Nhiếp ảnh gia Joseph Gobin: Kể chuyện 'trà đá vỉa hè' Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm ảnh Một thành phố khác: Công cộng, Riêng tư, Thầm kín. Đó là triển lãm đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên giữa nhiếp ảnh gia người Pháp Joseph Gobin (Pháp) và nghệ sĩ Nguyễn Phương (Việt Nam) để đem đến cho công chúng một Hà Nội rất thời đại.
Hai bộ ảnh của hai tác giả tưởng chừng như không có điểm chung, nhưng khi đặt cạnh nhau lại vẽ nên một Hà Nội vừa lạ, vừa quen, vừa cởi mở, vừa riêng tư, vừa ẩn chứa những nỗi niềm riêng của từng người.
Trong đó, người xem đặc biệt ấn tượng với chùm tác phẩm về không gian trà đá trên các hè phố Hà Nội của Joseph Gobin. Thay vì khắc họa chúng dưới cái nhìn của quá khứ hay hoài cổ, văn hóa trà đá trong ảnh của Joseph hiện lên đồng hành với sự chuyển mình của thời đại. Ở những bức ảnh này, sự vá víu, bày biện tạo nên một nơi chốn vừa kín vừa mở, vừa riêng tư lại vừa công cộng, mang đậm chất xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong những thành phố lớn.
Là nhiếp ảnh gia tự do, làm việc cho các tờ báo địa phương và doanh nghiệp tại Pháp, năm 2012, Joseph được lựa chọn tham gia chương trình Monde Académie do tờ báo danh tiếng bậc nhất nước Pháp Le Monde tổ chức để thực hành nhiếp ảnh phóng sự trong vòng 1 năm tại đây. Một năm sau đó, anh được Le Monde trao tặng giải thưởng EDF/Le Monde cho những phóng sự ảnh xuất sắc của mình.
“Khung cảnh một quán nước được dựng tạm bợ trên hè phố, tách biệt khỏi nhịp sống tấp nập diễn ra bên cạnh luôn làm tôi thích thú và tò mò” - Joseph Gobin nói với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Từ bao giờ và tại sao anh lại hướng ống kính của mình vào… trà đá vỉa hè Hà Nội?
- Tôi đã ở Việt Nam được ba năm và trong ngần ấy thời gian tôi đã chụp một loạt ảnh về trà đá và quán nước. Tôi chỉ chụp đúng 5 cuộn phim cho dự án này và không hơn.
Thông qua nhiếp ảnh, tôi muốn ghi lại và nghĩ một lúc nào đó - bằng các bức ảnh - tôi sẽ kể lại cho người khác nghe về những thói quen thường nhật của người Việt Nam, về không gian công cộng và cách mọi người ở Việt Nam sử dụng cái không gian ấy như thế nào.
* Anh thấy ở cái không gian trà đá vỉa hè ấy còn gì hấp dẫn nữa không?
- Đây là một chủ đề tôi quan tâm từ khi mới hành nghề nhiếp ảnh. Và khi đến Việt Nam tôi lại tiếp tục chủ đề này. Tôi nhìn thấy rất nhiều điều thú vị trong không gian này. Đó là một Hà Nội đã có nhiều biến chuyển, thay đổi. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì sự tồn tại của các quán trà đá vẫn vô cùng lâu dài.
*Vậy nhìn ở “góc rộng” thì anh thấy Hà Nội có gì đặc biệt so với các thành phố khác trên thế giới mà đã đến?
- Hà Nội là một thành phố cực kì khác biệt, so với những gì tôi biết, so với thành phố nơi tôi sinh ra. Hà Nội đối với tôi giống như một sinh vật kỳ bí và vô cùng hấp dẫn. Một Hà Nội rất xinh đẹp duyên dáng. Một Hà Nội nhẹ nhàng, thân thương, đáng yêu. Và một Hà Nội cũng không thiếu những lúc khốc liệt...
