Nhớ lại vai diễn Hollywood lớn nhất của một diễn viên Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1989, cuốn tự truyện best-seller của bà Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) When Heaven And Earth Changed Places (Khi đất trời đảo lộn), thuật lại những trải nghiệm của chính bà trong chiến tranh Việt Nam, đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Oliver Stone.
Sau đó, bộ phim Heaven And Earth (Trời và đất) được khởi quay và Lê Thị Hiệp được chọn làm diễn viên chính của bộ phim này.
Tuy nhiên, đó là bộ phim mà cả Oliver Stone lẫn Lê Thị Hiệp đều bị thất bại.
Tham vọng lập “hat-trick” của Oliver Stone
Oliver Stone quyết định sẽ trở về với chủ đề này thêm một lần nữa, với mong muốn hoàn tất trilogy (bộ ba) phim về Chiến tranh Việt Nam - sau thành công về nghệ thuật, lẫn thương mại của hai bộ phim trước đó, Platoon (1987) và Born On The Fourth Of July (1989). Bộ phim thứ ba được đặt tên Heaven And Earth.
Cho đến thời điểm đó, Oliver Stone chỉ làm những bộ phim nói về đàn ông, và phụ nữ chỉ là yếu tố tạo thú vị chứ không phải là yếu tố trung tâm của câu chuyện. Heaven And Earth là lần đầu tiên ông cố gắng tự đặt mình vào bên trong trí tưởng tượng của một phụ nữ.
Chiến tranh Việt Nam là sự ám ảnh với cá nhân Oliver Stone, nhưng cũng đồng thời là vùng đất mang lại cho ông những vinh quang lớn nhất trong sự nghiệp điện ảnh. Hai bộ phim Platoon và Born On The Fourth Of July vì nhiều lý do đã không được quay ở Việt Nam. Nhưng đến Heaven And Earth, ông được cấp kinh phí sản xuất lên đến 50 triệu USD, và Oliver Stone cho rằng không có gì tuyệt vời nếu được làm một bộ phim về Chiến tranh Việt Nam trên chính mảnh đất này.
Nhưng đáng tiếc, đến giờ chót, những bất đồng trong việc sửa đổi kịch bản với nhà chức trách Việt Nam, đã khiến đạo diễn Oliver Stone và các nhà sản xuất quyết định chuyển sang Thái Lan để quay giả cảnh Việt Nam.
Lê Thị Hiệp đã đi vào lịch sử như thế nào?
Thách thức lớn nhất của bộ phim là tìm được diễn viên Việt Nam phù hợp để thủ vai nữ chính - Phùng Thị Lệ Lý. Một cuộc casting quy mô lớn trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ và các cộng đồng người Việt trên thế giới. Sau này theo thống kê cho biết, đã có khoảng 16.000 phụ nữ gốc Việt đã ứng tuyển vai này.
"Tôi chẳng biết sao mình lại có mặt ở đây... Anh họ tôi có nghe nói về buổi thử vai cho một bộ phim, và tôi chỉ đi theo chơi với một người bạn để xem nó như thế nào… Và họ hẹn tôi quay trở lại" - Lê Thị Hiệp - cô gái mới 20 tuổi học ngành tâm lý tại Trường Đại học California, Davis (UCD) - đã hồn nhiên nói về lần đầu đi chơi cho biết, nhưng lại bất ngờ được mời casting. Cô gái trẻ nhỏ nhắn tự tin bước vào buổi casting mà không chịu bất cứ một sức ép nào đã bộc lộ sự mạnh mẽ quyết đoán và ngây ngô một cách tự nhiên…
Đạo diễn Oliver Stone nhớ lại: "Các trợ lý của tôi đã nhìn thấy cô ấy và đề nghị quay thử. Họ nghĩ cô ấy có tiềm năng nên mời cô quay trở lại gặp tôi ở Los Angeles. Tôi nghĩ cô ấy có sức thu hút và cho cô quay thử với các diễn viên khác, giới thiệu cô với các nhân vật chính Tommy Lee Jones, Trần Xung và Haing S. Ngor. Chúng tôi đã kiểm tra, và bắt cô ấy thử đi thử lại trong khoảng năm tháng, liên tục, và cô ấy đã giành được vai diễn này. Tôi đã không gửi cô ấy đến bất cứ trường diễn xuất nào, vì muốn giữ nguyên sự tự nhiên mộc mạc rất cần thiết của nhân vật này".
