Nhớ 'lão tướng' Khánh Hợi - Ánh vàng son cải lương Bắc
"Lão tướng" Khánh Hợi đã từ biệt chúng ta để đến đích cuối cùng: Yên nghỉ tại thôn Tử Dương, Thường Tín (Hà Nội), cùng một nghĩa trang với người chồng quá cố - NSND Sỹ Tiến - trong mùa ngâu tháng 7 lệ rơi.
Sinh năm Quý Hợi 1923, NSƯT Khánh Hợi (tên thật Đoàn Thị Hợi) chào đời tại phố Hàng Hành, lõi địa linh kinh kỳ Thăng Long bên hồ Lục Thủy. Hầu hết đời bà gắn bó với chốn phồn hoa nhất đất Hoàn Kiếm. Một "cuộc đời sân khấu độc đáo hiếm có" như nhận định của GS - AHLĐ Vũ Khiêu. Một kiếp trăm năm đã trải thác ghềnh thăng trầm vàng son rực rỡ với cải lương, mà bà là nhân chứng từ thuở đầu, nhân chứng cuối cùng, người nghệ sĩ cao tuổi bậc nhất không chỉ của nền kịch hát dân tộc, mà của sân khấu Việt Nam.
Hành trình đi qua 2 thế kỷ của bà với những dấu ấn đỉnh cao, đang vọng lại chúng ta một phần hồi quang của ánh sáng của đam mê, hiến dâng với trọn tình yêu cải lương trong tình yêu lớn duy nhất của bà với phu quân, bậc thầy toàn năng - NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982).
Không có tiếng trống bát âm não nề, chỉ nghe tiếng trống như từ hố nhạc sân khấu vọng vang, thúc giục. Tiếng trống ấy, từ khát vọng vô song của “Ông tổ cải lương Bắc” - NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, 2012): "Nếu ta chết, đừng chôn ta. Hãy căng da ta lên mặt trống, để ta gần sân khấu mỗi đêm ngày!".
Quả phụ Khánh Hợi sau gần 40 năm, mới được đoàn tụ lang quân. Ở chốn thiên đàng - họ, trong trí nhớ khán giả nhiều thế hệ, sẽ sống lại, sống tiếp, muốn sống lần nữa cuộc đời tận hiến cho cải lương.
***
7 tuổi, theo gánh hát của họa sĩ Thang Trần Phềnh, cô bé Hợi học nghề hát, thừa hưởng giọng ca của mẹ Đinh Thị Mẫn và người cha mê nghệ thuật Đoàn Hữu Cẩn. Say mê, khổ luyện ngày đêm mà cô bé Hợi vẫn không quên gom góp tiền phụ giúp cha mẹ nuôi gia đình. Rồi họ sớm mồ côi, người con hiếu thảo lại bươn chải lo cho chị, em, các cháu.
Cùng với Kim Chung, Bích Thuận... Khánh Hợi là đào nổi tiếng của đoàn Tố Như khi mới 17, 18 tuổi. Và đoàn Chuông Vàng lừng danh (do ông Bầu Long - chồng nghệ sĩ Kim Chung lập nên) có đóng góp lớn của vợ chồng bà.
Một phận đời trăm năm bách niên giai lão, sống thọ sống nhiều, còn tiếc nuối đau đớn nữa không?
Đau chứ, mấy năm qua, vì đại dịch Covid-19, mà người con trai yêu thương bà nhất - Nguyễn Ái Hữu (được đào tạo cải lương song sớm chuyển nghiệp sang kinh doanh) định cư tại Mỹ đã không thể về Hà Nội. Ái Hữu đã ra sân bay nhưng đành bỏ chuyến bay, quay về cấp cứu. Những ngày cuối cùng của đời mình, người con trai tuổi 70 tình cảm, hào hoa vẫn canh cánh nhớ mẹ, muốn về ôm mẹ, khắc khoải thăm mộ cha; vẫn sống tâm hồn trẻ trung bởi hằng yêu thương quê hương Hà Nội, bạn bè và những năm sống tại ngôi nhà 24 Lương Ngọc Quyến. Anh đã yên nghỉ hôm 1/8 tại California. Và 4/8/2022, nghệ sĩ Khánh Hợi từ trần mà chưa biết con trai đã mất. Nợ hẹn khi sống thì còn hẹn thiên thu. Ái Hữu sẽ về nằm bên Mẹ vài năm tới.