Hà Nội đặc biệt ở chỗ, ở đây mọi người có thể làm được những thứ mà ở các thành phố khác ở nhiều đất nước khác không làm được. Trà đá vỉa hè là một ví dụ. Mọi người ở Hà Nội có thể thoải mái trò chuyện, chia sẻ những chuyện riêng tư ở một nơi công cộng…
* Ngoài trà đá vỉa hè, nếu nhìn sang ẩm thực, con người, văn hóa Hà Nội thì anh thấy thế nào?
- Dưới con mắt của một nhiếp ảnh gia, một người quan sát HN thì tôi thấy ẩm thực rất tuyệt vời. Đồ ăn Hà Nội rất ngon, không có gì để chê cả. À cũng có đấy, Hà Nội đang ô nhiễm, đó là điều tôi lo lắng. Nhưng bên cạnh “nỗi sợ” ấy, sự năng động của thành phố, của những con người trẻ tuổi ở nơi này khiến tôi càng thấy Hà Nội rất hấp dẫn. Nhìn chung, cuộc sống ở đây khiến tôi không ngừng cố gắng, đổi mới mình.
* Theo anh thì cái gọi là “không gian văn hóa trà đá vỉa hè” ở Hà Nội có còn tồn tại trong tương lai?
- Không gian công cộng là điều tôi thấy rất thú vị vì tôi có thể quan sát được rất nhiều điều hay ho trong không gian này. Tôi cũng rất quan tâm đến việc Hà Nội đã có rất nhiều biến chuyển, thay đổi mà dù có thay đổi thế nào thì như tôi đã nói, những quán nước, trà đá vẫn sẽ tồn tại. Tôi cho rằng 40 năm sau, dù “vật đổi sao dời”, xã hội thay đổi đến đâu, thì những quán nước, trà đá trên những vỉa hà Hà Nội vẫn không thay đổi.
* Xin cảm ơn nghệ sĩ Joseph Gobin.
Ám ảnh với một Hà Nội vội vã, xô bồ Đó là quan điểm của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Phương khi nói về những tác phẩm của mình trong triển lãm chung với Joseph Gobin. Khác với tay máy người Pháp, Nguyễn Phương đi sâu vào khai thác những ám ảnh, những suy nghĩ hỗn độn của bản thân. Anh cảm thấy lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô thị, nơi mà sự ô nhiễm vẫn hiện hữu nhưng khéo léo ẩn mình dưới lớp áo xa hoa, hào nhoáng. Ô nhiễm không chỉ dừng lại ở sự thờ ơ của con người với môi trường sống, được nghệ sĩ thể hiện qua thủ pháp nhiếp ảnh, mà còn ở trong chính mỗi con người, khi mà sự ganh đua để sinh tồn đang dần làm biến chất những giá trị đạo đức bên trong. “Tôi không chụp các con ngõ, ngôi đình, làng cổ, các ông bà cụ,.. vì những thứ đấy không ám ảnh tôi và cuộc sống của tôi không gắn liền với những điều ấy. Tôi chụp ảnh thiên về cảm xúc, ám ảnh điều gì thì mình sẽ thể hiện điều đó qua các bức ảnh. Và trong triển lãm lần này, điều ám ảnh mình chính là một Hà Nội vội vã, xô bồ. Vì thế, tôi luôn muốn mọi người sống chậm lại, suy nghĩ về cuộc sống của mình nhiều hơn, hãy thoải mái, tự do hơn dù cuộc sống có phải bon chen thế nào đi chăng nữa…” - Nguyễn Phương chia sẻ. Triển lãm Một thành phố khác - Công cộng, riêng tư, thầm kín, diễn ra đến hết 30/12/2019 tại Trung tâm Văn hoá Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm). |
Đôi nét về Nguyễn Phương Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Phương tốt nghiệp trường Đại học mỹ Thuật Việt Nam chuyên ngành hội họa. Từ năm 2015, song hành với hội họa, Nguyễn Phương quyết định sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ biểu đạt nghệ thuật của mình. Anh phát triển ngôn ngữ hình ảnh riêng thông qua việc quan sát mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Các tác phẩm nghệ thuật của anh khởi nguồn từ đời sống nội tâm và những nỗi ám ảnh xoay vần trong cuộc sống thường nhật. |
Phạm Huy - Diệu Linh