Nhìn lại hơn một thập kỷ… 'đạo nhạc': Thử nguyên tắc 'phai mờ' để thẩm định đạo nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Có trường hợp 2 bài hát không giống nhau về trật tự cơ cấu nốt nhạc (giai điệu không giống nhau) nhưng khi nghe vẫn như “hai anh em sinh đôi”. Như vậy, cơ sở nào để kết luận bài hát này đạo nhạc bài hát kia? Hoặc giống bao nhiêu nốt nhạc, bao nhiêu phần trăm thì được xem là đạo nhạc? Đó là những câu hỏi chưa có lời đáp khi đề cập đến việc xác định đạo nhạc ở Việt Nam hiện nay…
- 'Chắc ai đó sẽ về' của Sơn Tùng M-TP: Phải thay beat nếu muốn phim ra rạp
- 'Chắc ai đó sẽ về' - sẽ về đâu?
Hiện nay, ý kiến của một số luật sư và cả một vài quan chức ngành văn hóa cho rằng, việc khiếu kiện của người bị đạo nhạc đối với người đạo nhạc là một quan hệ dân sự. Phía bị hại có kiện thì tòa mới xử, nếu phía bị hại không kiện thì không ai có quyền xử lý.
Đó là nói trên khía cạnh luật, nhưng ở góc độ đạo đức nghề nghiệp và môi trường lành mạnh cho sáng tạo nghệ thuật, trong quá khứ Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP.HCM đã từng đứng ra “xử” đạo nhạc mà không cần yêu cầu của phía bị đạo nhạc. Việc làm này đã được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Nhưng tại sao sau 2 vụ xử đạo nhạc năm 2004, các hội âm nhạc bất động?
Sơn Tùng M-TP người “dính” nhiều nghi án đạo nhạc hiện nay
Lý do từ hội âm nhạc thì hội cho rằng vì những người đạo nhạc không phải hội viên nên hội không xử lý (năm 2004, nhạc sĩ Bảo Chấn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên hội này xử, còn nhạc sĩ Quốc Bảo là hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM nên Hội Âm nhạc TP.HCM xử).
Tuy nhiên, để góp phần xây dựng và phát triển ngành âm nhạc của Thành phố và góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong nhân dân, giá như Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức thẩm định những tác phẩm mà dư luận cho là đạo nhạc để tham mưu cho Sở VH,TT TP.HCM - cơ quan quản lý văn hóa - nhằm không cho lưu hành những bài hát đạo nhạc, những bài hát được xem là thiếu sáng tạo, bắt chước rập khuông, “lắp ghép” từ các bài hát nước ngoài, đó cũng chính là biện pháp để đem đến cho công chúng những ca khúc giàu tính sáng tạo, mang tâm hồn cốt cách của người Việt nhằm nâng cao thẩm mỹ công chúng và đem lại môi trường lành mạnh để thúc đẩy sự sáng tạo của giới sáng tác âm nhạc thành phố hầu đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần có chất lượng.
Những bài hát đạo nhạc thì cấm lưu hành, những người sáng tác đạo nhạc nhiều lần có thể bị cấm hoạt động nghề nghiệp, có lẽ đó là điều mà công chúng âm nhạc và giới sáng tác chân chính mong muốn. Tuy nhiên, để làm được điều này nếu Hội Âm nhạc và Sở VH,TT không xắn tay áo làm thì tình trạng đạo nhạc, vàng thau lẫn lộn của thị trường âm nhạc sẽ mãi như hiện nay.
Tham khảo nguyên tắc “phai mờ”
Trong việc để kết luận thế nào là đạo nhạc, thực tiễn hiện nay là ngay chính các cơ quan quản lý văn hóa từ cấp sở đến cấp bộ vẫn lúng túng. Việc thực hiện như Ban Kiểm tra của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Kiểm tra Hội Âm nhạc TP.HCM đã làm đối với trường hợp nhạc sĩ Quốc Bảo và nhạc sĩ Bảo Chấn vào năm 2004, hoặc tổ chức hội đồng thẩm định như trường hợp đối với bài hát Chắc ai đó sẽ về năm 2014, đó cũng là một giải pháp.
Ngoài ra, một luật sư có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở nước ngoài đang hành nghề tại TP.HCM có đề cập đến nguyên tắc “phai mờ”, có thể đây cũng là một giải pháp mà ngành âm nhạc và cơ quan quản lý văn hóa có thể tham khảo trong việc thẩm định đạo nhạc.
Nguyên tắc “phai mờ” được hiểu trên tinh thần như sau: Khi làm một tác phẩm phái sinh (dùng chất liệu của tác phẩm có sẵn để sáng tạo nên một tác phẩm mới), nếu những đặc trưng của tác phẩm có sẵn chưa được “phai mờ” trong tác phẩm mới, thì tác phẩm mới đó không có giá trị sáng tạo và không được công nhận là tác phẩm độc lập thuộc quyền sở hữu của người tạo ra tác phẩm mới.
Đây cũng là nguyên tắc mà một số nước trên thế giới thường áp dụng trong các vụ tranh chấp bản quyền, hay ở lĩnh vực âm nhạc Việt Nam thời gian qua và hiện nay gọi là đạo nhạc.
Để hiểu thêm về nguyên tắc này, chúng tôi xin trích phần phỏng vấn luật sư Nguyễn Vân Nam đã đăng trên Thể thao & Văn hóa (TTXVN) năm 2008, trong loạt bài phản ánh tranh chấp bản quyền hình vẽ nhân vật Trạng Tí (bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt) giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị.
TS luật Nguyễn Vân Nam - người đã có nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Đức; là Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng tại TP.HCM và tham gia giảng dạy ở một số trường đại học ở Việt Nam.
*Là một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, ông có thể nói, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc thế giới có quy định nào về sự giống nhau giữa hai tác phẩm, như ở mức độ nào, bao nhiêu phần trăm… thì được xem là sao chép lại từ một tác phẩm khác?
- Không có quy định sự giống nhau bao nhiêu phần trăm, ở Việt Nam cũng chưa có văn bản pháp luật hay nghị định hướng dẫn tiêu chí xác định sự giống nhau giữa hai tác phẩm.
Tuy nhiên, việc so sánh này rất quan trọng nên các nước phát triển trên thế giới có những nguyên tắc, mà chúng ta là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải tuân theo, như Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), nghĩa là phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu, dù muốn hoặc không.
Ở quốc tế có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc “phai mờ”. Nghĩa là trong một tác phẩm mới (tác phẩm phái sinh), nếu những dấu ấn, đặc trưng của tác phẩm gốc bị phai mờ bởi dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm mới, thì tác phẩm mới đó là một tác phẩm độc lập.
* Nguyên tắc “phai mờ” này thể hiện ở điều nào của Luật Sở hữu trí tuệ thế giới, hoặc nó đã áp dụng trong những vụ kiện nào?
- Không có trong Luật Sở hữu trí tuệ thế giới và cũng chẳng có điều luật nào quy định nguyên tắc “phai mờ”. Nó giản dị là một nguyên tắc được các nhà luật học, tòa án của các nước phát triển thừa nhận và áp dụng. Có thể nói trong phạm vi quốc tế, tất cả các tranh chấp có liên quan đến so sánh sự giống nhau giữa các tác phẩm thì nguyên tắc “phai mờ” đều được áp dụng.
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần