Nhớ Cô Dinh - Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn
(Thethaovanhoa.vn) - Trước tin bà Lê Thị Dinh, qua đời hôm 21/2, nhà nghiên cứu Trịnh Bách thốt lên: "Giờ thì tất cả mọi sự liên quan đến Nguyễn triều lúc còn Vua đều coi như không còn...".
Là người luôn nâng niu, lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền, nhà nghiên cứu Trịnh Bách từng khôi phục những bộ trang phục triều đình nhà Nguyễn, đồng thời cũng có rất nhiều ký ức sâu thẳm về các Cô (theo nghĩa viết hoa của từ này). Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài của ông.
1. Cô Lê Thị Dinh sinh năm 1920. Cô là cháu ngoại Kiên Quận công Ưng Quyến. Kiên Quận công là em trai của các vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi (tức là chú ruột của vua Khải Định).
Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, người Pháp muốn đưa Kiên Quận công lên ngôi. Nhưng ông trốn theo vua Hàm Nghi. 2 năm sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, ông mới trở về, với đủ thứ bệnh tật sau bao gian truân ẩn lánh trong rừng núi lam chướng.
Theo Cô Dinh thì công việc của những người như Cô trong nội cung gọi là hầu cận. Các bà hầu cận nội cung này là những người được phép đụng chạm trực tiếp đến thân thể của các thái hậu, quý phi. Như để tắm rửa, mặc áo quần, chải đầu vấn khăn, làm tốt (trang điểm) v.v… Họ phải là những người có vai vế cao như công chúa, quận chúa, thân cận trong hoàng tộc. Khác với các nữ quan hay thị nữ làm các tạp vụ, tạp dịch trong nội cung là người ngoài, thường phải giữ khoảng cách.
Đối với các bà hầu cận đương nhiệm trong nội cung thì dù có là công chúa, quận chúa, người ta cũng gọi là Cô (viết hoa, nói gọn đi từ "lệnh Cô"). Gọi bằng Cô đây cũng để phân biệt với cấp bậc của các bà vợ vua trong tam cung, lục viện. Các bà phi, tần, mỹ nhân trong nội cung này cao thấp có các bậc là Bà (lệnh Bà), Dì (lệnh Di) và Chị (lệnh Tỷ). Các nữ quan trong nội cung như các bà thống sự, tùng sự, thì gọi là các Má (như Má Thống, Má Tùng).
Nhưng ở ngoài đời thật người ta không gọi các bà nội cung là lệnh Bà, lệnh Di, lệnh Tỷ mà gọi là đức Bà, đức Dì, đức Chị. Riêng các vua Nguyễn gọi mẹ mình là Ả (đức Ả).
Lần vua Bảo Đại gặp vua Thành Thái khi vua Thành Thái trở về từ Phi châu năm 1954 (cả 2 lúc đó đều không còn là hoàng đế), vua Bảo Đại gọi vua Thành Thái là đức Bác và xưng mình là cháu hay có lúc là tiểu tử… Không biết vua Thành Thái lúc đó gọi vua Bảo Đại là gì. Nhưng trong một bức thư do cựu hoàng Thành Thái đang bị lưu đày viết cho vua Bảo Đại khi còn tại vị, cựu Hoàng gọi nhà vua là Kim Thượng. Dù sao đấy cũng chỉ là cách xưng hô trong thư từ, văn bản.
Cũng nên lan man sơ lược thêm một chút về các cách xưng tụng trong nội cung, triều đình. Những “Trẫm”, “khanh”, “bệ hạ”, “điện hạ” v.v… chỉ dùng trong giấy tờ, khi làm lễ, hay trên sân khấu. Thường các quan tâu với nhà vua là “tâu Hoàng thượng”. Các thị vệ gần gũi và các người trong nội cung thì “tâu Hoàng đế”. Vua Bảo Đại xưng với mọi người là “ta”, nhưng với người thân là “quả”. Khi nói chuyện trực tiếp, vua và các hoàng thái hậu gọi các đại quan là “thầy”, với chức vị của họ. Ví dụ như họ gọi Thượng thư bộ Lại là “Thầy Lại”. Hay Thượng thư bộ Hộ là “Thầy Hộ”.
