Nhìn lại phiên tòa 'Chuyến bay giải cứu' - Bài 2: Từ chuyển biến nhận thức đến phân hóa tội phạm
Trong quá trình phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”, nhiều bị cáo đã thay đổi nhận thức và khai nhận hành vi, mặc dù trước đó không thừa nhận hành vi phạm tội. Trên cơ sở xem xét vụ án một cách khoa học, dựa trên những chứng cứ thuyết phục… Hội đồng xét xử đã xác định cụ thể mức độ, hành vi phạm tội và phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án để có mức hình phạt phù hợp, tương xứng.
Bị cáo chuyển biến nhận thức ngay tại phiên tòa
Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) có đơn xin Hội đồng xét xử cho nghiên cứu thêm các nội dung vụ án liên quan đến mình và được đồng ý cho đọc hồ sơ đã được số hóa. Sau đó, bị cáo Hương Lan đã nhận thức được sai phạm và thay đổi lời khai, thừa nhận hành vi nhận hối lộ 25 tỷ đồng như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố. Tại phiên tòa, bị cáo Hương Lan đã cảm ơn thẩm phán và thư ký phiên tòa đã cho phép bị cáo được nghiên cứu hồ sơ, đồng thời bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và những người bị thiệt hại bởi hành vi của bị cáo gây ra.
Tương tự, bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (Cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) sau khi đề nghị và được Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho nghiên cứu hồ sơ, đã thừa nhận sai phạm và mong được Hội đồng xét xử cho hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải) ban đầu cũng không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Tuấn đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ và nội dung cáo trạng truy tố là đúng.
Đây là những kết quả của việc Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi khoa học, bám sát chứng cứ một cách thuyết phục. Chất lượng điều hành và xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa được giới chuyên môn đánh giá cao bởi sự dân chủ, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Thị Ngọc Anh, Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife)… cùng luật sư của mình và các luật sư: Vũ Quy (bào chữa cho Hoàng Anh Kiếm - ở Hoàng Mai, Hà Nội), Phạm Hiền Trúc (bào chữa cho Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Thương Mại Sang Trọng)… đã bày tỏ cảm ơn Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, văn minh, công tâm; lắng nghe và phản hồi đầy đủ các ý kiến của bị cáo, luật sư.
Tại phiên tòa, sau khi các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử đã động viên các bị cáo nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, khắc phục hậu quả vụ án. Nhiều bị cáo đã tác động tới gia đình để nộp lại tiền, tăng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bản thân. Nhờ vậy, hầu hết các bị cáo trong vụ án đã nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính để khắc phục hậu quả vụ án.
Phân hóa từng bị cáo theo mức độ phạm tội
Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã phân tích một cách kỹ lưỡng những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo để có mức hình phạt tương xứng, nhằm đảm bảo tính giáo dục, răn đe, đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước và pháp luật.
Đối với nhóm các bị cáo là những doanh nghiệp đưa hối lộ, Hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội xuất phát một phần từ sự gây khó khăn, đòi hỏi, sách nhiễu, tạo ra cơ chế xin - cho của một số bị cáo trong các cơ quan nhà nước. Một số người mặc dù không muốn đưa hối lộ nhưng bị các bị cáo là cán bộ, công chức gây khó khăn, thậm chí có bị cáo còn đưa ra giá yêu cầu, đòi hỏi phải đáp ứng, phải chi tiền mới đề xuất cấp phép tổ chức chuyến bay. Nhóm các bị cáo này phần nào là nạn nhân của cơ chế xin - cho, văn hóa “phong bì”, sự không minh bạch trong việc thực hiện công vụ do các bị cáo là cán bộ công chức tạo ra.
Để khuyến khích người dân tích cực tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cục, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, Hội đồng xét xử quyết định giảm hình phạt cho các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ và xem xét cho một số bị cáo được hưởng án treo.
Một số bị cáo được Hội đồng xét xử đánh giá toàn diện hoàn cảnh phạm tội, đảm bảo tính khách quan và nhân văn trong phán quyết của Tòa. Trường hợp bị cáo Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lữ hành Việt) và Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc) chung sống như vợ chồng mặc dù chưa đăng ký kết hôn, nhưng có con chung. Xét bị cáo Dương thực hiện hành vi phạm tội theo ý của Mạnh, đóng vai trò giúp sức… nên Tòa cho bị cáo Dương được hưởng án treo để nuôi con.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng nguyên là điều tra viên cao cấp, am hiểu pháp luật, nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của bị hại, không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, đến nay chưa khắc phục hậu quả của vụ án. Vì vậy, Tòa xác định cần có mức hình phạt tù nghiêm khắc, cao hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa, mới bảo đảm tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm.
Một số bị cáo đưa hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn, sau khi phạm tội tuy đã ra tự thú nhưng không được miễn trách nhiệm hình sự, được Hội đồng xét xử xem xét tình tiết tự thú khi quyết định hình phạt.
Hội đồng xét xử cũng xem xét đến những đóng góp của các bị cáo tại các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp, về việc đưa công dân về nước trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt là nhóm các bị cáo tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã đưa được 1891 công dân bị lưu giữ nhiều năm trong các trại chờ tại Malaysia về nước.
Đề cập quyền lợi của khách hàng đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, Hội đồng xét xử nêu rõ: Hồ sơ vụ án không có tài liệu, cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua như chi phí đưa công dân về nước (bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác). Do đó, không có cơ sở xem xét, giải quyết tại vụ án này. Vì vậy, Hội đồng xét xử dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật.
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã tạm khép lại, tuy nhiên vẫn còn giai đoạn 2 của vụ án với những tổ chức, cá nhân có liên quan, là những bài học cảnh tỉnh cho thói nhũng nhiễu, cơ chế xin - cho tạo dựng nên những “rào cản” vô hình, đòi hỏi đưa hối lộ… đã làm thoái hóa một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân, tác động xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước.