Nhìn lại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: Cuộc kiếm tìm vẫn chưa kết thúc
Sau 2 tuần diễn ra, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V (2022) đã bế mạc tại Hà Nội tối 26/11, với 82 giải thưởng được trao.
Theo đó, HCV cho vở diễn - hạng mục được quan tâm nhất - thuộc về 4 vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam), Thượng thiên thánh mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam) và Đến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). 4 vở diễn này cũng có thể coi là đại diện cho những xu hướng thử nghiệm nổi bật tại liên hoan.
Đa dạng những thử nghiệm
Cụ thể, cùng với Lời thề của Đoàn rối Hải Phòng, Bản tình ca trên núi cho thấy thành công của những sáng tạo từ nghệ thuật rối truyền thống. Dàn dựng cả 2 vở, NSƯT Nguyễn Tiến Dũng được đánh giá cao (và cũng nhận luôn giải đạo diễn xuất sắc tại liên hoan) khi vừa khai thác chất hồn nhiên, thơ ngây, đậm tính huyền thoại của nghệ thuật rối xưa, vừa đưa người thật vào biểu diễn song song cùng quân rối để tạo sự thích thú cho khán giả. Đồng thời tận dụng yếu tố mỹ thuật và công nghệ hiện đại để tạo nên không gian hoành tráng mà vẫn đậm yếu tố bản địa.
Hoặc, Đến bờ bên kia là trường hợp cho thấy sự độc đáo trong việc xử lý không gian sân khấu. Ở đó, chất liệu kim khí thô ráp được dựng lên với các khoang chật hẹp để khắc họa các khoang của một con đò qua sông với tất cả sự nặng nề, bức bối của những con người phức tạp. Đây là ví dụ điển hình của hàng loạt thử nghiệm về các mô hình sân khấu hộp, sân khấu tầng, sân khấu quay, sân khấu khung… tại liên hoan này.
Tương tự, Người trong cõi nhớ gắn với thử nghiệm diễn tả đến bốn cõi trên một sàn diễn: Cõi trần, cõi âm, cõi nhớ, cõi quên. Bên cạnh việc tiếp tục thử nghiệm đưa cải lương "kết duyên" với nghệ thuật xiếc, Thượng thiên thánh mẫu còn cho thấy việc sử dụng ấn tượng hệ thống gậy tre, đòn tre trong lối diễn ước lệ, nhưng gây ấn tượng mạnh.
Như thế, có thể thấy rõ, các vở diễn ấn tượng tại liên hoan đều biết cách khai thác bản sắc và chất liệu của sân khấu truyền thống cho những thử nghiệm của mình. Bên cạnh đó, nhiều vở cũng mang tính tổng hợp của các thể loại kịch nói hiện đại, kịch hát dân tộc - thậm chí cả ngôn ngữ kịch câm - để làm vở diễn trở nên đa sắc và bắt mắt.
Ngoài ra, để tập trung phát huy năng lực của diễn viên, nhiều vở diễn chỉ có vài nhân vật, trong đó câu chuyện kịch tập trung vào một nhân vật chính với xu thế độc diễn, như trường hợp của các vở Giác, Đối thoại âm dương, Độc thoại đêm.
"Món nợ" từ các vở diễn quốc tế
Đáng chú ý, cả 4 vở diễn quốc tế tham dự liên hoan lần này đều không có tên trong danh sách nhận HCV hoặc HCB. Ở góc độ cá nhân, các nghệ sĩ quốc tế cũng chỉ nhận 3 HCVvà 6 HCB, so với 25 Vàng và 33 Bạc của các đồng nghiệp Việt Nam.
