Tấn là người thay đổi kết phim so với bản nguyên tác.
Châu Tấn thay đổi phần kết của bộ phim để Như Ý ra đi một cách thanh thản nhất
Như Ý truyện kể về câu chuyện của tình của Càn Long (Hoắc Kiến Hoa thủ vai) và Như Ý (Châu Tấn) từ khi là Nhàn Phi tới ngôi hoàng hậu, quán xuyến hậu cung.
Khi còn trẻ, nàng có tên là Thanh Anh, về sau khi đã làm phi tần của Càn Long, nàng lấy tên Như Ý.
Tính cách Như Ý ung dung tự tại, không thích trói buộc. Nhưng khi đã bước chân vào Tử Cấm Thành, Như Ý phải thu mình, sống lặng lẽ, không bon chen với đời.
Chuyện tình tưởng đẹp nhưng cuối cùng sự phản bội từ người chồng, những thủ đoạn tàn ác trong cung và sự ra đi của những đứa con đã dồn Như Ý vào nhiều tình huống khổ sở, khiến nàng Như Ý "chết tâm" và ra đi thanh thản.
Một bộ phận khán giả cho rằng, sự ra đi của Như Ý, để lại Càn Long sống trong cô độc, đau khổ và dằn vặt là hoàn toàn hợp lý so với những gì Càn Long đã đối xử với Kế Hoàng hậu.
Nhiều người khác lại cho rằng sau bao thăng trầm, sóng gió của cuộc đời, bộ phim nên có cái kết đẹp hơn cho cả hai.
Theo nguyên tác của bộ phim, Như Ý cắt tóc và "dứt tình cạn nghĩa" với Càn Long, nàng chọn sự ra đi mãi mãi và mong muốn tỷ muội tốt báo thù cho mình. Tuy nhiên, Châu Tấn lại có suy nghĩ khác.
Châu Tấn cho hay: "Theo nguyên tác thì đó là cái kết không tốt cho Như Ý. Lỡ khán giả xem xong đều cảm nhận, cho rằng lang quân không như ý thì tôi cũng sẽ ra đi một cách tức giận sao?".
Vì vậy, Châu Tấn đã cố gắng thuyết phục đạo diễn thay đổi phần kết của bộ phim, để Như Ý ra đi một cách thanh thản nhất, không hận thù, không luyến tiếc.
Đạo diễn Uông Tuấn cũng rất tán đồng trước ý kiến của nữ diễn viên, nhưng phía biên kịch lại muốn đi theo kịch bản gốc.
Sau một thời gian bàn bạc, tất cả mọi người đều thống nhất với ý kiến mà Châu Tấn đưa ra vì chỉ có nữ diễn viên mới có cảm xúc chân thật nhất với nhân vật Như Ý.
Lối diễn quá đẳng cấp
Trong tập cuối Như Ý truyện có cảnh đặc tả nội tâm của Như Ý trong khoảng 8 phút. Nàng nhớ về thời niên thiếu khi mới gặp Càn Long cho tới khi vào cung làm phi tần, thành hoàng hậu, đối diện nhiều mưu mô.
Cái kết của Như Ý truyện vẫn luôn được khán giả nhắc tới. Dù mỗi người sẽ có một cảm xúc khác nhau về cái kết này nhưng nhiều khán giả cho rằng, Châu Tấn đã giúp cái kết của bộ phim bớt nặng nề hơn, mà vẫn thể hiện được một phần nguyên tác.
Châu Tấn diễn không nước mắt song vẫn làm người xem thương cảm về cuộc đời sóng gió của nhân vật.
Trước đó, Châu Tấn nhiều lần đẩy Như Ý truyện lên cao trào ở các đoạn bị a hoàn phản bội, bị nhà vua đổ tội gây ra cái chết của con, cắt tóc đoạn tuyệt ân tình với Càn Long...
Đông đảo khán giả nhận xét sự ngỡ ngàng, phẫn nộ, thản nhiên hoặc bất lực của Như Ý được Châu Tấn lột tả hoàn hảo, làm khán giả cảm thấy đang chứng kiến cuộc đời thật của hoàng hậu.
Nhiều khán giả đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về lối diễn xuất của Châu Tấn:
"Diễn xuất của Châu Tấn quá đẳng cấp, không hề có biểu cảm nào khoa trương. Lúc tức giận cô không la hét nhưng bạn vẫn cảm nhận được sự phẫn nộ của cô ấy. Khi Như Ý rơi lệ, chẳng gào thét, bạn vẫn cảm nhận được sự bi thương của nàng".
