Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lên kế hoạch rời Thượng Hải, Trung Quốc
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang lên kế hoạch chuyển địa bàn hoạt động về Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) chỉ sau vài năm hoạt động tại thành phố này, trong bối cảnh các lệnh hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19 đã làm tổn hại đến triển vọng kinh doanh, cũng như cuộc sống thường ngày của họ.
Lệnh phong tỏa kéo dài 4 tuần, đã buộc hầu hết các cư dân tại thành phố 26 triệu người này ở trong nhà, đồng thời cản trở các giao dịch tài chính tiềm năng, trong đó một số giao dịch bị đình trệ do những thách thức về hậu cần. Hàng nghìn chủ ngân hàng, thương nhân và nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính tại trung tâm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị "trói chân", thậm chí nhiều người trong số họ còn phải vật lộn để đảm bảo thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho gia đình mình.
Một "cuộc di cư ồ ạt" của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ làm tổn hại tham vọng trở thành trung tâm tài chính của Thượng Hải, đồng thời mang lại tin xấu cho các ngân hàng đầu tư nước ngoài, công ty bảo hiểm và các công ty quản lý tài sản - những công ty đã mở rộng hoạt động tại thành phố này trong vài năm qua, khi Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính của nước này.
- Bắc Kinh nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng, Thượng Hải thêm 51 ca tử vong
- Thượng Hải xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố
- Thành phố Thượng Hải siết chặt lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19
Trước đây, sự phát triển của ngành tài chính ngân hàng đã dẫn đến việc nhiều chủ ngân hàng, các nhà giao dịch và nhà quản lý quỹ tài chính chuyển trọng tâm hoạt động từ Hong Kong và các trung tâm khác đến Thượng Hải để gần gũi hơn với khách hàng. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như đang bị đe dọa.
Ông Jason Tan - Giám đốc về công nghệ tài chính (fintech) của REForce tại Thượng Hải - nhận định sau khi quá trình phong tỏa này kết thúc, sẽ có nhiều chuyên gia nước ngoài ở tất cả các lĩnh vực sẽ tìm kiếm công việc mới bên ngoài Trung Quốc.
Lệnh phong tỏa tại thành phố Thượng Hải, bắt đầu được áp dụng nghiêm ngặt từ cuối tháng 3 vừa qua. Thành phố này đóng góp 3,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, đồng thời là nơi đặt cảng biển “bận rộn” nhất thế giới.
Thanh Phương/TTXVN