Nhiều người thoát chết khi tượng Phật cao trên 30 mét đổ sập
Theo nhiều người dân địa phương có mặt tại hiện trường, công trình xây dựng trong hơn 2 năm nay, hiện vẫn chưa hoàn thành. Khi xảy ra vụ việc, có khoảng 10 lao động đang làm việc tại công trình.
Dự kiến đây là bức tượng phật cao nhất miền bắc khi hoàn thành. Ảnh: Thu Nhung - NLĐ
Trước khi bức tượng Phật đổ sập, 6 lao động thi công trên tầng 2 - nơi đặt tượng Phật đã xuống khỏi công trình trước đó mấy chục phút. Do vậy, tượng Phật với khối lượng hàng chục tấn đổ sập may mắn không có thương vong.
Qua tìm hiểu được biết, kết cấu tổ hợp công trình gồm hai phần: phần dưới là phần Chánh điện (tầng 1 - lộ thiên), phục vụ công việc hành lễ, các nghi thức; phần trên là bức tượng Phật. Tổng chiều cao của công trình tính từ mặt đất đến đầu tượng Phật là trên 30m. Riêng bức tượng Phật có chiều cao hơn 20m. Cũng theo người dân địa phương, tượng Phật được các lao động (chủ yếu người ngoài tỉnh) thi công đắp dựng...
Ghi nhận tại hiện trường vào sáng 8/7, bức tượng Phật đã bị sập đổ hoàn toàn trên tầng 2 của khối công trình. Tượng đổ về phía trước công trình, còn ngổn ngang bê tông cốt thép.
Khoảng 17 giờ ngày 7/7, bức tượng đã đổ sập hoàn toàn. Ảnh: Thu Nhung - NLĐ
Thông tin về bức tượng Phật được đánh giá là cao nhất, nhì miền Bắc đổ sập đã được người dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ cũng như tỉnh Thái Bình biết đến. Do hiếu kỳ, hàng trăm người dân ở các địa phương đã kéo về đây để xem. Lực lượng Công an xã An Mỹ đã được huy động để bảo vệ hiện trường, ngăn không cho người dân tiếp cận quá gần đống đổ nát, tránh trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra như vật liệu, bê tông rơi xuống.
Hiện cơ quan chức năng đang nỗ lực làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Hải An - Văn Du