"Tôn Lệ đóng hoàng hậu trong Chân Hoàn truyện rất đạt, rất tuyệt vời. Nhưng Châu Tấn mới làm tôi kinh ngạc. Sau mỗi lần xem phim, tôi thường tự hỏi, sao cô ấy có thể diễn chân thực đến thế".
Trước đó, khi chiếu những tập đầu, Châu Tấn vấp phải nhiều lời chê cho rằng cô không thích hợp đóng thiếu nữ, giọng khàn, khó nghe nhưng với đà tiến triển nội dung, tuổi tác nhân vật, nữ diễn viên dần dùng diễn xuất chinh phục khán giả, trở thành linh hồn của bộ phim cung đấu bối cảnh nhà Thanh.
Châu Tấn bỏ tiền mua lại hầu hết trang phục của Như Ý trong phim
Như Ý truyện là một bộ phim truyền hình dài tập đề tài hậu cung được đầu tư một cách hoành tráng và công phu dựa trên bộ tiểu thuyết Hậu cung Như Ý truyện – được xuất bản năm 2011 của tác giả Lưu Liễm Tử và cô cũng chính là tác giả kịch bản phim.
Phim được khởi quay từ 15/8/2016 và đóng máy ngày 5/5/2017 với kinh phí đầu tư khoảng 43,3 triệu USD, tương đương hơn 1000 tỉ VNĐ, vì lý do đó mà đại chế tác này được xem là một trong những bộ phim đầu tư lớn nhất, đắt giá nhất của màn ảnh Trung Hoa.
Bộ phim này được coi là bom tấn cung đấu, phim truyền hình tiêu biểu bậc nhất năm 2018.
Nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật, Như Ý truyện hoàn toàn đáng theo dõi, nhưng cũng vì quá thích thú cùng tâm đắc nội dung của phim mà không ít khán giả lẫn lộn giữa nhân vật của phim và nhân vật lịch sử.
Theo nhiều nguồn tin, để mời Châu Tấn đóng vai Như Ý, đoàn phim đã trả cát-sê lên đến 90 triệu NDT (tương đương 326 tỷ đồng).
Nguồn tin hậu trường cho biết, số trang phục mà đoàn phim chuẩn bị cho Châu Tấn là khoảng 200 bộ.
Trang phục trong phim được thiết kế bởi Trương Thúc Bình và Trần Hồng Huân, trong đó Trương Thúc Bình đảm nhận duy nhất việc tạo hình cho Ô Lạt Na Lạp Như Ý còn Trần Hồng Huân lo tạo hình cho mọi nhân vật còn lại.
Sau khi quay xong phim, vì quá thương Như Ý, Châu Tấn đã bỏ tiền mua lại khoảng 180 bộ trang phục.
Tổng số tiền Châu Tấn bỏ ra phải tính bằng hàng tỷ đồng. Nói về việc mua lại trang phục, Châu Tấn cho biết: "Ròng rã suốt 9 tháng quay phim, quả thật là rất đáng nhớ.
Quay phim xong, tôi đã giữ lại đến 90% số trang phục. Cho đến giờ, tôi vẫn mặc những trang phục này ở nhà để nhớ lại quãng thời gian đóng phim đó".
Châu Tấn sinh năm 1974, là một trong "Tứ đại Hoa đán" của màn ảnh Hoa Ngữ với các vai diễn tạo nên danh tiếng và quyền lực của nữ minh tinh.
Cô được mệnh danh là "Tam Kim Ảnh Hậu" sau khi trở thành diễn viên điện ảnh Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử đạt giải Ảnh Hậu (Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất) tại cả 3 giải thưởng danh giá nhất nền điện ảnh Hoa ngữ đó là: giải Kim Mã, giải Kim Kê, giải Kim Tượng thông qua 2 vai chính trong 2 bộ phim là Nếu như yêu và Suy đoán của Lý Mễ.
Châu Tấn tạo được dấu ấn ở thị trường điện ảnh quốc tế thông qua vai diễn trong phim Sông Tô Châu, bộ phim giúp cô đạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Paris lần thứ 15 và bộ phim Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa - bộ phim được đề cử giải Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Bộ phim điện ảnh Hollywood lần đầu tiên mà Châu Tấn đóng là Cloud Atlas đã gây ấn tượng tốt khi cô phải hóa thân thành 3 nhân vật khác nhau trong cùng một bộ phim.
Bên cạnh Như Ý truyện, Châu Tấn còn gây tiếng vang với những bộ phim truyền hình khác như Đại minh cung từ, Khúc nhạc tháng Tư, Như sương như mưa lại như gió, Mùa quýt chín, Anh hùng xạ điêu, Cao lương đỏ.