Nhìn lại việc Sotheby’s Hong Kong 'chào bán' tranh giả: Rồi cũng sẽ… chìm xuồng?
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc) công bố bán đấu giá hai tác phẩm được cho là của các danh họa Việt Nam gồm Hai cô gái trước bình phong (Trần Văn Cẩn) và Bức thư (Tô Ngọc Vân) tạm thời đã “giảm nhiệt”. Bởi lẽ mới đây, nhà đấu giá quốc tế này đã cho gỡ hai bức tranh bị cho là giả đó ra khỏi website.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Việc gỡ thông tin đấu giá về hai tác phẩm được cho là của hai danh họa Việt Nam này cho thấy họ đã lắng nghe dư luận từ chúng ta. Nhưng qua đây, có thể thấy, câu chuyện tranh giả Việt Nam “dây dưa” vào những nhà đấu giá nổi tiếng trên thế giới hay trong nước là không lạ…”.
* Giả dụ đến ngày 5 - 6/10 tới, Sotheby’s Hong Kong vẫn tổ chức đấu giá hai tác phẩm kể trên thì sao, thưa ông?
- Để giải quyết sự việc lần này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức công bố trên phương tiện truyền thông việc họ đang sở hữu hai bức tranh gốc của danh họa Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn. Giờ câu chuyện hai tranh giả đề tên hai danh họa xuất hiện từ đâu, có phải từ Việt Nam sang không, hay từ nơi nào khác, thực hư câu chuyện như thế nào… thì chính chúng ta cũng không thể biết.
Bản thân tôi chỉ biết rằng, khi xuất hiện trên truyền thông thì có thể khẳng định ngay đó là bản giả và nhân việc này chúng ta nên lên tiếng một cách chính thức về việc mỗi sàn đấu giá phải chịu trách nhiệm trước mỗi quốc gia khi cho đấu giá những tác phẩm không phải nguyên tác của các danh họa Việt Nam. Nhưng điều này khó làm bởi khoảng trống của luật pháp.
* Vậy còn vai trò của Hội Mỹ thuật Việt Nam và của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong những vụ như thế này?
- Hội Mỹ thuật Việt Nam lên tiếng dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của hội viên thôi, chứ không trực tiếp xử lý những vụ việc như thế này. Về phía quản lý nhà nước, Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Triển lãm đã cùng với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (nơi đang lưu giữ hai tác phẩm chân bản, nguyên tác của hai danh họa) phải lên tiếng trong bối cảnh hiện nay. Việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định với truyền thông là đang giữ tranh thật chính là một cơ hội để chúng ta tiếp cận gần hơn, khả thi hơn, tức là có yếu tố để xử lý được nếu Sotheby’s Hong Kong vẫn đưa hai tranh này lên sàn đấu giá. Nhưng cơ hội này không biết có vuột khỏi tầm tay của chúng ta không?
* Còn người thân của các danh họa Việt Nam sẽ có quyền gì trong những vụ việc như thế này?
- Về phía danh họa Trần Văn Cẩn thì không còn ai là người thân, bà Trần Thị Hồng vợ danh họa đã mất hai năm nay rồi. Về gia đình Tô Ngọc Vân, thì con trai của danh họa cũng đã lên tiếng.
Theo tôi, để tiếp cận sâu hơn chúng ta phải tiếp cận trực tiếp để có thể so sánh thật giả, cách thức nào để có đối chiếu so sánh. Việc này không đơn giản, bởi làm sao, luật nào để chúng ta tiếp cận được vào sàn đấu giá nổi tiếng thế giới? Làm cách gì để chúng ta sang Hong Kong (Trung Quốc), tiếp cận sàn đấu giá để làm rõ vụ việc?
* Có ý kiến cho rằng chúng ta nên mời luật sư quốc tế vào cuộc, điều đó có dễ không?
- Điều đó khó khả thi! Bản thân trong nước việc mời luật sư cũng động đến vấn đề tài chính, nên thường bị “chìm xuống”, ra tòa thì có những ràng buộc khác của luật pháp của tòa án. Ví dụ vụ việc của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ. Khi phát hiện tranh nhái, mạo danh chữ ký Tạ Tỵ, gia đình cũng lên tiếng. Con rể của Tạ Tỵ còn là luật sư. Khi gửi đơn kiện ra tòa, tòa yêu cầu phải chứng minh ông Tạ Văn Tỵ chính là họa sĩ Tạ Tỵ.
Đương nhiên tên khai sinh họa sĩ là Tạ Văn Tỵ, thế nhưng lúc khởi nghiệp, từ tác phẩm đầu đời, họa sĩ bỏ chữ “Văn”. Đó là quyền của tác giả được lựa chọn bút danh, điều này mà tòa bắt chứng minh thì khó quá để chứng minh. Điều này mới thấy cứ dính đến luật thì hành lang pháp lý không đủ mạnh, không đủ kỹ từng khoản mục một thì rất khó.
Ở nước ngoài, người ta công khai đâu là tác phẩm nguyên bản, đâu là tác phẩm phiên bản, chú thích ngay trên tác phẩm, đương nhiên là có kích thước nhất định, đã là phiên bản hoặc to hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm nguyên tác. Ở ta thì khác, không công bố được đâu là phiên bản, đâu là chân bản, cứ bày lẫn vào nhau, kể cả tác phẩm phiên bản hay tác phẩm dị bản của họa sĩ.
* Theo ông để “dẹp loạn” vấn nạn này, chúng ta cần làm gì?
- Để có một chế tài xử lý vấn đề này, nghị định cũng chỉ là để đáp ứng giai đoạn cụ thể nào đó thôi, không đủ rộng để xử lý. Vì thế, chúng ta đang soạn thảo Luật Mỹ thuật để trình Quốc hội. Theo tôi, điều đó là rất cần thiết nhằm mục đích bảo vệ sáng tạo của người nghệ sĩ.
Ngoài ra, tôi cũng rất ủng hộ việc có thêm luật hành nghề tự do. Khi anh tốt nghiệp hoặc khởi nghiệp, có thể chưa đi làm nhà nước, chưa ở tổ chức hội nghề nghiệp nào, vẫn còn đi làm tự do, nhưng anh có thể công bố tác phẩm và chịu trách nhiệm trước luật pháp; đồng thời luật thừa nhận tư cách pháp nhân của nghệ sĩ.
Có những luật đó, tôi cho rằng mới đáp ứng được thời kỳ mới của nghệ thuật, cho nghệ thuật. Chừng nào chưa có luật, thì chừng đó còn thiệt thòi cho người nghệ sĩ.
*Xin cảm ơn ông!
Tóm tắt vụ việc Trung tuần tháng 9, Nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong đăng tải trên trang web của mình về việc vào ngày 5 và 6/10 tới sẽ đưa ra đấu giá tranh của bốn danh họa Việt Nam gồm: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí. Thông tin này đã khiến giới họa sĩ Việt bức xúc vì cho rằng các tác phẩm đề là của các danh họa Việt Nam mà Sotheby's chuẩn bị đấu giá là tranh giả, cụ thể là bức Bức thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái trước bình phong (Trần Văn Cẩn). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định họ mới là đơn vị đang giữ hai bức tranh này. Sau phản hồi trên, nhà đấu giá này đã rút hai bức tranh khỏi danh sách đấu giá. |
Phạm Huy (thực hiện)