Thực tế, cả 4 vở diễn quốc tế này (bao gồm Anh em nhà Lehman từ Italy, Câu chuyện biển cả từ Ba Lan, Họa bì từ Singapore và Bí ẩn về ngôi nhà của YVUA từ Hàn Quốc ít nhiều mang ý đồ thử nghiệm: Sân khấu sử dụng chỉ vài ba nhân vật, với lối diễn tổng hợp các yếu tố thoại, hát, khẩu thuật, biểu diễn ước lệ, vũ đạo, sử dụng con rối và đạo cụ…
Nhưng cũng không thể phủ nhận, do cách biệt ngôn ngữ, hướng tiếp cận không mới này khó gây ấn tượng như chờ đợi của khán giả và bạn nghề.
Đây là điều đã được thấy trước, khi kế hoạch tổ chức liên hoan lần này gặp nhiều khó khăn trước giờ khai mạc. Một số đơn vị sân khấu của Trung Quốc đã không thể tham gia vì các vấn đề liên quan tới việc đi lại sau dịch Covid-19. Hai đoàn nghệ thuật của Pakistan và Ấn Độ cũng rút lui vào giờ chót. Bởi vậy, các tiết mục quốc tế dự liên hoan đều mang tính chất nhỏ gọn và cơ động để phù hợp với bối cảnh hậu bệnh dịch. Nên rõ ràng đó là một "món nợ" với phía tổ chức về chất lượng khách mời cho những kỳ liên hoan sau.
Tiếp tục hành trình đi tìm khán giả
Tất nhiên, khi những thử nghiệm được khuyến khích ở một sân chơi như thế này, sự thiếu hoàn thiện - thậm chí gây tranh cãi - của nhiều vở diễn là điều tất yếu. Đơn cử, dù trao giải Vàng, Hội đồng giám khảo cũng thẳng thắn nhận xét: Thử nghiệm về việc dùng bộ khung kim khí trong Đến bờ bên kia phần nào làm giảm tính "lênh đênh" cần có của một con đò sang sông trong mạch kịch.
Xa hơn, như chia sẻ của GS Tất Thắng (Chủ tịch Hội đồng giám khảo), một số không nhỏ các vở diễn lần này có sự sa đà và thiếu cân bằng trong tiết tấu. "Tính hài hước mà quá thì trở nên vô duyên, mà hụt thì đâm ra nhạt nhẽo. Tính bi buồn mà quá thì trở thành bi lụy, mà hụt thì đâm ra vô cảm" - GS Tất Thắng nói.
Cũng theo lời ông, sức trẻ và sự ham mê thử nghiệm đã khiến nhiều diễn viên - kể cả các trường hợp nhận huy chương - vướng vào sự sa đà tương tự trong lối diễn. Ở đó, diễn viên chạy theo việc thể hiện lời thoại nên "thuộc lòng, nói như máy", hoặc quá sa đà vào thể hiện sự đau khổ, dằn vặt nên đã lăn lộn, gào thét, giẫy giụa… hơi nhiều và gây phản cảm cho người xem.
Thực tế, việc tìm kiếm những thử nghiệm và sáng tạo, vượt lên sự xưa cũ trong cách dựng, cách diễn truyền thống vẫn là điều đã và đang có ở nhiều đơn vị sân khấu những năm qua. Bên cạnh sự công nhận lẫn khuyến khích của người trong nghề, rõ ràng câu chuyện về khả năng thu hút người xem của những vở diễn này mới là thước đo quan trọng nhất, khi mà mọi thử nghiệm rõ ràng đều phải hướng tới cái đích đi tìm khán giả cho sân khấu trong bối cảnh hiện tại.
Bởi thế, cuộc kiếm tìm chính ở liên hoan lần này chưa thể kết thúc, mà còn phụ thuộc vào sức sống của chính các vở diễn trong lòng khán giả khi mở màn bán vé sau này.
Bên cạnh 4 giải Vàng và 5 giải Bạc, liên hoan còn trao giải Đặc biệt cho Lá đơn thứ 72 - vở diễn thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của sân khấu Lệ Ngọc. Ngoài ra, liên hoan cũng trao 5 giải cá nhân xuất sắc, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho NSƯT Nguyễn Tiến Dũng.