Nhìn thấy 4 đặc điểm này của đồng nghiệp mà không 'né' vội, đừng hỏi vì sao năm mới đường công danh của bạn chưa thăng tiến
Những người bạn kết giao nơi công sở chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của bạn. 4 chi tiết này tuy nhỏ nhưng có thể thể hiện phần nào tính cách của những đồng nghiệp bạn gặp mỗi ngày.
Ở nơi làm việc, chúng ta vẫn luôn mong muốn duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp để khi gặp khó khăn trong công việc, đồng nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển tạo nên bầu không khí tích cực tại chốn công sở.
Thế nhưng điều này không có nghĩa là bạn không cần cẩn trọng tại nơi làm việc. Nhà tâm lý học Adler từng nói rằng mọi rắc rối của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Nếu nhìn thấy 4 dấu hiệu này trong hành động của đồng nghiệp, bạn nên giữ khoảng cách để tránh những rắc rối có thể ập đến bất kỳ lúc nào trên con đường sự nghiệp.
1. Thích “ngồi lê đôi mách”, nói xấu người khác
Ở nơi công sở, không thể tránh khỏi những bất đồng trong công việc. Nhiều người thay vì giải quyết thẳng thắn, lại chọn đi nói xấu sau lưng người khác, thăm dò đời tư hay phàn nàn rằng người này không tốt, bên kia không làm được việc. Nhìn chung là họ sẽ cố gắng “bới lá tìm sâu”, dìm hàng đối phương ngay khi có cơ hội.
Khi đồng nghiệp khác xảy ra mâu thuẫn, họ sẽ chỉ đứng nhìn “đám cháy” lan ra, không những không can ngăn mà đôi khi còn “đổ thêm dầu vào lửa”, lan truyền những tin đồn vô căn cứ.
Giao du với những người như vậy, bạn sẽ vô tình bị lôi vào những tình thế “chia bè kết phái”, làm cho môi trường làm việc trở nên độc hại. Cho dù bạn không tham gia những câu chuyện nói xấu thì điều này vẫn ảnh hưởng đến cách những đồng nghiệp khác hay cấp trên nhìn nhận bạn, thậm chí bạn cũng sẽ dần hình thành thói quen xấu trên vì chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những người mình chơi thân.
Vậy nên bạn càng không thể coi kiểu đồng nghiệp này là bạn bè. Khi bạn có thành tích tốt hơn hoặc mắc sai lầm, bạn hoàn toàn có thể trở thành chủ đề để những người này đem ra để bàn luận. Thêm vào đó, khi tiếp xúc với họ, đừng nên nói ra những gì bạn cho là bí mật. Ngày mai chắc chắn điều đó sẽ không chỉ còn bạn với người đó biết.
2. Không làm việc chăm chỉ
Trên thực tế, môi trường công sở là nơi để làm việc, mỗi người đều có trách nhiệm và nhiệm vụ phải hoàn thành của riêng mình. Chỉ bằng cách hoàn thành phần việc được giao phó, bạn mới có thể trở thành một nhân viên mẫn cán và tạo ra giá trị cho công ty.
Nếu một người không cố gắng hết sức để làm tốt công việc của mình, họ càng không sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp của mình. Cơ hội phát triển sự nghiệp của người như vậy cũng rất hạn chế. Những người này là do họ vốn lười biếng hoặc không yêu thích công việc của mình.
Làm thế nào một người thậm chí không hoàn thành công việc của mình một cách nghiêm túc có thể đạt được những thành tựu và đột phá lớn? Đó là chưa kể đến những công việc nhóm nhiều người cùng làm, nếu chỉ một cá nhân không chăm chỉ, tích cực, cả nhóm khó đạt được kết quả tốt, càng làm việc càng mệt mỏi.
Người xưa có câu “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, bạn càng tiếp xúc lâu với những người này, trong suy nghĩ của bạn còn có thể nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về công việc, hoặc sẽ luôn bị người đó nhờ vả, đôi khi làm hộ cả phần của họ để hoàn thành nhiệm vụ.
3. Gọi đồ ăn nhưng liên tục “lờ đi” không trả tiền
Gọi đồ ăn để cùng ăn chung là văn hoá phổ biến chốn công sở. Đến những buổi nghỉ trưa, nghỉ giữa giờ là không khí văn phòng tự nhiên sôi động và nhộn nhịp vì tiếng đồng nghiệp gọi nhau đặt đồ ăn.
Việc này vừa giúp dân công sở có những giây phút thư giãn nhưng cũng vừa nảy sinh nhiều vấn đề khó nói. Trong hội nhóm những người cùng đặt đồ chung, thế nào cũng sẽ tồn tại một hoặc một vài cá nhân "cá vàng tiền bạc", vô tình hoặc cố tình quên không trả tiền ăn.
Sau khi có người đặt đồ và ứng tiền hộ, trong khi những người khác chủ động mang tiền đến trả phần của mình, những con "cá vàng tiền bạc" sẽ lẳng lặng, không nói tiếng nào rồi quên luôn nếu đồng nghiệp không nhắc nhở.
Nếu cố tình, họ chắc chắn không phải người trung thực và rõ ràng về tiền bạc. Đặc biệt khi bạn không khéo léo nhắc nhở và giữ lại hoá đơn, điều này thậm chí có thể gây ra xích mích về chuyện tiền bạc - một vấn đề vô cùng nhạy cảm chốn công sở và mang tiếng xấu cho chính bản thân bạn.
Đi làm ai cũng muốn “dĩ hoà vi quý”, có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người nhưng với kiểu người này bạn nên giữ khoảng cách. Nếu họ không tự giác trong việc trả tiền ăn nhiều lần, hoặc nhắc nhở nhưng những người nãy vẫn cố tình làm lơ, hãy thẳng thắn từ chối đặt đồ cho họ, hoặc yêu cầu họ ứng tiền trước.
4. Khó tha thứ cho người khác
Những bất đồng chốn công sở là chuyện bình thường khi đồng nghiệp cùng ngồi lại và giải quyết thẳng thắn với nhau. Nhưng lại có một số người dù vấn đề đã được giải quyết xong, họ bề ngoài cười nói nhưng trong lòng thì vẫn không thể bỏ qua. Kiểu người như vậy rất quan tâm đến lợi ích, bảo vệ triệt để bản thân. Chỉ cần người khác vô tình phạm lỗi hay xích mích họ, họ sẽ không bao giờ quên.
Đồng nghiệp như vậy chứa đầy năng lượng tiêu cực, chỉ có thể nhìn thấy mặt xấu của mọi người chứ không thể nhìn thấy mặt tích cực. Bạn giúp họ có thể là điều đương nhiên nhưng ngược lại, họ sẽ không trả ơn bạn vì ấn tượng trong mắt của họ về bạn rất xấu.
Với những người này, bạn đừng cố kết giao, lấy lòng để “gỡ gạc” hình ảnh, tốt nhất là nhắm mắt làm ngơ, tránh rước họa vào thân.
Một người đồng nghiệp có đáng để kết bạn hay không thực sự có thể được nhìn thấy từ những chi tiết nhỏ trong cách họ “đối nhân xử thế”. Đặc biệt là nơi công sở, chúng ta cần phải phân biệt người nên giao lưu và không nên kết thân để con đường sự nghiệp được suôn sẻ, thăng tiến thuận lợi.
Trạng thái làm việc được đồng nghiệp nể, sếp trọng dụng: Nhân phẩm tương xứng, tư duy vượt trội, năng lực đề cao