Và thế là Lê Thị Hiệp đã trở thành cô gái châu Á may mắn nhất lúc đó, bởi Hollywood ở thời điểm ấy chưa từng có một phim kinh phí lớn nào mà vai chính trung tâm là một phụ nữ châu Á. Còn tính riêng Việt Nam thì đến nay đã 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chưa có diễn viên nào (cả nam lẫn nữ) có được một vai diễn nặng ký như vậy (kể cả Đỗ Thị Hải Yến trong Người Mỹ trầm lặng).
Kết thúc kỷ nguyên phim Chiến tranh Việt Nam
Trong Heaven And Earth, thông qua số phận bi kịch của cô thôn nữ Việt Nam nhỏ bé, Oliver Stone không ngại ngùng mô tả trần trụi bộ mặt thật của chiến tranh với vô số hành động gây kinh hãi cho khán giả khi xem những cảnh Lệ Lý bị ngược đãi một cách tàn bạo và vô lý - bị làm mất thanh danh, bị tra tấn, bị bóc lột, bị lợi dụng, bị cưỡng hiếp, bị hành hung, bị chiếm đoạt, bị biến đổi, bị cách ly khỏi gia đình… (tượng trưng cho hình ảnh khổ đau của đất nước cô khi ấy) - là một trải nghiệm căng thẳng về cảm xúc. Nhưng nó minh họa một trong những chủ đề mà Oliver Stone ưa thích nhất: Trong chiến tranh, người dân vô tội luôn phải lãnh đủ những điều tồi tệ nhất.
Vai diễn Lệ Lý thật sự là quá nặng đối với “lính mới tay ngang” như Lê Thị Hiệp, và cô đã không thể nắm lấy cơ hội lớn nhất trong đời. Có thể nói, thất bại nặng nề của Heaven And Earth cũng có phần “góp công” rất lớn của cô! Tommy Lee Jones thủ vai chính Steve Butler - người đã cầu hôn Lệ Lý và đưa cô về Mỹ sinh sống - cũng chỉ làm tròn vai bởi nhân vật của anh quá mờ nhạt so với vai Lệ Lý.
Diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Trần Xung được làm cho già và xấu xí để đóng vai bà mẹ cam chịu của Lệ Lý, nhưng khi xem phim ta có cảm giác giống như cô bị trao nhầm vai diễn. Haing S. Ngor, diễn viên Campuchia từng đoạt giải Oscar với bộ phim The Killing Fields thủ vai cha của Lệ Lý, cũng chỉ là một vai phụ không có gì nổi bật.
Có lẽ một trong những thất bại lớn nhất của bộ phim là việc Oliver Stone để cho tất cả các nhân vật người Việt Nam - bất kể là thân phận gì - đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong phim. Nghe các diễn viên đủ mọi quốc tịch: Việt kiều, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… đóng vai người Việt phát âm theo kiểu tiếng Anh “bồi”, chiếm đến 80% thời lượng phim, thì quả thật là kinh khủng đối với khán giả Mỹ!
Bộ phim thất bại nặng nề tại Mỹ khi chỉ thu về chưa đến… 6 triệu USD năm 1993. Nó trở thành một “thảm họa” kinh hoàng nhất trong sự nghiệp của Oliver Stone. Thất bại chưa từng thấy này đã làm sụp đổ hàng loạt dự án phim có liên quan đến chủ đề Việt Nam. Nó chính thức khép lại một kỷ nguyên huy hoàng nhưng ngắn ngủi (kéo dài một thập niên) của đề tài Chiến tranh Việt Nam, mà Oliver Stone là người khởi xướng và cũng là người kết thúc nó, trong một đoạn kết không trọn vẹn!
Bá Vũ