Nhìn lại năm 2022: Khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam
Năm 2022 là năm thứ hai, Việt Nam quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:"Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc.
* Nhiều dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế
Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, trong năm 2022 nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam cho thấy hoạt động đối ngoại sôi nổi và hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và có chiều sâu.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 vừa qua là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện. Đây là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thông qua việc đón Tổng Bí thư Đảng ta với mức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới và 13 văn bản hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế chiếm phần lớn, đã được ký kết. Hai bên cũng đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất như thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường,” thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mở các văn phòng thương mại Việt Nam tại Trung Quốc; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh tế-thương mại, hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, hai bên cũng thể hiện quyết tâm trong việc nỗ lực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, tìm kiếm các biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì thông quan thuận lợi.
Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, thăm cấp Nhà nước tới Indonesia...
Đặc biệt chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Hội nghị cấp cao APEC 29 mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao APEC 29, đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi, để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận.
Cũng trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia; tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao ASEAN, thăm chính thức Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN-EU... Trong đó, chuyến công tác “ba trong một” của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, vừa dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ 11-17/5, mang nhiều ý nghĩa và đạt kết quả quan trọng.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính phản ánh quan tâm chung của các nước; do đó được các nước đánh giá rất cao, tạo đồng thuận trong ASEAN, phối hợp hài hòa với đối tác Hoa Kỳ để Hội nghị đạt những kết quả quan trọng, tạo dấu ấn đặc biệt 45 năm.
Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp với lãnh đạo các cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc, thể hiện thông điệp xuyên suốt của Việt Nam coi Liên hợp quốc là đối tác tin cậy hàng đầu vì hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy thủy chung, gắn bó lâu dài của Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển đất nước; khẳng định Việt Nam luôn là đối tác chân thành, tin cậy, trách nhiệm và sẽ nỗ lực đóng góp hết sức mình vào công việc chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng đã có các hoạt động song phương dày đặc, tất cả các giới đều coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả...
Năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, New Zealand; tham dự Hội nghị Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA).
Nổi bật là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Sau khi thăm chính thức Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-43 nhằm tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; cùng các Nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực.
Nhìn tổng thể, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò, vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao.
Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam tiếp tục được đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Ngày 13/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thuận bỏ phiếu bầu Việt Nam là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 11/10, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu làm thành viên một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất của Liên hợp quốc.
* Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và phát triển đất nước
Những kết quả trong hoạt động đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Nếu cách đây 30 năm, chúng ta có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay con số này đã được nâng lên thành 230.
Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.
Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng trong năm 2022, nhiều hoạt động trao đổi đoàn các cấp, hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, cùng sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, thể hiện rõ vai trò một đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế - như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”.
Trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định:"Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng cũng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp.”
Chính vì vậy, phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.
Có thể khẳng định, năm 2022, thành công của các hoạt động đối ngoại đã cho thấy Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, góp phần củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đem lại thêm những cơ hội lớn vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.