Thập niên 30 thế kỷ trước đến giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp của cặp nghệ sĩ Sỹ Tiến - Khánh Hợi. Cùng vợ chồng người em trai Sỹ Hùng - Tường Vy, “ông tổ cải lương Bắc” và tri kỷ của mình đã tạo những dấu son chói lọi.
Khánh Hợi khiến khán giả nữ mê say, chen nhau mua vé đến rạp Chuông Vàng, 72 phố Hàng Bạc không chỉ là các cô gái, thiếu phụ mà cả các "me Tây". Họ thích Mạnh Lệ Quân, họ mê Võ Tòng trổ túy quyền (vở Võ Tòng đả điếm), họ xiêu lòng vì Lã Bố gian hùng háo sắc (Lã Bố hí Điêu Thuyền) từ năm 1940. Người nghệ sĩ cách mạng Sỹ Tiến đã sừng sững tầm vóc lớn từ trước năm 1945, trong ấn tượng của GS-TS-NSND Nguyễn Đình Quang, khi tỏ lòng yêu nước bằng dấu ấn là tác giả đầu tiên đưa quốc sử lên sân khấu. Trước đó, các vở, trích đoạn kinh điển đều là tích Tàu. Cuộc "cách mạng" tư tưởng của tác giả lớn Sỹ Tiến khai thác lịch sử dân tộc đã khơi dậy sâu sắc trong khán giả tình yêu Việt Nam. Vốn là kép giỏi, khi chuyển sang tác giả, Sỹ Tiến phát huy thế mạnh của diễn viên ngay từ bản thảo tới khi dàn dựng, là thầy tuồng uy danh bậc nhất của cải lương. Ông nghiêm khắc khi chỉ đạo tập luyện, chăm chút từng cảnh diễn.
Được làm việc với người chồng vĩ đại không có yếu tố ưu ái riêng, diễn viên Khánh Hợi ngày một tôi luyện cao nghề để thành sư mẫu về vũ đạo trong khi vẫn hát và diễn xuất. Các vai nam Khánh Hợi thủ diễn trong các vở của Sỹ Tiến đều xuất sắc không ai dám so bì: Trọng Thủy (vở Mỵ Châu Trọng Thủy), Trần Khắc Chung (vở Huyền Trân công chúa), Đinh Văn Tả (vở Mạc Tuyết Lan) lẫn các tích cổ: Hứa Tiên (Thanh xà Bạch xà), Tàn phá Cô Tô. Sau 70 năm, bà vẫn nhớ đoạn tự sự thống thiết của Đinh Văn Tả trước mộ Mạc Tuyết Lan. Vở này cùng Kiều là vở đỉnh cao trong cụm tác phẩm mà NSND Sỹ Tiến (người tham gia thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Nhà văn VN năm 1957) được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh cách đây 10 năm, chậm trễ sau 30 năm ông qua đời. Sỹ Tiến là tác giả đầu tiên đưa kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du lên sân khấu và tất cả thoại trong vở là thơ Sỹ Tiến do chính ông dàn dựng. Các diễn viên thủ vai trong vở này ở các thế hệ đều nhận Huy chương Vàng và coi đây là vở đỉnh cao sự nghiệp của họ.
Tú Bà đầu tiên của Kiều trên sân khấu là nghệ sĩ Khánh Hợi. Trước đây, khán giả nữ mê các vai nam võ, ném tiền lên sàn diễn, theo Khánh Hợi về tận ngõ thì đến đầu thập niên 1960, Khánh Hợi không đi chợ Hàng Bè vì ngại bị trẻ già chỉ mắng, nhiếc hờn bởi bà hóa thân Tú Bà quá xuất thần. Hội diễn sân khấu đầu tiên năm 1962 đánh dấu kỷ lục huy chương của Kiều chấn động tới mức GS Vũ Khiêu sau hơn nửa thế kỷ vẫn khẳng định: "Sỹ Tiến là một trong các bạn thân thiết suốt cuộc đời tôi, là ngôi sao sáng trong những ngôi sao sáng nhất" mà GS đã lịch duyệt, thân tình tiếp 2 nghệ sĩ, học trò: Khánh Hợi (Tú Bà) và Bích Được (Hoạn Thư) tại nhà riêng ở quận Nam Từ Liêm.
***
Nghệ sĩ Khánh Hợi sinh nở 10 lần, được 8 người con. Ông bà mất 2 người con cũng vì say nghề. Bụng mang dạ chửa bà vẫn đóng bộ giáp nặng, múa khiên ở Thanh Hóa, bị sảy thai. Thế mà năm 1957 khi bụng bầu lớn, bà vẫn cột bụng lại để làm tướng võ. Biết làm sao, gia cảnh đông con, tên Khánh Hợi lại hút công chúng.
Nhiệt huyết của nghệ sĩ bậc thầy được ông bà trao truyền cho các lứa đồng nghiệp, học trò thân thiết. Cặp ngôi sao Tiêu Lang - Kim Xuân (thân sinh NSND Như Quỳnh) luôn kính nể, yêu quý, thủy chung với người anh, người thầy lớn Sỹ Tiến và coi nghệ sĩ Khánh Hợi như chị gái của mình. Vai diễn thành công đầu tiên của Như Quỳnh hơn 40 năm trước với cải lương trước khi chuyển sang điện ảnh cũng là Thúy Kiều - vai để đời của song thân chị là Thúy Kiều - Kim Trọng.
Trong vai trò nhà giáo, nghệ sĩ Khánh Hợi đã rút ruột chân truyền vai tướng võ cho NSƯT Phương Khanh để học trò nhận vai đầu tiên năm 1972 - Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Bà cũng là người đã dạy NSƯT Ngọc Dung nổi tiếng vai Hoạn Thư. Còn nhiều dấu ấn nữa không thể kể hết của cuộc đời trăm năm ấy.
Mấy chục năm sau này, nghệ sĩ Khánh Hợi ở Mỹ với con trai và sống nhiều năm với con gái út Lệ Quyên tại Paris - nơi nghệ sĩ gạo cội Kim Chung đã đưa vở Mạc Tuyết Lan sang diễn và báo tin vui cho Sỹ Tiến trên giường bệnh. Câu chuyện cuối cùng, lời nói cuối cùng, ánh sáng cuối cùng của "Victor Hugo Việt Nam" cũng dành cho sân khấu. Năm 1984, đợt trao danh hiệu đầu tiên do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định, Sỹ Tiến là nghệ sĩ duy nhất của cải lương Bắc được truy tặng NSND; còn vợ và em trai ông là NSƯT. Vở Kiều được Nhà hát Cải lương Hà Nội du diễn các thành phố Thụy Điển gây tiếng vang hơn 20 năm trước.
Thương tiếc tưởng nhớ bà, chúng ta cùng cầu nguyện cho lão nghệ sĩ an giấc ngàn thu, siêu linh cực lạc, đoàn tụ với phu quân nơi thiên đàng với thánh đường sân khấu.
Sỹ Tiến là tác giả đầu tiên đưa kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du lên sân khấu và tất cả thoại trong vở là thơ Sỹ Tiến do chính ông dàn dựng. |
Vi Thùy Linh