Nhìn từ Paris: 'Thụy Sỹ nhỏ bé'
1. Người Thụy Sỹ đương nhiên là rất tự hào, hãnh diện về điều đó, không chỉ với thế giới mà với ngay cả các nước láng giềng châu Âu to lớn. Người Thụy Sỹ coi mô hình phát triển của họ ưu việt hơn châu Âu đang khủng hoảng và không muốn đánh mất đi chút nào sự riêng tư của mô hình đó.
Cách đây 4 tháng, dân Thụy Sỹ đi bỏ phiếu chống “nhập cư ồ ạt”, hạn chế nhập cư lao động không chỉ ở các nước nghèo mà thậm chí cả các công dân châu Âu như Đức hay Pháp. Vài tháng sau, Thụy Sỹ lại càng làm châu Âu choáng váng. Họ đưa ra một điều luật, theo đó quy định lương tối thiểu của một người lao động nước này phải là 4.000 franc Thụy Sỹ, tức khoảng 3.200 euro. Để so sánh, con số này cao gấp 3 lần lương tối thiểu tại Pháp, một trong những nước đã được coi là có chế độ lương tối thiểu cao ở châu Âu. Tờ El Pais của Tây Ban Nha viết một bài báo tựa đề “thế nào là nghèo ở Thụy Sỹ?” với lời bình luận cay đắng “một nhân viên bưng bê café ở Thụy Sỹ cũng giàu hơn một giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Tây Ban Nha”.
Nhìn chung, dân châu Âu nhìn dân Thụy Sỹ với con mắt vừa nể phục, vừa ganh tị và có đôi chút không thoải mái. Cái nhìn này kéo vào cả bóng đá. Alexander Frei, cựu danh thủ Thụy Sỹ kể là hồi thi đấu ở Pháp cho Rennes, anh luôn bị gọi là dân “Thụy Sỹ nhỏ bé” với hàm ý là ngoài pho-mát, chocolate, đồng hồ thì dân Thụy Sỹ chẳng biết đá bóng. Nếu nhìn vào lịch sử và lại so sánh với 3 cường quốc bao quanh là Đức, Pháp, Italy thì sự “nhỏ bé” đó không phải không có lý.
2. Nhưng ở cuộc tranh tài đang diễn ra trên đất Brazil này, nói Thụy Sỹ “nhỏ bé” là phải cẩn thận. Đội bóng của Ottmar Hitzfeld vừa leo lên bậc 6 trên BXH FIFA, vị trí cao nhất mà họ giành được trong lịch sử. BXH của FIFA vốn hay bị chỉ trích vì sự ngô nghê nhưng không phải ngẫu nhiên mà Thụy Sỹ leo đến thứ hạng này. Sự thay đổi trong bóng đá Thụy Sỹ diễn ra âm thầm, không nhiều người để ý, nhưng đang đem lại diện mạo mới cho ĐTQG nước này. Cốt lõi của thay đổi đó là “multi-kulti”, tức sự đa dạng văn hóa trong đội bóng. ĐT Thụy Sỹ bây giờ bắt đầu giống như ĐT Pháp 2 thập kỷ qua hay ĐT Đức trong vài năm gần đây, tức có rất nhiều cầu thủ có gốc gác khác nhau trên thế giới.
Trong 23 người mà Hitzfeld mang sang Brazil, một nửa sinh ra ở nước ngoài hoặc có bố mẹ là người nước ngoài. Họ đến từ Kosovo (Shaqiri), từ Macedonia (Admir Medmedi), từ Bosnia (Seferovic), từ Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác. Sự đa dạng này đem lại sức chiến đấu mới cho ĐT Thụy Sỹ vì như đặc trưng ở những quốc gia có cộng đồng nhập cư cao khác, những người có gốc nhập cư luôn có ý chí phấn đấu cao hơn người bản địa bởi họ phải gắng sức hơn gấp nhiều lần mới đạt được một thành công tương tự.
3. Khi Pháp và Thụy Sỹ đọ sức đêm nay, thực tế trên sân là hai đội bóng có những hoàn cảnh tương đồng, có một sức mạnh tương đồng về “multi-kulti”. Các thế hệ cầu thủ gần đây, Thụy Sỹ chưa bao giờ là dễ chơi với ĐT Pháp. Ngay cả khi có Zidane năm 2006, Pháp cũng không thắng nổi Thụy Sỹ. Ngày hôm kia, khi xem trực tiếp buổi họp báo của Patrice Evra từ Brazil, Jean- Pierre Papin thốt lên lo lắng trên kênh BeIn Sport: “Họ làm cái gì thế? Sao lại không nói một chút nào về Thụy Sỹ mà lại toàn nói về Nam Phi 2010?”.
Chúng ta sẽ xem, liệu lo lắng của Papin có chính đáng hay không?
Quang Dũng
Thể thao & Văn hóa