Với các hoàng thái hậu đã được sách phong, tức là được ở ngôi vị bệ hạ, thì người ta phải tâu. Và gần như trong mọi trường hợp khi trao đổi với Thái hậu thì người ta nói “tâu Ngài”. Khi nói chuyện về Hoàng hậu Nam Phương, người ta gọi bà là “ngài Hoàng”. Hoàng hậu không ở ngôi vạn tuế, mà chỉ là đại thiên tuế (mão có 7 phụng), giống như hoàng thái tử (mão có 7 rồng), cho nên người ta không tâu lên hoàng hậu, mà chỉ “bẩm”. Người ta sẽ hoặc là “bẩm Hoàng hậu”, hay “bẩm Ngài”. Không bao giờ có việc xưng tụng hoàng hậu, quý phi là nương nương hay lệnh bà, ít nhất là ở thời cuối Nguyễn triều.
Hoàng Hậu Nam Phương tự xưng mình là “tôi”. Trong bài viết về một buổi phỏng vấn Hoàng hậu Nam Phương đăng trong báo Tràng An ở Huế ngày 1/6/1937, Hoàng hậu nói cảm thấy “lỡ ngỡ” nhất là khi thấy người ta gọi mình là “đức Bà”. Và trong câu chuyện, Hoàng hậu gọi Hoàng tử sơ sinh Bảo Long là “nó” hay “thằng nhỏ”…
Có người làm việc hầu cận toàn phần như Cô Dinh, Cô Sen (em gái Cô Dinh). Có người làm việc bán phần thỉnh thoảng vào hầu cận các thái hậu một lần khoảng 1, 2 tuần, như Mệ Bông (tức bà ngoại công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, con gái Mỹ Lương Công chúa); hay Mệ Sen (bà Hoàng nữ Lương Linh, con vua Thành Thái)...
2. Cô Dinh lúc đầu vào hầu cận bà Thánh Cung Hoàng thái hậu (mẹ đích vua Khải Định), rồi sau làm hầu cận Tổng quản cho bà Đoan Huy Thái hậu (tức bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại). Mọi chuyện từ thư từ, tiếp khách, cho đến trang điểm, chọn lựa quần áo v.v... của đức Từ đều do Cô xếp đặt. Ví dụ như các thư của đức Từ Cung gởi cho vua Bảo Đại đều do Cô chấp bút. Hay hồi năm 1967, 2 phu nhân của các ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ có thay phiên vào gặp đức Từ. Mọi chuyện đều do Cô Dinh sắp xếp. Cô kể cả hai người đều gọi đức Từ là Ngài, bà Kỳ xưng con và bà Thiệu xưng cháu. “Đức Từ tiếp 2 bà rất thân mật, dù Ngài thường không thích người ngoài xưng con cháu với mình” - Cô kể…
Giây phút đức Từ Cung trút hơi thở cuối cùng hồi đầu tháng 10/1980, chỉ có mình Cô Dinh ở cạnh. Và Cô có triệu 2 người bà con là các chị Hiền, Diệu đến giúp việc tẩm liệm. Sau đó Cô dọn về phủ thờ Kiên Thái Vương để ở đó phụ với người em gái trông nom phủ.
