Nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng: Nặng lòng với biển
(Thethaovanhoa.vn) - Sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, cầm máy từ năm 1985, Mỹ Dũng đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với nhiếp ảnh. Mà có cái lạ, khi chụp dịch vụ thì anh rất chịu “nịnh mắt”, màu sắc ấn tượng, còn khi chụp cho chính mình, anh chỉ chuộng mỗi ảnh đen trắng, nặng chất biểu hiện. Triển lãm Biển trong chúng ta của Mỹ Dũng đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trưng bày những ảnh đen trắng về ngư dân Việt Nam từ Móng Cái cho đến Cà Mau.
“Vào nghề khi ảnh đen trắng còn rất phổ biến, có lẽ vì vậy mà quen tư duy đen trắng rồi, sau này dù nhiếp ảnh màu chiếm ưu thế, tôi vẫn thấy ở đen trắng một sức gợi mở, tưởng tượng khó thay thế, nên vẫn muốn tiếp tục với nó” - Mỹ Dũng chia sẻ.
Từ cậu bé vùng biển mê hội họa
Mỹ Dũng sinh ra và lớn lên gần làng chài Nam Thọ (Thọ Quang, Đà Nẵng), nơi có truyền thống đi biển hơn 500 năm. Như đa số bạn bè cùng trang lứa, đời sống ngư dân không xa lạ với anh, nhưng trong sâu thẳm lại thấy mình có một ước mơ khác: làm họa sĩ vẽ cảnh đánh cá, thay vì làm ngư dân đi đánh cá.
Những năm sau chiến tranh, cuộc sống với quá nhiều khó khăn, tại Đà Nẵng nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ phải bỏ nghề đi đạp xích lô, đạp xe thồ… để kiếm sống qua ngày. Dù mê vẽ và có khiếu vẽ từ rất nhỏ, nhưng Mỹ Dũng không dám phiêu lưu với cây cọ, đành chọn một việc “gần gần” với mỹ thuật, nhưng phải “bảo đảm có được cái cần cầu cơm” - lời một thầy giáo nói với anh.
Ở tuổi 24 - 25, với suy nghĩ đủ chín chắn, anh chọn học nghề chụp hình dịch vụ. Ngay những năm tháng mà cuốn phim là “gạo châu, củi quế”, Mỹ Dũng vẫn dành vài “pô” trong mỗi cuộn phim để chụp điều mình thích, chứ không phải chụp điều được thuê. Mấy chục năm trong nghề, anh đều “chân trong chân ngoài” như vậy.
Là một thợ dịch vụ, anh chăm chỉ và chiều khách hết lòng, nhưng khi sáng tác, anh nhẫn nại và khó tính đến lạ lùng. Nhờ vậy mà anh sống được với nghề và chơi được với nghề.
Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam có 3 dòng chính: Đầu tiên và phổ biến nhất là chụp kiểu sắp xếp bố cục như thường thấy ở các hội nhiếp ảnh, các giải nhiếp ảnh trong nước. Kế đến là nắm bắt các khoảnh khắc theo câu chuyện, như các phóng sự ảnh báo chí. Cuối cùng là nhiếp ảnh ý niệm, nơi một tác phẩm sẽ được cài cắm rõ ràng các thông điệp, ý tưởng từ trước của người chụp.
Đời cầm máy của Mỹ Dũng đã kinh qua hai dòng đầu tiên, nhưng hơn 10 năm gần đây, anh chỉ thích nắm bắt các khoảnh khắc - như triển lãm Biển trong chúng ta là một ví dụ.
Anh kể, sau mấy chục năm theo đuổi ảnh kiểu sắp xếp bố cục, săn tìm các giải thưởng này kia, anh cảm thấy quá nhàm chán. “Vì nó có vẻ gì đó không được chân thật, các bức ảnh chỉ như chiều mắt những người xem muốn đứng xa nhìn, nó không kể câu chuyện thật của nhân vật, của hoàn cảnh. Tôi muốn tìm một cách kể chuyện khác, chân thật hơn, nơi bố cục ảnh cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng khoảnh khắc mà câu chuyện đó toát ra, mang lại. Tôi muốn nhìn thấy tính biểu hiện trong các bức ảnh của mình” - Mỹ Dũng nói.
Năm 2010, anh làm triển lãm cá nhân ABC nhìn tại Hà Nội và Đà Nẵng, năm 2013 triển lãm Tự do tại Đà Nẵng, năm 2014 triển lãm Biển báo tại Đà Nẵng. Tác phẩm chủ đạo trong các triển lãm quy mô này được chụp theo hướng nắm bắt các khoảnh khắc theo câu chuyện. Có lẽ vì vậy mà Mỹ Dũng tạo được dấu ấn riêng trong giới làm nghề.
Chụp các câu ca về biển
Mỹ Dũng kể từ lúc ấu thời, anh đã nghe biết bao nhiêu câu ca nói chung (gồm ca dao, tục ngữ, thành ngữ…) về biển, về nghề biển. Từ nhỏ thường nghe câu quen thuộc “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, vậy mà tuổi gần lục thập hoa giáp anh mới hiểu được ý nghĩa ẩn tàng của nó.
Xem Biển trong chúng ta, có khá nhiều tác phẩm diễn tả tài tình cái ý ẩn tàng của các câu ca, chứ không phải chụp kiểu minh họa đơn thuần. Nào là “Chồng chài, vợ lưới, con câu/ Thằng rể đóng đáy, con dâu đi nò”. Nào là “Thuyền không bánh lái thuyền quay/ Em không cha mẹ ai bày em nên”. Nào là “Làng tôi nghề biển nghề sông/ Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”. Nào là “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”…
Mỹ Dũng không chỉ chụp vẻ đẹp trong lao động của ngư dân ven bờ, mà còn chụp cả lo toan, vất vả, chụp tương lai của họ. Qua các tác phẩm và cuốn sách cùng tên, người xem thấy con tôm con cá bây giờ dần khan hiếm, dần nhỏ bé hơn trước đây, thấy trong mẻ lưới còn có cả rác thải, ô nhiễm môi trường…
Mỹ Dũng giãi bày: “Gần 3 năm lăn lộn từ Nam ra Bắc, tôi thấy ngư dân mỗi vùng miền có khác nhau, nhưng rất buồn là trong câu chuyện chung của họ không nói nhiều về tương lai tươi sáng, nhiều người khuyên con cháu lên bờ tìm việc khác…”
Văn Bảy