Nhìn từ vụ Chánh Tín vỡ nợ: Lý giải những 'cái chết'
(Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận sự nở rộ của thị trường điện ảnh trong những năm gần đây với việc “nhà nhà sản xuất phim” bởi phim Việt ra rạp quanh năm và ngày càng nhiều đơn vị mới nhảy vào địa hạt này. Người thắng kẻ thua, tất cả những sự thắng - thua ấy đều có thể hiểu được bởi điện ảnh là một ngành kinh doanh có sẵn công thức chứ không hề mơ hồ.
Những con số (ít khi là thật) mà các nhà sản xuất thường công bố trên truyền thông có thể khiến khán giả phải xuýt xoa và đôi khi cũng gây ảo tưởng cho những “chàng lính mới”. Nhưng nhìn vào công thức đang áp dụng trong ngành kinh doanh này thì thấy, làm phim và có lãi chưa bao giờ là chuyện dễ, dù việc thực hiện một bộ phim, với sự hỗ trợ của công nghệ, đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Tỷ lệ đầu tư trong một phim
Một bộ phim được sản xuất với dự toán kinh phí khoảng 10 tỷ, trong đó 30 – 50% số tiền dành cho máy móc, kỹ xảo (số tiền ít hay nhiều phụ thuộc vào phim dùng ít hay nhiều kỹ xảo). Cát-sê đạo diễn chiếm nhiều nhất là 10%, thường những đạo diễn có bảo chứng về doanh thu mới có thể đạt được mức cát-sê 10%, còn thì chỉ 5-8%. 20% dành cho diễn viên. Số còn lại là chi phí dựng bối cảnh, ăn nghỉ cho cả đoàn phim.
Nếu không phải nhà sản xuất phim chuyên nghiệp, chi phí sẽ hay bị “đội” lên do không lường được những việc sẽ phát sinh. Mà phát sinh trong sản xuất phim vẫn là chuyện cơm bữa. Ngay cả Lửa Phật, bộ phim do một nhà sản xuất sừng sỏ với ê-kíp toàn người chuyên nghiệp thực hiện, cũng không thể tránh được việc phát sinh do hỏng bối cảnh. Phim quay ở Bàu Trắng (Phan Thiết), bối cảnh không đạt nên khi cả đoàn phim đến đây đã phải quay về, mất thêm 12 ngày dựng lại bối cảnh. Chưa kể tiến độ công việc bị chậm lại, việc di chuyển cả đoàn phim mấy lần cũng tốn nhiều chi phí. Còn nữa, một thành viên của đoàn phim người Scotland đã đặt vé máy bay đến Việt Nam trong thời điểm quay đã định sẵn, nhưng do lùi ngày quay và người này kẹt lịch làm việc ở quê hương đã phải quay về, vậy là nhà sản xuất phải bỏ thêm một vé khứ hồi nữa để anh trở lại Việt Nam.
Việc phát sinh chi phí đã diễn ra với không ít bộ phim. Dòng máu anh hùng hay Thiên mệnh anh hùng cũng chung số phận.
Thấy gì từ những con số?
Đường đua, một bộ phim được khen ngợi trong năm 2013 đã bỏ vốn sản xuất tới 12 tỷ. Thông thường, để hòa vốn, khi ra rạp phim phải có doanh thu 24 tỷ, bởi 1/2 tổng doanh thu đã thuộc về rạp. Ở đây còn chưa tính tiền thuế. Tuy nhiên, trong thực tế, phim này (nghe đâu) chỉ thu về được 1,3 tỷ tiền vé trên toàn quốc!
Trong khi đó, với một bộ phim thắng đậm như Tèo Em, nhà sản xuất thực sự bỏ túi được bao nhiêu? Tính đến ngày 8/3/2014, Tèo Em đạt tổng doanh thu khoảng 83 tỷ đồng và còn tăng trưởng nhẹ, do vẫn chiếu đây đó. Nếu trừ thuế ra còn hơn 79 tỷ, cộng các suất chiếu phụ trội, có thể làm tròn thành 80 tỷ. Phim này có tổng đầu tư là 12 tỷ, gồm 10 tỷ cho sản xuất, 2 tỷ cho truyền thông, quảng bá… Công thức thường thấy của các nhà phát hành phim là chia 50/50, nghĩa là phía sản xuất còn lại 40 tỷ, trừ 12 tỷ vốn, phần còn lại là lợi nhuận của họ.
Một nguồn tin cho biết Thái Hòa góp vốn và cát-sê vào phim này chừng 430 triệu đồng (chiếm khoảng 3,58 % tổng kinh phí), chia theo tỷ lệ và tiền thưởng, diễn viên này sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng.
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa