Nhìn lại siêu bão YAGI với những giải pháp lâu dài - Bài 2: Lan tỏa tinh thần đoàn kết
Giữa lúc người dân căng mình trong cuộc chiến chống bão số 3 cũng là lúc tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được thể hiện rõ nhất.
Không hiếm gặp hình ảnh những chiếc ô tô nối dài che chắn gió cho những chiếc xe máy qua cầu; những người vô gia cư, không nơi nương tựa được đưa về những căn nhà trống, được cung cấp thức ăn, nước uống, chỗ trú ẩn an toàn trong bão tố; hay đơn giản chỉ là những người đi xe máy bị bạt gió trên đường, được người dân xung quanh và lực lượng chức năng đang ứng trực giúp đưa vào chỗ trú ẩn an toàn.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - bão số 3 là cơ hội để con người nhận ra mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Chỉ có tình người, tinh thần đoàn kết, sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong bão mới tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua thử thách ngày càng khốc liệt của thiên nhiên.
Nhường cơm sẻ áo
Gia đình chị Nguyễn Phương Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 2 căn hộ chung cư nằm trên đường Nguyễn Tuân. Gia đình chị sống ở căn hộ tầng dưới, còn căn hộ tầng trên rộng 100m2 với 3 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh vẫn đang bỏ trống. Khi bão số 3 tiến gần đến Hà Nội, gia đình chị đã đăng lên mạng xã hội bày tỏ mong muốn dành căn hộ này cho người lao động đến trú nhờ trong thời gian Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3. Trước sự lan tỏa của diễn đàn mạng xã hội, rất nhanh, những người cần tìm nơi trú bão đến. Hàng xóm xung quanh cũng cho mượn thêm chiếu, chăn, hỗ trợ nhiều loại nhu yếu phẩm khác. Không những thế, gia đình chị Phương Anh còn sẵn sàng bỏ tiền thuê taxi để họ có thể tới. Câu chuyện về lòng tốt của gia đình chị Phương Anh khiến hàng vạn người xúc động.
Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước khi bão đổ bộ, UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã quyết liệt di chuyển những hộ dân có nhà xuống cấp về các địa điểm an toàn. Trong đợt bão này, gần 800 người dân đã được sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Thường trực Huyện ủy, UBND các xã, thị trấn cũng đã phân công cán bộ trực, kiểm soát tại các điểm sơ tán, tránh trú bão tập trung; phân công lãnh đạo, cán bộ xã và các đơn vị lực lượng vũ trang phụ trách từng thôn, xóm. Đồng thời chỉ đạo các thôn, khu tiếp tục rà soát từng hộ dân, số nhân khẩu đang sinh sống tại căn nhà cấp 4 (mái ngói, mái tôn, fibro xi măng...); kiên quyết di dời 100% người dân này đến các nhà kiên cố, an toàn.
Cũng tại huyện đảo Cô Tô, có những người dân tình nguyện nhường một phần chỗ ăn nghỉ cho người dân tránh trú bão. Đó là chị Lê Thị Loan, chủ khách sạn CoTo View. Chị Loan cho biết, nhận thấy đây là cơn bão với cường độ lớn nên vợ chồng chị đã bàn bạc và quyết định cho người dân có nhà không kiên cố đến ở. Chị đăng thông tin lên mạng xã hội kèm địa chỉ, số điện thoại để người dân tìm được khách sạn. Những người dân không đủ sức khỏe được vợ chồng chị Loan cùng nhân viên khách sạn phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi để đón.
Cho đến đêm trước khi bão đổ bộ, đã có hơn 40 người của nhiều hộ dân tại đảo Cô Tô tới ở tại khách sạn của chị Loan. Toàn bộ người dân tới đây đều là các hộ dân, người lao động có nhà không kiên cố hoặc thuê phòng trọ sinh sống trên đảo. "Trên đảo đang mất điện. Khách sạn hiện chạy máy phát điện để cho người dân sinh hoạt, các bữa ăn trong ngày đều được phục vụ miễn phí. Những lúc như thế này, chúng ta rất cần đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau", chị Loan cho biết.
Không để người dân gặp nguy hiểm
Ngay trong đêm 6/9, đã có 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được chính quyền di dời đến Trường tiểu học Tân Mai, cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ.
Tại ngôi trường mới được xây này, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. UBND Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban, ngành, đoàn thể để hỗ trợ người dân. Từng bát mì tôm nóng hổi, tấm chăn mỏng đã được trao tận tay người dân tránh bão để không ai thiếu thốn trong thiên tai.
Vừa được lực lượng chức năng bố trí chỗ ngủ trong một phòng học tại trường tiểu học Tân Mai, ông Nguyễn Hữu Vỵ (86 tuổi) thở phào cho hay, chiều 6/9, khi Hà Nội xuất hiện mưa dông lớn, ông đã vô cùng lo lắng bởi gia đình đang sinh sống trong căn hộ cũ tại chung cư A7.
“Mấy hôm nay, nghe tin siêu bão sắp về chúng tôi rất bất an vì khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm. Tới tối nay, được các cán bộ phường Tân Mai bố trí chỗ trú bão tạm tại đây, chúng tôi rất mừng”, ông Vỵ chia sẻ.
Cùng tâm trạng với ông Vỵ, bà Hoàng Thị Huyền (65 tuổi) cho biết: "Được sự quan tâm của UBND quận và phường cùng lực lượng chức năng giúp đỡ tất cả các hộ dân được di dời tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, các cấp cũng lo nơi ăn chốn ở khang trang sạch sẽ. Chúng tôi rất cảm ơn và thấy rất yên tâm".
Trước đó, chiều 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khẩn cấp ứng phó với bão số 3. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Do vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.
“Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nói. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đơn vị liên quan kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại tâm bão Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, trong cuộc họp khẩn chống bão chiều 6/9, đã yêu cầu thực hiện quyết liệt việc di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn với điều kiện sinh sống tốt nhất; đồng thời, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; bảo đảm an toàn điện; tăng cường việc truyền thông gắn với hình ảnh minh họa thực tế để người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng; cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân xây dựng ngay kế hoạch khắc phục hậu quả, thiệt hại sau bão.
Phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 5 mục tiêu sắp tới trong đó, mục tiêu đầu tiên là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số. Bên cạnh đó, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục những vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng. Thủ tướng lưu ý, việc này cần làm ngay, hoàn thành trước 18 giờ ngày 8/9 và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết. Các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại theo tinh thần: "Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta".
Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo, trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả bão số 3.
Bão số 3 lịch sử qua đi để lại cả những nỗi đau thương mất mát về người và tài sản nhưng cũng đọng lại những câu chuyện về tình người, sự đoàn kết trong khó khăn để, nhờ đó, niềm tin vào tình yêu thương giữa con người với con người, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vì sự phát triển của đất nước sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, khôi phục lại những thiệt hại cơn bão để lại và ngày càng vươn mình phát triển./.(còn tiếp)
Bài 3: Bài học ứng phó với thiên tai