Nhiều đoạn đê xung yếu của Hà Nội được đắp cao ngăn lũ dữ
Hiện nay, các địa phương ở Hà Nội đang huy động tối đa lực lượng để ứng phó với thiên tai. Trong đó, Quân đội, Công an đã tích cực phối hợp với các lực lượng khác, triển khai nhanh chóng, hiệu quả việc di dời người dân đến nơi an toàn; tổ chức đắp, hàn khẩu nhiều vị trí đê xung yếu, kịp thời ngăn lũ dữ.
Huyện Đông Anh (Hà Nội) có 3 tuyến sông chạy qua (sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ), đều đang có mực nước cao đến rất cao, có sông trên mức báo động 3, gây ngập lụt một số khu vực. Đáng quan ngại nhất là đoạn đê sông Cà Lồ, chạy qua thôn Kim Tiên, xã Xuân Nội. Hiện mực nước sông Cà Lồ đang vượt mức báo động 3 là 0,6m, nguy cơ đe dọa an toàn đê, ảnh hưởng tới đời sống, vật nuôi của các hộ gia đình thôn Kim Tiên. Theo đánh giá của UBND huyện Đông Anh, đê sông Cà Lồ qua thôn có khoảng 200m đê bị xung yếu và 1.000m đê mặt bằng thấp nên khi trên báo động 3, nước có thể tràn qua đê, gây thiệt hại.
Trước tình thế nguy cấp, UBND huyện quyết định theo tinh thần “3 trước”, ngay trong đêm 10 và rạng sáng 11/9. Huyện huy động khoảng 300 người gồm Bộ đội, Công an, lực lượng tình nguyện… hỗ trợ thôn Kim Tiên gia cố đê. Nhờ đó, đoạn xung yếu kể trên đã được tăng chiều cao so với mặt đê cũ là 0,7m.
Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường lúc 2 giờ sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Hoàng Hải Đăng cho biết, việc nâng cao mặt đê đã được huyện tính toán trước đó, với việc xây dựng phương án đưa đất, cát vào các bao tải. Vì vậy, việc đắp 134m3 đất vào đê được các lực lượng hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời ngăn dòng lũ dữ. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xã Xuân Nội, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ di dời, sơ tán toàn bộ người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn (151 hộ với 373 nhân khẩu của thôn Kim Tiên). Ngoài ra, xã cũng vận động các hộ dân thôn Kim Tiên có con em học Trường Trung học cơ sở và Tiểu học Xuân Nộn ở lại tại Trường Tiểu học Xuân Nộn (125 em). Các học sinh ở lại trường đều được chăm sóc đảm bảo.
Ông Hoàng Hải Đăng thông tin, huyện đang quyết liệt chỉ đạo các xã ven sông Hồng, sông Đuống như: Kim Nỗ, Kim Chung, Đông Hội, Thụy Lâm, Hải Bối… ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra các xã, thị trấn để chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, đôn đốc việc phòng, chống thiên tai.
Tính đến sáng 11/9, có 100% số hộ tại các nhà tạm, không an toàn được di dời đến nơi an toàn (231 hộ với 446 người), được cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm thiết yếu. Cùng với Đông Anh, một số địa phương khác như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì... đã huy động đông đảo nhân lực tham gia đắp, gia cố nhiều tuyến đê, kịp thời ngăn dòng lũ dữ. Đơn cử như, UBND xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (Hà Nội) huy động lực lượng trên 1.000 người để xử lý khẩn cấp sự cố tại tuyến đê sông Nhuệ chạy qua địa bàn, khi có hiện tượng sự cố do nước dâng cao. Các địa phương cũng thực hiện nhiều việc để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân trước mưa lũ, trong đó có việc sơ tán, di dời người dân khỏi nơi trũng, thấp, ngập nước.
Trong đêm 10/9 và sáng 11/9, do mực nước sông Bùi qua huyện Chương Mỹ lên ở mức báo động 3, một số nơi bị ngập. Từ sáng sớm, Ban chỉ huy và cán bộ chiến sỹ Công an huyện Chương Mỹ đã trực tiếp xuống các xã ngập nặng để hỗ trợ, vận động, kêu gọi nhân dân đi sơ tán đến nơi an toàn.
Rạng sáng 11/9, nước sông Hồng tiếp tục dâng cao, đạt mức báo động 2, tạo ra nguy cơ ngập lụt trên diện rộng. Do đó, toàn bộ lực lượng Công an phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được huy động tối đa, hỗ trợ người dân nhanh chóng rời khỏi khu vực ngập úng, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.