Cô Sen, người em gái Cô Dinh, tên thật là Lê Thị Bích Cẩn. Cô Sen cũng là hầu cận của các thái hậu, từ thời bà Thánh Cung, mẹ đích của vua Khải Định. Trong đợt biến cố 1947, Phủ thờ Kiên Thái Vương, với bàn thờ Kiên Thái Vương và các hoàng đế con cháu của ngài là Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Khải Định (bài vị của vua Bảo Đại trong phủ mới được lập năm 2003) bị thiêu hủy. Đến năm 1951 khi phủ thờ được xây dựng lại, Thái hậu Đoan Huy cử Cô Sen về trông coi. Cô Sen mất tại phủ này năm 2008. Cô chưa bao giờ lập gia đình.
3. Tôi được biết các Cô, mà thân mật tôi gọi là các dì, từ những năm đầu của thập niên 1970, khi tôi sống ở Huế trước khi xuất ngoại. Có lần tôi được bà Tân Điềm, tức bà Tam giai Diễm Tần, vợ thứ của vua Khải Định, cho theo vào biệt thự Phan Đình Phùng của đức Từ Cung. Có khi tôi cùng cậu em họ mang gạo đỏ của Sư bà Diệu Không gởi lên tiến Ngài. Sư bà rất nhiệt huyết với thuyết dưỡng sinh của Oshawa. Những lần như thế chúng tôi gọi là “lên Ngài”. Các Cô hay mang bánh trái của Ngài ban trao cho chúng tôi. Cậu em họ lí lắc đã khiến các Cô phải đánh bài xếp (xếp bài cho đúng mà tới, phát âm theo lối Huế thành bài xệp) với chúng tôi, dù các Cô không thích món này lắm. Nhưng chính vì câu chuyện bài xếp này mà 20 năm sau chúng tôi nhận được lại nhau.
Điều tôi thấy ấn tượng nhất cho đến tận bây giờ là những khuôn mặt đầy phấn nụ của các Cô. Mốc mốc trắng như cách các bà phủ, huyện ngoài Bắc đánh phấn bột ngày xưa. Cũng với những đóa môi tươi son. Sao mà xưa cổ thế, như từ thời nào, thuở nào còn vương về.
Các Cô luôn chỉ dùng phấn nụ do họ tự làm. Sau này tôi có tặng 2 dì ít mỹ phẩm của Ester Lauder, Channel, nhưng các dì không dùng. Rồi dì Dinh chỉ cho tôi cách làm phấn nụ và sáp môi trong cung. Và một hôm 2 dì cháu lên truyền hình dạy cách làm phấn nụ. Các dì còn dạy làm nhiều thứ. Từ cách vấn khăn vành dây, cách xếp rau thơm, xà lách, dưa leo, trái vả, đu đủ thành tháp nhiều tầng trong cung; cho đến thế nào là cỗ kiều, thế nào là cỗ chạp trong nội cung. Và bao nhiêu thứ nữa...
Hồi đó tôi hay ở lâu trong Huế để làm các việc phục tạo, có khi cả 2 tháng. Có lần các dì nói: "Bách mấy bữa ni mần việc nhiều ngó ốm rồi đó. Để 2 dì nấu ăn tẩm bổ cho nghe". Và đồ ăn bánh trái các dì nấu thì ngon hết cách nói. Nhớ nhất là món bún dấm nuốc của dì Sen và các thứ bánh khảo, phục linh, quai vạc v.v… của dì Dinh. Các dì vẫn còn giữ lại được các khuôn bánh và các giấy gói bánh có tráng kim thật đẹp trong cung ngày xưa.
Ngày vui bao giờ cũng qua mau. Sau một lần bị ngã năm 2017, sự đi lại, hoạt động của Cô Dinh dần khó đi. Sau hơn 1 năm liệt giường, Cô Dinh đã tạ thế lúc 13h45 ngày 21/2/2021 tại phủ thờ Kiên Thái Vương. Cô thọ 101 tuổi. Tang lễ được cử hành sáng ngày Chủ nhật, 28/2 tới đây. Giờ thì tất cả mọi sự liên quan đến Nguyễn triều lúc còn vua đều coi như không còn...
TRỊNH BÁCH (nhà nghiên cứu)