Nhìn từ kỷ lục marathon của Nguyễn Thị Oanh
Tại chặng thứ hai giải chạy qua 3 nước Đông Dương Viettel Marathon hôm qua (1/12) đã chứng kiến màn phá kỷ lục quốc gia của chân chạy Nguyễn Thị Oanh. Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 3 tháng, VĐV điền kinh có phong độ cao nhất Việt Nam hiện nay phá kỷ lục marathon. Kỷ lục cũ được cô lập vào tháng 9/2024 tại giải Marathon quốc tế Hà Nội.
Chỉ mới chuyển sang chạy marathon gần đây nhưng cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đã thành công rực rỡ. Phong độ hiện tại của Nguyễn Thị Oanh chắc chắn là tín hiệu tốt trước SEA Games 2025 vì cô vẫn là người vô đối trên các cự ly quen thuộc 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật ở đấu trường Đông Nam Á. Ở giải vô địch quốc gia mới đây, Nguyễn Thị Oanh cũng đã lập hattrick HCV để khẳng định sự thống trị của mình.
Từng thường xuyên thi đấu nội dung 10.000m, nên việc Nguyễn Thị Oanh chạy marathon cũng không có vấn đề gì, xét ở phương diện cá nhân. Nhưng nếu nhìn ở góc độ phát triển điền kinh, thì lại có nhiều điều suy nghĩ.
Hiện Nguyễn Thị Oanh, người sẽ bước sang tuổi 30 vào năm sau, đang giữ tổng cộng 5 kỷ lục quốc gia môn điền kinh, gồm: 5.000m (15 phút 53,48 giây), 10.000m (33 phút 13,23 giây), 3.000m vượt chướng ngại vật (9 phút 43,83 giây), bán marathon (21km, 1 giờ 15 phút 10 giây), và full marathon (42,195km, 2 giờ 39 phút 49 giây). Đây là thành tích vô tiền khoáng hậu, khó có VĐV nào có thể vượt qua, nhất là có sự khác nhau rất rõ giữa một VĐV chuyên chạy trong sân vận động và một runner đường trường của marathon.
Thông thường, các VĐV chạy điền kinh thường chỉ chuyển sang thi đấu marathon khi đã từ giã sự nghiệp đỉnh cao. Xét về tuổi tác, trường hợp của Nguyễn Thị Oanh cũng không có gì lạ khi cô gái Bắc Giang chuẩn bị cho tương lai bằng cách nối dài sự nghiệp với một nội dung mới, hơn nữa còn đang "hot" nhất hiện nay. Nếu cứ chạy marathon như vậy, khả năng mỗi năm Nguyễn Thị Oanh thắng hơn chục giải đấu thì số tiền thưởng chắc chắn sẽ hơn rất nhiều so với các môn thi đấu dưới màu áo quốc gia.
Vấn đề nằm ở chỗ đó. Một tượng đài cũng đã lớn tuổi, thành tích khó cải thiện ở hướng tốt hơn trên đấu trường quốc tế, nhưng vẫn đang làm mưa làm gió ở môi trường trong nước, phần nào cũng cho thấy khoảng trống kế thừa ở các nội dung mà về lý thuyết sẽ phù hợp với điền kinh Việt Nam (trung bình và dài).
Nhờ 3 chiếc HCV của Nguyễn Thị Oanh mà tại SEA Games 2023, điền kinh Việt Nam mới thoát khỏi một kỳ Đại hội thất bại khi chỉ có 12 HCV, giảm gần phân nửa so với kỳ SEA Games trên sân nhà, và mất ngôi nhất toàn đoàn vào lại tay Thái Lan. Tại SEA Games đã thế, thì việc điền kinh trắng tạy ở Asiad hay các giải châu lục cũng không gì lạ.
Chưa hết, Nguyễn Thị Oanh không phải là một runner chuyên nghiệp vì cô hiện đang gánh trách nhiệm quốc gia ở các nội dung sở trường trên đường piste, vậy mà khi thi đấu ở marathon, cô lại thắng dễ dàng, đánh bại chính nhà vô địch marathon quốc gia Hoàng Thị Ngọc Hoa trên cùng một đường chạy.
Marathon phát triển rầm rộ khoảng 5 năm gần đây, mỗi năm có hàng chục giải đấu, gần như tỉnh thành nào cũng có giải chạy thu hút hàng ngàn VĐV. Vậy nhưng cộng đồng runner chuyên nghiệp ấy sau nhiều năm vẫn không tạo ra được các nhà vô địch đặc biệt cho mình, ở góc độ của một môn thi đấu độc lập có đời sống riêng cho dù vẫn được xem là nội dung thuộc về điền kinh.
Nói cách khác, vẫn là bài toán về chiến lược phát triển và năng lực quản lý của thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn thể thao đỉnh cao, được xem là trọng điểm và có thế mạnh để phát triển đẳng cấp.
XEM THÔNG TIN THỂ THAO TẠI ĐÂY