Nhìn lại 20 năm Internet vào Việt Nam: Những cú hích khiến Internet bùng nổ
(Thethaovanhoa.vn) - Chính thức kết nối mạng toàn cầu từ ngày 19/11/1997, sau 20 năm phát triển, Internet Việt Nam được cung cấp phổ cập cho người dùng cả nước. Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, Internet đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi thứ.
- 20 năm internet vào Việt Nam- ôn cố, tri tân
- BTS lọt vào danh sách 'Những nhân vật có ảnh hưởng nhất trên Internet' của Time
- Lại đứt cáp quang biển, mạng internet miền Trung bị ảnh hưởng
Những cú hích khiến Internet bùng nổ
Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp rộng rãi cho người dân cả nước sau một khoảng 1 năm chuẩn bị về hạ tầng, mạng lưới và xây dựng các quy định, chính sách quản lý. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế nên sau hơn 5 năm Việt Nam mới chỉ khoảng 3 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó).
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, bước đột phá cho phát triển khi internet là khi băng rộng ADSL (MegaVNN) bắt đầu có mặt trên thị trường vào năm 2003. Đây là dịch vụ truy nhập Internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép khách hàng truy nhập Internet tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời. Cước internet, điện thoại giảm mạnh khoảng 10 - 40%, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên.
Cùng với tốc độ kết nối được nâng cao đáng kể, giá dịch vụ lại rẻ, MegaVNN thực sự trở thành một cú hích đầu tiên tăng số lượng người dùng Internet tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 5 năm tiếp theo, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm gần 7 lần, chiếm khoảng 24% tổng dân số cả nước.
Tiếp đó, năm 2009, các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu triển khai công nghệ Internet cáp quang mới - FTTx và sau đó là FTTH trên diện rộng. Với tốc độ truy nhập tăng lên đáng kể trong khi giá cước lại có xu hướng rẻ hơn. FTTH lại trở thành cú hích thứ 2 cho thị trường Internet Việt Nam bùng nổ.
Cú hích thứ 3 phải kể đến đó chính là sự ra đời của Internet băng rộng di động. Tháng 10/2009 - VinaPhone cho ra mắt dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G, đánh dấu sự có mặt chính thức của Internet băng rộng di động tại Việt Nam. Sự ra đời của dịch vụ này đã đón đầu xu hướng truy nhập Internet trên các thiết bị cầm tay di động của người dùng Việt và thực tế đã chứng minh điều đó.
Nhờ 3 cú hích đó, Internet tại Việt Nam có thể nói đã phát triển một cách “bùng nổ”. Dù có mặt tại Việt Nam sau rất nhiều quốc gia trên thế giới, song Việt Nam đang nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất, cả trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2010 đến nay, Intenet Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, xu hướng chuyển dịch từ cáp đồng sang cáp quang. Với sự ra đời nhiều loại điện thoại di động thông minh (smartphone), người dùng cá nhân đang có xu hướng sử dụng internet trên di động.
Đáng chú ý là từ năm 2016 và năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 4G, chính thức ghi tên Việt Nam lên bản đồ 4G thế giới. Theo các chuyên gia, về lý thuyết, tốc độ download dữ liệu mạng sẽ cao gấp từ 7 - 10 lần, độ trễ giảm tới 3 lần so với dịch vụ 3G. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết, nếu ứng dụng thực sự vào thực tế thì đây sẽ là cú hích thứ 4”.
Theo số liệu trên trang Internetworldstats - một website chuyên thống kê lượng người dùng Internet của các quốc gia trên toàn thế giới, tính tới giữa năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, tương ứng với 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
Còn theo Sách trắng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) 2017, tính tới cuối năm 2016 Việt Nam đã có hơn 50 triệu người dùng Internet nói chung và hơn 36 triệu người sử dụng Internet trên di động (số thuê bao 3G). Tới thời điểm hiện tại, lượng người dùng 3G cả nước đã lên tới gần 42 triệu.
Ứng dụng mọi lĩnh vực đời sống xã hội
Nhờ hạ tầng mạng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử.
Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết các trường học hiện nay đều được trang bị Internet để phục vụ hoạt động dạy và học. Ngoài phát triển các phương thức học trực tuyến song song với phương thức giảng dạy truyền thống thì Internet còn đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, liên lạc với phụ huynh, học sinh thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
Internet và các ứng dụng trên nền Internet cũng đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ phát triển hình thức khám chữa bệnh từ xa đến việc quản lý bệnh nhân, liên thông dữ liệu giữa các tuyến, liên thông với bảo hiểm xã hội để thanh toán bảo hiểm y tế…
Internet cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, là nền tảng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính…, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.
Đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển Internet tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp, nhưng tiên phong phải kể đến VNPT. Ngay từ năm 1997, VNPT là đơn vị được Nhà nước giao xây dựng hệ thống đường trục kết nối Internet quốc gia và đi quốc tế. Đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển mạng internet băng rộng. Mạng cáp quang FTTH của VNPT hiện đã phủ sóng tới 97% số xã trên cả nước. Với phương châm cứ ở đâu có điện lưới là ở đó có Internet, VNPT hiện đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hướng tới mục tiêu nâng con số này lên 100%. VNPT hiện đang chiếm tới gần 50% thị phần thuê bao Internet băng rộng cố định cả nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng lưới, không ngừng nâng cao chất lượng kết nối internet cho khách hàng, trong nhiều năm qua VNPT cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh đưa Internet đến với người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ví dụ như chương trình 1 triệu giờ đồng hành phối hợp với đoàn thanh niên để đạo tạo hướng dẫn sử dụng Inernet tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã ở nông thôn, các chương trình trang bị miễn phí đường truyền Internet hỗ trợ huyện nghèo vùng cao…
Hiện nay, khi mà hạ tầng Internet đã tương đối đầy đủ, cả xã hội đang hướng tới đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp CNTT trên nền Internet để nâng cao hiệu quả hoạt động, VNPT tiếp tục khẳng định vai trò của mình. Nhiều giải pháp CNTT đang được tin tưởng sử dụng trên khắp cả nước, trong mọi lĩnh vực.
Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục, hơn 12.000 trường học trên cả nước hiện đang sử dụng Hệ thống quản lý trường học VnEdu của VNPT để quản lý điểm, quản lý các kỳ thi, lập thời khóa biểu, trao đổi với phụ huynh học sinh… và con số này đang tiếp tục gia tăng. Trong lĩnh vực Y tế, phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT-HIS hiện đang giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám, chờ làm thủ tục của bệnh nhân, đơn giản và minh bạch hóa việc thanh toán bảo hiểm y tế tại hơn 7.000 cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa trên cả nước. Hệ thống Một cửa điện tử liên thông VNPT-iGate đang được gần 1.300 UBDN tỉnh, sở ngành… trên cả nước sử dụng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân…
Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, FPT Telecom đã cung cấp IPv6 (Internet protocol version 6 là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet)cho hơn 1 triệu hộ gia đình Việt Nam, đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa, việc phát triển hạ tầng và dịch vụ trên nền tảng IPv6 sẽ là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng xu hướng công nghệ mới. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thì sự bùng nổ về các dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet là điều tất yếu, đặc biệt đối với thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và khu vực đông dân cư như châu Á. Để đáp ứng sự phát triển ấy, mạng truyền thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.
Đến giữa năm 2017, nhà mạng FPT đã hoàn tất quá trình quang hoá hạ tầng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lớn, hoàn tất nâng băng thông cho khách hàng khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối đơn giản, xu hướng trong thời gian tới, các đơn vị cung cấp hạ tầng internet còn đáp ứng hiệu quả các hoạt động cao hơn như chạy VPN (mạng riêng ảo), Truyền dữ liệu, Game Online, IPTV (truyền hình tương tác), Video Conferrence (hội nghị truyền hình), IP Camera… Do đó, FPT Telecom cũng đã tích cực nghiên cứu và cho ra đời các dịch vụ bổ trợ phục vụ cho quá trình chuyển đổi “ảo hoá” của DN như cho thuê máy chủ ảo, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây HI GIO Clound để mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và sự đổi mới. Điều mà nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet đem lại sự thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức... Việc lan tỏa này sẽ tiếp tục tới mọi mặt đời sống của xã hội trong những năm tới gắn với cuộc cách mạng 4.0.
XC/Báo Tin Tức