Nhiều vi phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa tại TP HCM
(Thethaovanhoa.vn) - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm, sai phạm trong giai đoạn 2010 đến năm 2016, Thanh tra Chính phủ kiến nghị về xử lý kinh tế hơn 2.054 tỉ đồng, trên 6 triệu USD và 464.000m2 đất.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
* Nêu tên hàng loạt dự án chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa
Theo Kết luận Thanh tra số 757 của Thanh tra Chính phủ, việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sai phạm; do đó, phải thực hiện rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Thanh tra Chính phủ đã kết luận liên quan đến nhiều nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế-Hồ Tùng Mậu-Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, Quận 1; Dự án khu đất số 97 Quang Trung, Phường 8, quận Gò Vấp; Dự án cao ốc văn phòng và trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117-119-121 Nguyễn Huệ và 16 Tôn Thất Hiệp, phường Bến Nghé, Quận 1; Dự án số 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4; Dự án số 14-16-18 Nguyễn Huệ, Quận 1…
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, thực hiện rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà, đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó, cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xem xét, xử lý đối với một số nhà đất theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật như các dự án tại 14-16-18 Nguyễn Huệ, 117 Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp…
Thanh tra Chính phủ giao Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh thanh tra việc thực hiện quản lý, sử dụng đối với 53 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2021.
* Tình trạng lãng phí đất khu công nghiệp khá phổ biến
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng lãng phí đất khá phổ biến. Đặc biệt tại nhiều khu công nghiệp, chủ đầu tư đã tự thay đổi quy hoạch, xây dựng không đúng quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích thu lợi bất hợp pháp, gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước…
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp, nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất hơn 53.000m2 như Công ty Cổ phần Hùng Vương có 41.767m2 tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam có 7.273m2 tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nga Băng Cốc có 4.000m2 tại Khu công nghiệp Tân Bình.
Tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Công ty Thương mại Củ Chi và Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát (Sabeco) đã ký hợp đồng số 04/HĐCT ngày 1/6/2004 thuê 50ha để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia thời hạn 43 năm. Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê là 188 tỷ 390 triệu đồng. Tuy nhiên, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26ha, còn 24ha chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm. Hơn nữa, Sabeco không xin gia hạn thời gian sử dụng đất, vi phạm Điều 15, Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỷ đồng.
- Phạt chủ Thẩm mỹ viện Minh Châu Asian 7,5 triệu đồng vì vi phạm quy định phòng, chống dịch
- Bộ TT&TT yêu cầu xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật trên MXH
- Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Hoài Linh đã vi phạm thỏa thuận với các nhà hảo tâm
Ở khu công nghiệp Tân Tạo (thuộc ITACO) ở huyện Bình Chánh, Ban Quản lý khu công nghiệp đã cho phép ITACO điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền. ITACO tự chia tách, điều chỉnh quy hoạch, chia tách, tự quy hoạch một số khu đất để cho các đơn vị thuê, chuyển nhượng lại, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích so với quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, với tổng diện tích 106.190m2, thu lợi hơn 107 tỷ đồng. Ngoài ra, ITACO còn tự chia, tách một số khu đất đã quy hoạch xây dựng bãi rác công nghiệp, kho tàng, bến bãi, trồng cây xanh tập trung để cho các doanh nghiệp thuê lại, hoặc tự đầu tư sử dụng vào mục đích khác, với tổng diện tích 10.446m2, thu lợi hơn 9,5 tỷ đồng.
Đối với Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng, việc sử dụng lô đất (ký hiệu cụm 1) diện tích 5,25ha và lô đất (ký hiệu cụm 2) diện tích 2,31ha theo quy hoạch là đất công nghiệp, nhưng đem xây dựng kho bãi cho thuê. Lô đất cụm 4 diện tích 2,3ha theo quy hoạch được duyệt là đất trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng nhưng hiện tại là cây xăng, kho bãi cho thuê, đất cây xanh xây dựng sân tennis, nhà điều hành cho thuê, dẫn đến sử dụng đất chưa đúng mục đích, phá vỡ quy hoạch.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp giải quyết, xử lý đối với đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có vi phạm; truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoảng thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật.
Xuân Tùng/TTXVN