Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn về tổng thể, có thể nói Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã tương đối thành công và chuyên nghiệp. Đây xứng đáng là cơ sở cho Ban tổ chức căn cứ vào đó để làm tốt hơn cho những lần tiếp theo. Tuy nhiên, sự kiện nào cũng có những giá như và tiếc nuối, lần này đến từ hai Huy chương Bạc (HCB).
- Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Vẫn ‘rào rào cơn mưa’ huy chương
- Khai mạc Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc vì 'giới hạn giờ'
- Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM
Liên hoan đã trao 6 HCB cho Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế Giới Trẻ), Khi con tốt sang sông (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Gương mặt kẻ khác (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B), Người mẹ thứ hai (Nhà hát Kịch TP.HCM), Dưới ánh đèn (CLB Sân khấu thể nghiệm Hội Sân khấu Việt Nam), Gặp lại người đã chết (Đoàn kịch nói Công an Nhân dân).
Một non, một già
Nếu nhìn tổng hòa các yếu tố nghệ thuật của một vở kịch và sự cởi mở về nội dung thì Yêu là thoát tội (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Cao Đức Xuân Hồng) được xem là hay bậc nhất của Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. Cho nên, việc nó chỉ đoạt HCB là bất ngờ và bất bình với nhiều người.
Khai thác lại vụ án Lệ Chi viên với góc nhìn khác và cách đặt vấn đề mới, Yêu là thoát tội diễn tả xuất sắc tâm trạng rối bời của người trong cuộc trước đại án. Cách dàn dựng ước lệ và hiện đại đã chắp cánh cho các diễn viên bay bổng trong từng thân phận nhân vật. Các diễn viên như NSƯT Trần Tường (Thái úy), NSƯT Hoàng Yến (vai Thị Lan), Lê Hoàng Giang (nhà vua), Phạm Huy Thục (nịnh thần Lê Đa), nhà thiết kế Sĩ Hoàng (thái giám Nguyễn Hiền)… đã khá xuất sắc.
Một khía cạnh nữa, đó là âm thanh, ánh sáng và phục trang (do nhà thiết kế Sĩ Hoàng đảm trách) đều khá phù hợp, làm cho vở đậm chất văn học này thêm tao nhã, hiện đại.
Nhiều người đoán việc Yêu là thoát tội chỉ đoạt HCB có thể vì tác động bởi dư âm từ Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ở cuộc thi này, vở cải lương Yêu là thoát tội đoạt HCV, nhưng giới làm nghề và dư luận cho rằng đó chỉ là… “vàng non”. Tuy nhiên, từ cải lương chuyển sang kịch nói, vở đã thật sự thăng hoa. NSƯT Hoàng Yến, Phạm Huy Thục… đoạt HCV về diễn xuất, cũng là một minh chứng.
Vở Dưới ánh đèn (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Trần Nhượng) đang bị nhiều đồng nghiệp cho rằng chỉ là… “bạc non”. Nếu so với những vở không có huy chương như Hiu hiu gió bấc (kịch bản: Như Trúc, đạo diễn: Minh Nhật), Tiếng vạc sành (kịch bản: Trung Dân, đạo diễn: Thanh Thủy) thì nó vẫn yếu hơn một vài khía cạnh. Dù câu chuyện của Dưới ánh đèn khá thế sự, kể về những cảm bẫy mà giới nghệ sĩ tư nhân đang đối diện, thế nhưng cách kể còn hơi khiên cưỡng, luận đề.
Những đề xuất
Một trong những đề xuất mà giới làm nghề muốn có tại các liên hoan đó là hội thảo, thảo luận có tính chuyên môn sâu về kỹ thuật và nghệ thuật sân khấu, cũng như việc tiếp cận với khán giả, giữ chân khán giả. Chứ mạnh ai nấy diễn rồi ra về thì các đoàn khó mà giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Từ khía cạnh nghiên cứu, phê bình, báo chí… thì những thảo luận có tính hàn lâm, học thuật cũng xứng đáng được tổ chức. Bởi lâu nay, dưới khía cạnh phê bình, sân khấu Việt Nam vẫn là “Chí ta, ta biết! Lòng ta, ta hay!”, nên chỉ biết “gặp nhau làm ngơ”. Trong khi đó, ở khía cạnh học thuật, một bộ môn nghệ thuật muốn thật sự khẳng định được vai trò và đẳng cấp, chắc chắn phải có nền phê bình đủ tầm.
Một khía cạnh nữa, đó là sự vắng mặt của những thương hiệu uy tín như Kịch IDECAF, Kịch Hoàng Thái Thanh… cũng là điều rất đáng tiếc. Những sự kiện như Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc cần tìm cách thu hút được họ để tăng thêm chất lượng, sự hấp dẫn.
Văn Bảy